Làn sóng giáo viên nghỉ việc: Bội thực với hồ sơ sổ sách và nhiều cuộc họp vô bổ

Ly Hương
13:49 - 23/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hàng ngàn giáo viên, nhân viên trường công lập ở phía Nam nghỉ việc do đồng lương thấp. Bên cạnh đó, họ còn bị bội thực với hồ sơ sổ sách và nhiều cuộc họp vô bổ.

Ngành giáo dục đã có những chỉ đạo để giảm sổ sách cho giáo viên. Thế nhưng, hàng năm thầy cô vẫn bội thực với hàng loạt hồ sơ ngoài quy định. Cùng với đó, nhiều cuộc họp vô bổ, không cần thiết vẫn được tổ chức khiến nhiều giáo viên cảm thấy quá căng thẳng và bỏ việc.

Bội thực với hồ sơ sổ sách

Theo quy định về hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục tại Điều 21 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, các loại sổ sách của giáo viên tiểu học bao gồm: Kế hoạch bài dạy; Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm); Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Theo Điều 21 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, giáo viên cấp 2, cấp 3 phải có các loại sổ sách sau: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hồ sơ của giáo viên rất cụ thể, rõ ràng. Tuy vậy, thực tế lãnh đạo nhiều trường phổ thông cố ý làm trái (hoặc không hiểu), khiến giáo viên bội thực với các loại sổ sách vô bổ.

Cô Dương Thu Trinh, nguyên giáo viên bậc trung học phổ thông ở Bình Dương cho biết, cô dạy học được 3 năm, lương chưa đầy 4 triệu nhưng không thể làm thêm để tăng thu nhập vì suốt ngày bận rộn với hàng đống sổ sách nên quyết định nghỉ việc. Năm học 2020-2021 cô được phân công dạy 2 khối 10 và 12, chỉ riêng giáo án phải soạn 10 loại khác nhau.

Cụ thể, giáo án dạy buổi sáng lớp 10; giáo án dạy buổi chiều lớp 10; giáo án chuyên đề lớp 10; giáo án giáo dục địa phương lớp 10; giáo án dạy buổi sáng lớp 12; giáo án tự chọn lớp 12; giáo án dạy chiều lớp 12; giáo án ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông; giáo án chủ nhiệm lớp 12; giáo án chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

"Năm ngoái trường tôi yêu cầu giáo viên phải soạn lại mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án) mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế hoạch bài dạy này có nhiều ưu điểm nhưng nhược điểm lớn nhất là quá tỉ mỉ, nhiều hoạt động gắn với các sản phẩm. Một bài soạn về văn xuôi, chẳng hạn tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài) lên tới 20 trang giấy, rất mất thời gian", cô Trinh chia sẻ.

Ngày 18/1/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường. Điểm quan trọng của chỉ thị này là đã đề cập đến chế tài xử lý đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm. Thực tế cho thấy, rất nhiều lãnh đạo trường học lạm dụng hồ sơ, sổ sách nhhưng vẫn chưa bị xử lí đến nơi đến chốn.

Nhiều cuộc họp vô bổ, phi lí

Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT và Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học quy định về việc tổ chức hội họp ở nhà trường như sau: Tổ chuyên môn trong trường tiểu học sinh hoạt ít nhất 2 tuần/lần, họp chuyên môn trường 2 tuần/lần. Hội đồng trường họp thường kì ít nhất ba lần trong một năm.

Trong trường hợp cần thiết, khi hiệu trưởng hoặc ít nhất một phần ba số thành viên hội đồng trường đề nghị, chủ tịch hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nhà trường. Thực tế, giáo viên phải tham gia nhiều cuộc họp vô bổ, phi lí hết năm này qua năm khác, nhiều thầy cô bỏ việc cũng vì lí do này.

Có những cuộc họp mà nội dung chỉ cần một tin nhắn là thông báo được đến tất cả giáo viên, nhân viên nhưng lãnh đạo không làm thế. Một giáo viên bậc trung học cơ sở ở Bình Phước (đã nghỉ việc) kể, cô phải chạy mấy chục cây số từ nhà đến trường chỉ để hội ý đầu tuần: tuần… làm bao nhiêu công việc, ai làm, tiến độ hoàn thành, rồi về.

Hiện nay ở trường học đang diễn ra rất nhiều cuộc họp. Giáo viên ngoài việc phải giảng dạy theo đủ số tiết quy định thì phải các cuộc họp như: mỗi tháng thường họp hội đồng sư phạm một lần; sinh hoạt tổ chuyên môn (2 lần mỗi tháng); họp chủ nhiệm; họp tổ trưởng; họp công đoàn; họp khi lớp có học sinh vi phạm; họp xét học bổng…

Có cuộc họp chỉ kéo dài 15 phút, ví như hội ý đầu tuần, nhưng cũng có những cuộc họp kéo dài cả ngày đến tối mù mịt vẫn chưa xong. Đó là hội nghị viên chức đầu năm liên quan đến chế độ giáo viên, quy chế chi tiêu nội bộ, không gì khác ngoài chuyện tiền bạc.

Có những cuộc họp triển khai văn bản quy phạm pháp luật của ngành, hiệu trưởng cứ thế mà đọc từ số hiệu của văn bản, tên văn bản, nội dung văn bản cho đến hết không bỏ sót một từ ngữ nào. Giáo viên đa số ít hiểu văn bản nên thầy cô mạnh ai nấy đọc báo, truy cập internet… chẳng quan tâm gì nội dung.

Cuộc họp nào giáo viên cũng phải ghi chép cẩn thận từng nội dung vào Sổ hội họp. Nếu ghi chép thiếu, cuối học kì, cuối năm kiểm tra hồ sơ sổ sách, giáo viên sẽ bị phê bình, kể cả hạ thi đua. Thời 4.0 nhưng nhiều hiệu trưởng vẫn không vận dụng những tiện ích của công nghệ để quản lý, điều hành khiến giáo viên bức xúc.

Họp hành quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và tạo tâm lí mệt mỏi, căng thẳng, chán nản cho giáo viên. Thay vì họp hành liên miên, hiệu trưởng cần quan tâm hơn đến hiệu quả công việc thế nào. Muốn thế, lãnh đạo cần phân cấp, phân quyền cho từng tổ chuyên môn, không nhất thiết phải cầm tay chỉ việc.