Phụ huynh bất bình vì mức đóng quỹ đầu năm học chóng mặt

Ly Hương
06:33 - 29/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, có nhiều phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh bất bình, tức giận, bỏ cuộc họp ra về giữa chừng vì trường đưa ra mức đóng quỹ chóng mặt.

Anh Phan Anh có con đang lớp 10, Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, anh vừa tham gia một cuộc họp phụ huynh "vô tiền khoáng hậu". Anh phải bỏ về giữa chừng vì bức xúc chuyện đóng góp đầu năm. Trong cuộc họp đầu năm, phụ huynh đã được nhà trường thông báo 10 khoản thu ngoài học phí của năm học 2022-2023.

Trường tự "đẻ" các khoản thu vô tội vạ

Đầu năm học, vị phụ huynh này phải đóng tổng cộng các khoản tiền cho nhà trường lên đến 7,1 triệu đồng, chưa kể tiền học phí vì đang chờ chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu kể cả tiền học phí, trung bình phụ huynh phải đóng khoảng 10 triệu đồng cho năm học.

Anh cho biết, sau khi cô giáo chủ nhiệm giới thiệu sơ bộ về trường, lớp, tình hình học sinh thì đến nội dung các khoản tiền phụ huynh phải đóng đầu năm (cho một năm học). Theo đó, các khoản bắt buộc gồm: bảo hiểm tai nạn: 50.000 đồng; bảo hiểm y tế: 563.220 đồng; dạy buổi 2: 2.700.000 đồng; nước uống học sinh: 120.000 đồng; tiền điện phòng học máy lạnh: 320.000 đồng; tiếng Anh giáo viên nước ngoài: 2.080.000 đồng; quỹ lớp 400.000 đồng.

Cũng theo anh Phan Anh, vô lí nhất là các khoản tiền mà phụ huynh phải đóng đó là: ấn chỉ ấn phẩm: 200.000 đồng; hệ thống thông tin quản lí học sinh: 160.000 đồng; phí tài khoản học trực tuyến K12 online: 100.000 đồng; thể dục tự chọn 100.000 đồng; tiền quỹ hội phụ huynh: 500.000 đồng.

"Ai cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi mỗi phụ huynh đóng quỹ 500.000 đồng nếu không được hiệu trưởng "bật đèn xanh"? - anh phẫn nộ. 

"Trường này có khoảng 2.600 học sinh, tôi nhẩm tính thì tổng tiền thu về khoảng 1,3 tỉ đồng. Tôi khẳng định nhà trường không thể chi hết số tiền này cho một năm học. Tôi không hiểu văn bản nào cho phép nhà trường thu các khoản này? Nếu hiệu trưởng tự "đẻ" ra rồi thu vô tội vạ ra thì ai hưởng lợi?", vị phụ huynh bức xúc bày tỏ.

Một phụ huynh khác có con đang học bậc trung học phổ thông ở quận Bình Tân cho biết, họ phải đóng góp một số khoản tiền cho con em trong năm học như: quỹ cha mẹ học sinh 300.000 đồng; câu lạc bộ: 100.000 đồng…

Có hay không việc cố tình làm trái Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Ngày 22/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó Điều 10 quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như sau:

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp;

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.

Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh: Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;

Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với Hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện;

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Có thể khẳng định, lạm thu trong trường học là cố ý làm sai của ban giám hiệu nhà trường. Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không có động thái giải quyết dứt điểm vấn đề này sẽ còn bức xúc trong phụ huynh, các gia đình lao đao vào đầu năm học và con trẻ bị thiệt thòi. 

Mọi hoạt động giao tiếp giữa nhà trường và xã hội cần phải tuần thủ chế tài quy định của pháp luật.