Làn sóng giáo viên nghỉ việc: Lương 4 triệu/tháng sau khi học thạc sĩ?
Làn sóng giáo viên nghỉ việc được cho là do hệ số lương, phụ cấp ưu đãi còn thấp cho thấy cần thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khoá 11.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương công bố, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, đã có 527 giáo viên nghỉ việc. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 2824/UBND-VX về việc báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc gửi Bộ Nội vụ. Báo cáo nêu rõ từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/6/2022 có 2.436 viên chức lĩnh vực giáo dục nghỉ việc.
Đồng lương quá thấp
Cô Hoàng Thị Thanh M., nguyên giáo viên môn Ngữ văn một trường trung học cơ sở ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi dạy học được 2 năm thì nghỉ việc vào tháng 6 năm nay.
Năm 2020, Thanh M. trúng tuyển trong đợt thi viên chức và được tuyển dụng vào trường công lập. Thanh M. có bằng thạc sĩ, hưởng lương tập sự 85% bậc 2 được hơn 3 triệu đồng/tháng. Qua năm thứ hai hết tập sự nhưng cũng chỉ nhận chưa đầy 4 triệu đồng/tháng.
"Tôi học đại học mất 4 năm, học cao học thêm 2 năm tốn hàng trăm triệu đồng nhưng khi ra trường nhận được đồng lương ít ỏi, tôi cảm thấy lao động chất xám mình bỏ ra không xứng. Tôi đang phụ má bán hàng ăn kiếm thêm thu nhập và có lẽ tương lai cũng theo nghề dịch vụ", Thanh M. tâm sự.
Cùng hoàn cảnh, cô Lê Thị Liễu, nguyên giáo viên môn Địa lí một trường trung học phổ thông công lập ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, sau 20 năm giảng dạy thì quyết định nghỉ việc vì tiền lương quá thấp.
Cô Liễu hưởng lương bậc 7, chưa đầy 8 triệu đồng/tháng, trong khi cô phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, công việc của chồng cũng không ổn định do thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19 nên cứ thiếu trước hụt sau. Ngoài giờ dạy chính khóa ở trường công lập, cô Liễu phải đi dạy cho một trường tư thục để có thêm đồng tiền chi tiêu hằng tháng.
"Hiện tại tôi bán hải sản online cho khách quen các quận, huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khách hàng của tôi đa số là giáo viên, cựu học sinh, phụ huynh học sinh nên luôn có đơn hàng. Mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 15-17 triệu đồng sau khi trừ các chi phí", cô Liễu chia sẻ.
Trường hợp khác là thầy Lê Văn Luyện, giáo viên một trường trung học phổ thông quận Tân Bình cũng nghỉ việc khi còn 5 năm nữa là về hưu. Mức lương của thầy Luyện khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng nhưng không đủ chi tiêu cho cả gia đình và nuôi con gái học đại học. Sau khi nghỉ việc, thầy Luyện chuyển sang dạy học ở trường tư thục với mức lương cao hơn gấp 3-4 lần – kèm với dạy thêm, luyện thi ngoài giờ.
Giải pháp tăng lương cho giáo viên?
Điều 76 Luật Giáo dục 2019 quy định tiền lương giáo viên như sau: "Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ".
Tuy vậy, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-l9 nên Hội nghị Trung ương 13 khoá 7 và Hội nghị Trung ương 4 khóa 8 đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới vào thời điểm phù hợp.
Trong năm 2021, 2022, dự toán ngân sách Nhà nước chưa bố trí kinh phí để tăng lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) và lực lượng vũ trang. Giáo viên mong rằng, năm 2023 hệ số lương viên chức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng giúp đời sống thầy cô bớt nhọc nhằn hơn.
Tiếp đến, ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định về bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.
Theo đó, giáo viên bậc trung học phổ thông về cơ bản không thay đổi cách xếp lương, bổ nhiệm. Còn giáo viên mầm non mặc dù bổ sung thêm hạng mới nhưng hạng mới chỉ được bổ nhiệm nếu được xét/thi thăng hạng.
Tương tự, giáo viên tiểu học để đạt được mức lương cao nhất thì phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng. Riêng giáo viên bậc trung học cơ sở ở các hạng đều tăng lương hơn so với trước nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Về giải pháp dài hơi, ngành Giáo dục phải tìm cách tinh giản biên chế ở trường công lập một cách hợp tình hợp lý, hiệu quả, tránh làm cơ học, máy móc kiểu như giảm 10% viên chức trên tổng biên chế là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, phải tăng cường xã hội hóa giáo dục nhằm tăng số lượng, quy mô loại hình trường tư thục nhằm thu hút thêm giáo viên mới ra trường (kể cả giáo viên đang công tác ở trường công lập) vào làm việc, nhà trường giảm tuyển dụng mới, giảm biên chế, có thêm ngân sách tăng lương cho giáo viên dạy thêm tiết hay kiêm nhiệm công việc khác.
Ngoài ra, thời gian qua có một số ý kiến cho rằng, muốn tăng lương cho giáo viên thì nên tăng thời gian làm việc lên gấp đôi, bằng cách tinh gọn đội ngũ, giảm tuyển dụng mới. Việc làm này không khó khăn, quan trọng là ngành Giáo dục có "dám" làm hay không mà thôi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google