Chỉ tiêu thi đua đầu năm học là động lực nhưng cũng dễ dẫn đến thành tích ảo

Thành Phúc
17:28 - 08/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bước vào năm học mới, các nhà trường sẽ tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm học của đơn vị, thống nhất các chỉ tiêu thi đua. Trong vô vàn chỉ tiêu thi đua, các phong trào của ngành thì chỉ tiêu về chất lượng dạy và học trong năm được chú trọng hơn cả.

Có một sự thật là chỉ tiêu thi đua chỉ được phép bằng hoặc cao hơn năm trước chứ không được phép thấp hơn. Chỉ tiêu cao mãi thì có dẫn đến bệnh thành tích của ngành giáo dục trở nên trầm trọng hơn không?

Bởi trước áp lực chỉ tiêu thi đua phải hoàn thành, giáo viên phải lấp đầy rất nhiều phần việc vô lý, chạy theo số lượng chứ không phải chất lượng.

Nỗi khổ chỉ tiêu năm sau phải bằng hoặc cao hơn năm trước

Trong Hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm của các nhà trường, có nhiều loại văn bản được thông qua, đó là: kế hoạch năm học; quy chế dân chủ; quy chế làm việc… Nhưng, những quy chế thực ra chỉ mang tính hình thức, được soạn trước và thường được thông qua rất nhanh.

Điều mà nhà trường dành nhiều thời gian nhất là thống nhất các chỉ tiêu thi đua trong năm học giữa các tổ chuyên môn trong nhà trường. Đó là tỉ lệ học sinh giỏi, khá, yếu kém và số lượng giáo viên các tổ tham gia một số phong trào mũi nhọn như: viết sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên giỏi các cấp, ôn thi học sinh giỏi…

Trong các chỉ tiêu này, thì chỉ tiêu chất lượng giảng dạy của các tổ chuyên môn được đề cập và bàn luận nhiều nhất để đi đến thống nhất cuối cùng. Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn thì đương nhiên là muốn bảo vệ con số mà họ đưa ra về tỉ lệ học sinh khá giỏi.

Nhưng, các giáo viên thường không đồng tình với những con số mà cấp trên đưa ra vì giữa con số được giao và thực tế học sinh do mình giảng dạy thường rất vênh nhau. Bởi, có những môn học mà nhà trường giao đến trên 50% học sinh đạt loại giỏi thì rõ ràng giáo viên không dễ đồng tình.

Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường hay tổ trưởng chuyên môn cũng có những cái khó riêng, đó là hàng năm sau khi tổng kết năm học thì các bộ phận chuyên môn của phòng, sở giáo dục thống kê điểm trung bình môn của địa phương gửi về các trường. Nếu trường nằm ở ngưỡng trung bình thì mọi chuyện cũng êm xuôi. Nhưng, nếu trường thấp hơn điểm trung bình của địa phương thì tất nhiên họ cũng gặp nhiều phiền toái. Vì vậy mới diễn ra tình trạng ép chỉ tiêu. 

Việc giao chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn, rồi tổ chuyên môn lại giao cho giáo viên thì Ban giám hiệu cũng phải lấy mức đạt được của huyện, tỉnh trong năm học trước làm mốc cho trường mình trong năm học hiện tại. Nhưng, khổ nỗi bây giờ nhiều trường học chạy đua điểm số, những điểm giỏi, điểm khá cứ tăng vùn vụt theo từng năm.

Vì thế, nhiều trường chạy theo cũng cảm thấy hụt hơi và đương nhiên đang xảy ra hiện tượng nhiều trường học hiện nay mới "đuổi kịp" về số lượng còn thực tế chất lượng thì vẫn không ai dám chắc là tốt cả. Điều này được thể hiện rất rõ trong các kỳ thi chung như thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thi học sinh giỏi…

Không chỉ có chỉ tiêu về chất lượng giảng dạy mà các trường cũng giao chỉ tiêu viết sáng kiến kinh nghiệm; chỉ tiêu thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp (theo chu kỳ). Tổ nào cũng bắt buộc phải tham gia. Ít thì 50% giáo viên, nhiều thì 2/3, thậm chí là cả tổ cùng tham gia để nâng cao uy tín của nhà trường, tổ chuyên môn và cũng là cách để lấy thành tích cho tổ chuyên môn và nhà trường sau một năm học để xét thi đua.

Điệp khúc giao chỉ tiêu, giáo viên ý kiến thắc mắc, thêm bớt chỉ tiêu có lẽ trường nào cũng có. Nhưng rốt cuộc, một khi Ban giám hiệu đã đưa ra thì các giáo viên có ý kiến như thế nào cũng khó thay đổi vì bao giờ người giao chỉ tiêu cũng đưa ra lý lẽ quy định để yêu cầu giáo viên phải phục tùng, tuân theo số liệu đã đề ra tại Hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm học của đơn vị mình.

Thi đua thế nào để không chạy theo thành tích ảo

Thực tế, việc cấp trên giao chỉ tiêu không phải là vấn đề quá xa lạ đối với các cơ quan, tập thể hiện nay. Có chỉ tiêu thì mọi người mới phấn đấu để hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất và đây cũng là mục đích cho mọi người hướng tới. Tuy nhiên, việc giao chỉ tiêu phải căn cứ vào thực tế của nhà trường và thực trạng của đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh trường mình. Cũng như, biết chắt lọc những phong trào thi đua cần thiết mà ngành phát động để tham gia cho phù hợp với thực tế của đơn vị mình.

Việc giao chỉ tiêu về chất lượng giảng dạy mà không căn cứ vào năng lực thực tế của đội ngũ giáo viên, học sinh trong nhà trường thì rất dễ dẫn đến điểm số ảo. Cuối năm, số liệu ấy vẫn đạt được nhưng chất lượng thật thì lại không đạt được và năm nào cũng phải chạy theo vòng xoáy của tỉ lệ với điệp khúc "năm sau phải cao hơn hoặc bằng năm học trước". Từ đây, dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh mất đi ý chí học tập vì năm nào cũng chỉ "học chơi mà cũng giỏi thật".

Các phong trào thi đua như viết sáng kiến kinh nghiệm hay thi giáo viên giỏi thì Ban giám hiệu nhà trường cũng không nên ép hay khoán chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn. Vì đây là phong trào mà hiện nay đã có văn bản hướng dẫn không được ép giáo viên tham gia.

Thực tế, hãy để giáo viên tự nguyện khi họ cảm thấy điều kiện chín muồi thì thi giáo viên giỏi hoặc tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm. Vì đó là quyền lợi của họ nên họ ý thức được việc họ làm. Chỉ khi làm trên tinh thần tự nguyện, không bị ép buộc thì hiệu quả công việc mới cao mà giáo viên họ không phải bất bình. Suy cho cùng, nhiệm vụ của người thầy quan trọng nhất là việc giảng dạy, giáo dục học trò ở trên lớp chứ không phải là các phong trào viết sáng kiến hay thi giáo viên giỏi.

Vì vậy, việc các nhà trường tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm chỉ nên tổ chức gọn nhẹ, thân thiện và Ban giám hiệu cần cầu thị, lắng nghe ý kiến giáo viên để có những chỉ đạo phù hợp cho kế hoạch cả năm học. Nếu chỉ tiêu không được nhà trường bàn bạc thấu đáo, cứng nhắc áp dụng mệnh lệnh thì hội nghị đầu năm học trở thành buổi giao nhiệm vụ của cấp trên cho cấp dưới mà thôi.

Một khi nhà trường cứ mãi chạy theo số lượng ảo, không căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mình thì bệnh thành tích trong giáo dục sẽ không được đẩy lùi mà tính trung thực càng trở nên xa xôi, tiềm ẩn nhiều hệ lụy không tốt về sau.  

Bình luận của bạn

Bình luận