Lạm thu đầu năm học - đánh tráo khái niệm để "đến hẹn lại thu"

Thành Phúc
05:36 - 05/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chỉ từ đầu năm học cho đến nay, truyền thông đã chỉ mặt, điểm tên nhiều trường học trên cả nước để xảy ra tình trạng lạm thu với vô vàn những khoản thu trời ơi, đất hỡi.

Nào là thu tiền tài trợ xây trạm biến áp, tiền bàn ghế đầu cấp, nước uống, vệ sinh, thiết bị khử trùng, phiếu bài tập in, sổ liên lạc điện tử, tiền mua bảng chống lóa, bảng tương tác, máy chiếu, điều hòa, rèm cửa, lớp lại mái che hiên sau, đổ bê tông sân trường, bảo trì máy tính, tiền điện thắp sáng...

Phải nói ngay rằng ngoài những loại tiền bắt buộc phải đóng thì tiền trường bây giờ có rất nhiều thứ mà phụ huynh được yêu cầu đóng góp, hoặc ủng hộ, tài trợ dưới cái mác "tự nguyện". 

Chính vì thế, một khái niệm bất thành văn hình thành là họp phụ huynh đầu năm cho con chỉ nói đến chuyện đóng tiền chứ mới đầu năm có gì bàn bạc quan trọng về dạy và học đâu!

Nơi nào không có lạm thu tiền trường?

Thầy giáo Nguyễn Khương - một nhà giáo lâu năm trong nghề tại một trường học phía Nam chia sẻ rằng, tình trạng lạm thu thì năm nào cũng xảy ra, nhưng điều dễ nhận thấy là tình trạng lạm thu ở các tỉnh phía Bắc thường xảy ra nhiều hơn các tỉnh phía Nam. 

Ở các tỉnh phía Nam, tình trạng lạm thu lại thường chỉ xảy ra đối với một số trường học ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh được tổng kết lại, ít thấy các tỉnh miền Tây Nam Bộ xảy ra tình trạng lạm thu. Số trường lạm thu chỉ tính trên đầu ngón tay qua từng năm học.

Thầy giáo Nguyễn Khương hiện là giáo viên nhận xét thêm, ở địa phương nơi ông công tác là một tỉnh miền Tây Nam Bộ rất hiếm khi phụ huynh phải đóng những khoản "tự nguyện" như một số nơi khác. Là giáo viên chủ nhiệm, đầu năm học này, ông cũng được Ban giám hiệu hướng dẫn họp phụ huynh và chỉ thông báo 1 khoản thu bắt buộc là bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, còn có 2 khoản tự nguyện là bảo hiểm tai nạn và tiền tin nhắn điện tử. Tiền học phí hiện nay chưa thu vì tỉnh chưa có chủ trương thu theo mức mới hay miễn cho học sinh nên các khoản thu rất nhẹ nhàng, trong mức trung bình có thể chi trả của các gia đình. 

Học sinh cuối cấp tại các thành phố trung tâm các tỉnh Nam Bộ đầu năm học mới thường phải đóng 2 khoản tiền là bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn. Quần áo đồng phục nhà trường chỉ quy định áo cộc tay màu trắng, quần xanh hoặc màu đen là được và phụ huynh tự ra chợ mua cho con em mình. Trường chỉ có yêu cầu học sinh mua logo và bảng tên mỗi em 20 ngàn đồng để dán lên áo đồng phục. Ngoài ra, nhà trường chưa hề thông báo khoản thu nào. 

Như vậy có thể thấy, nếu trường nào có mức thu cao hơn, nhiều khoản vô lý hơn thì chính là lạm thu. Thực tế cho thấy phụ huynh mong muốn con em mình có môi trường học tập tiện nghi, thoải mái hơn từ đó chất lượng dạy và học tốt hơn. Thế nhưng, lạm thu không có nghĩa là chất lượng giáo dục được nâng lên tỉ lệ thuận với mức thu tiền trường năm nào cũng tăng cao. 

Thực tế cho thấy, các trường học mầm non, phổ thông công lập hiện nay nếu hiệu trưởng, kế toán nhà trường nếu tính toán khéo léo, không tư lợi và chỉ đầu tư theo nguồn lực hiện có của mình thì không nhất thiết phải thu các khoản xã hội hóa làm gì. 

Bởi lẽ, trong kinh phí nhà nước cấp về hàng năm cho nhà trường đã bao gồm tất cả các khoản chi cần thiết. Trong tổng kinh phí khoán về cho đơn vị hàng năm, trong đó nhà trường dành 80% cho chi thường xuyên và 20% cho chi không thường xuyên.

Trong kinh phí chi không thường xuyên được các trường dự toán và báo về cấp trên để phê duyệt kinh phí đều nêu rất rõ từng khoản. Trong đó có mua sắm trang thiết bị dạy học, đầu tư sửa chữa nhỏ, chi cho khen thưởng giáo viên, học sinh, hội họp, văn nghệ, thể thao… có nghĩa là khoản tiền nào cũng đã được dự toán và phê duyệt cụ thể.

Khi đầu tư lớn, như xây dựng trường lớp, mua sắm lớn thì hiệu trưởng sẽ làm kế hoạch và cấp trên trực tiếp đầu tư. Vì thế, mặc dù xã hội hóa là một chủ trương của ngành khi nhà trường muốn tranh thủ nguồn lực bên ngoài để có thể đầu tư thêm, đầu tư tốt hơn cho học sinh trong các nhà trường nhưng hiện nay nhiều lãnh đạo nhà trường đang lợi dụng chính sách này và nép dưới lời kêu gọi của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Điều trớ trêu là khi vận động thì làm rất bài bản, chi tiết, cụ thể nhưng sau khi vận động thì chi khoản gì, chi như thế nào lại hiếm khi được công khai vì thế mà dẫn đến những dị nghị, thị phi từ phía phụ huynh và ngay cả trong đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Để lạm thu không làm vẩn đục môi trường giáo dục

Theo hướng dẫn tại 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học không được phép thu gồm các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như: tiền bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, đảm bảo an ninh nhà trường; tiền trông coi phương tiện giao thông của học sinh; tiền vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục khác...

Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Nhiều khoản vận động tài trợ, thu "tự nguyện" hiện nay ở một số nhà trường nằm trong cả những khoản không được phép thu và người ta thường đánh tráo khái niệm để những cái chưa phù hợp trở thành phù hợp, cần thiết theo những câu chữ rất nhân văn "tất cả vì học sinh", vì con em chúng ta.

Hơn nữa, việc xã hội hóa hiện nay ở một số nhà trường đang thực hiện theo kiểu giao hết cho Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra kêu gọi, còn nhà trường thì "thu hộ". Hơn nữa, việc thu tiền tài trợ hiện nay ở một số nhà trường đang thực hiện theo kiểu cào bằng, thu theo kiểu ép buộc, "chim mồi" khiến cho phụ huynh phải đóng nên từ đó làm cho phụ huynh mất niềm tin vào nhà trường. Và, dẫn đến tình trạng phụ huynh nghi hoặc tất cả các khoản thu của nhà trường, thậm chí có nhiều người dị ứng khi nhận được thư ngỏ của Ban đại diện phụ huynh.

Thiết nghĩ, xã hội hóa giáo dục cũng là một điều cần thiết trong bối cánh ngân sách nhà nước chi cho giáo dục còn hạn chế. Phụ huynh muốn con em mình được học tập trong một môi trường tốt, đủ đầy cơ sở vật chất, tiện nghi và tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều thì sự chung tay với nhà trường là điều phù hợp.

Song, điều mà phụ huynh mong chờ là các hiệu trưởng nhà trường phải cân nhắc kĩ điều kiện kinh tế của phụ huynh, của học sinh trường mình. Cái nào còn tận dụng được, cái nào chưa cần thiết phải mua sắm thì không nên vận động. Cái nào lợi cho học sinh thì làm, cái nào không lợi thì nên ngưng lại. Lãnh đạo nhà trường phải thấm nhuần tinh thần "tiên ưu, hậu lạc", đừng vì cái lợi của mình mà bất chấp tất cả để vận động phụ huynh.

Điều quan trọng là khi để xảy ra lạm thu, các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng phải xử lý mạnh tay với hiệu trưởng nhà trường, như: cách chức, thuyên chuyển công tác…nếu nghiêm trọng có thể xử lý hình sự thì những hiệu trưởng có tư tưởng, có suy nghĩ lạm thu tiền trường mới chùn tay, sợ hãi. Ngược bằng không, chỉ rút kinh nghiệm, nhắc nhở thì mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu và tình trạng lạm thu tiền trường cứ "đến hẹn là thu".