Đằng sau việc 500 giáo viên Bình Dương nghỉ việc

Nguyễn Khanh
17:46 - 13/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 ngày 12/8, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng chia sẻ: Tình trạng giáo viên xin nghỉ việc là một khó khăn lớn của địa phương.

Chỉ tính từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, Bình Dương có tới 527 giáo viên nghỉ việc và "lý do chủ yếu là áp lực công việc lớn, lương quá thấp" - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương nói. Đằng sau việc giáo viên ra khỏi ngành là những áp lực gì và chế độ lương của nhà giáo hiện nay như thế nào mà chỉ trong vòng hơn 1 năm trời Bình Dương đã có tới 527 giáo viên nghỉ việc?

Áp lực công việc của giáo viên hiện nay

Nếu một người ngoài ngành giáo dục khi nhìn vào công việc của nhà giáo hiện nay có thể đánh giá là công việc nhàn hạ vì mỗi tuần giáo viên tiểu học dạy 23 tiết (35 phút/ tiết); giáo viên trong học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần; giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần (2 cấp học này mỗi tiết 45 phút). Hơn nữa, các kế hoạch giáo dục, giáo án thì năm nào cũng chừng đó, chỉ chỉnh sửa lại là xong. Hè lại được nghỉ liên tục mấy tháng trời. 

Nếu chỉ có vậy thì e rằng chưa đủ đánh giá về công việc của một nhà giáo hiện nay. Ngoài việc dạy học theo định mức ở trên lớp thì giáo viên cấp học nào cũng có hàng trăm việc không tên khác. Các văn bản hiện hành quy định giáo viên chỉ có 4-5 loại hồ sơ sổ sách nhưng thực tế trong công việc thì nhiều vô kể, nhất là những thầy cô làm công tác chủ nhiệm lớp, những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường.

Ngoài các loại hồ sơ sổ sách chuyên môn, giáo viên còn phải thực hiện rất nhiều công việc kiêm nhiệm không tên khác. Chẳng hạn như 2 năm qua, chỉ riêng việc tiêm ngừa vaccine COVID-19 thì các giáo viên chủ nhiệm và tổ trưởng chuyên môn phải cập nhật danh sách, báo cáo không biết bao nhiêu lần. 

Mỗi giáo viên, mỗi học sinh có hàng chục thông tin khác nhau và sau mỗi lần tiêm đều phải đưa vào danh sách nên liên tục phải điện thoại, nhắn tin để lấy thông tin của đồng nghiệp, của học sinh để làm theo mẫu cấp trên yêu cầu. 

Rồi mỗi khi có học sinh bỏ học, giáo viên phải đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần để vận động, ghi biên bản theo quy định. Việc vận động học sinh trở lại lớp học ở một số địa bàn khó khăn xảy ra thường xuyên.

Ngoài ra, các công tác kiểm tra nội bộ, kiểm tra chuyên đề của trường, thanh tra của phòng, sở giáo dục cũng khiến cho nhiều thầy cô giáo cảm thấy mệt mỏi khi phải chuẩn bị vô số những kế hoạch, sổ sách khác nhau. Đó là chưa kể các cuộc thi, hội thi mà giáo viên phải tham gia hoặc hướng dẫn cho học sinh trong mỗi năm học.

Vì thế, công việc của giáo viên dù dạy theo định mức số tiết nhưng ngoài số tiết giảng dạy trên lớp thì giáo viên còn vô vàn những công việc không tên như: hồ sơ sổ sách, soạn giáo án, họp hành liên tục, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về chương trình mới, sách giáo khoa, về ma trận đề kiểm tra, báo cáo, chấm bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ… liên miên không kể giờ giấc. 

Áp lực vô hình

Nhưng, điều áp lực nhất - điều mà giáo viên ngày nay sợ nhất là một bộ phận học sinh đang được phụ huynh cưng chiều quá mức. Một bộ phận học sinh khi vào lớp không chịu học hành, quậy phá nhưng chỉ quở trách hay thiếu kiềm chế nổi nóng và hành xử không nhẹ nhàng với học trò là giáo viên khổ sở vô cùng. 

Một số phụ huynh vào trường gây áp lực, làm đơn gửi lên các cấp, hoặc đưa lên mạng xã hội nên nhiều giáo viên vì thế mà luôn trong thế phòng thủ. Nói học sinh nghe được thì nghe, không nghe thì thôi chứ không dám quở trách học trò vì như vậy là vi phạm đạo đức nhà giáo - theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Giáo viên trong các tình huống ứng xử với học trò, với phụ huynh sơ sểnh là đối mặt với án kỷ luật. Thanh minh, đối chất xong xuôi có rõ trắng đen thì tinh thần cũng rệu rã, chán nản. Nhất là trong thời đại phát triển của mạng xã hội, học trò tiếp cận rất nhanh với thế giới thông tin tự do, mà giáo viên không thích ứng được thì rất dễ nổi nóng bị dư luận chỉ trích. 

Hệ số lương giáo viên công lập hiện nay đang được tính ra sao?

Hệ số lương và lương cơ sở của giáo viên hiện nay cũng đang được tính như các công chức, viên chức ở các ngành nghề khác. Lương giáo viên có trình độ trung cấp bắt đầu từ hệ số 1,86; lương giáo viên có trình độ cao đẳng là 2,10 và lương giáo viên có trình độ đại học hưởng hệ số 2,34. Cứ 3 năm nếu không bị kỷ luật thì lên 1 bậc lương với hệ số 0,33 của lương cơ sở hiện nay là 1.490 000 đồng. Ngoài ra, giáo viên còn có thêm phụ cấp đứng lớp từ 30-35% và từ năm thứ 6 thì được hưởng phụ cấp thâm niên 1%/ 1 năm (nhưng theo Luật Giáo dục thì phụ cấp thâm niên sẽ không còn).

Một cử nhân sư phạm mới vào nghề hiện nay, tính tất cả các khoản lương, phụ cấp thì mỗi tháng được khoảng hơn 3 triệu đồng. Một giáo viên có trình độ cử nhân, nếu đã công tác được 15 năm thì hiện nay có mức lương khoảng gần 7 triệu đồng. Với số thu nhập này, giáo viên phải cân đối để chi cho mua sắm phục vụ công việc của mình như máy tính, máy in, sách tài liệu, sách tham khảo, đồ dùng dạy học…

Đem so mức lương thực lĩnh của một giáo viên trình độ đại học có thâm niên 10 năm công tác (lương bậc 4) hiện nay được khoảng chưa đầy 6 triệu đồng, nếu so sánh với bất kỳ công việc phổ thông nào có lẽ cũng không bằng. Chính vì thế, phần lớn giáo viên hiện nay đang có cuộc sống khá khó khăn. Đa phần giáo viên phải làm thêm một việc nào nữa mới có thể duy trì được cuộc sống gia đình.

Với mức lương này, nếu công tác ở những địa bàn đô thị, hoặc một tỉnh công nghiệp như Bình Dương sẽ hiểu vì sao chỉ trong vòng hơn 1 năm trời đã có hơn 500 giáo viên nghỉ việc. 

Bản thân mỗi giáo viên khi theo đuổi nghề sư phạm thường là những người đam mê nghề nghiệp, muốn được cống hiến, gắn bó với ngành nên có lẽ một số thầy cô khi thôi việc thì họ cũng đã phải đắn đo nhiều lắm. 

Nhưng, với đồng lương khiêm tốn mà công việc lại áp lực - như lời Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng đã chia sẻ về tình trạng địa phương này có hơn 500 nghỉ việc trong vòng hơn một năm trời cũng là điều dễ hiểu.

Thực tế cuộc sống của một bộ phận nhà giáo có thâm niên trong nghề hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là 3 năm nay lương cơ sở vẫn giữ nguyên, lương trả theo vị trí việc làm vẫn chưa thực hiện do dịch bệnh COVID-19 đã có tác động lớn đến kinh tế đất nước.

Câu chuyện của giáo dục Bình Dương chỉ là một trong rất nhiều tỉnh thành địa phương hiện nay đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên khi vào năm học mới. 

Bình luận của bạn

Bình luận