Lạm thu đầu năm học, việc không chỉ riêng của ngành giáo dục

Phạm Thanh Khương
18:14 - 04/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng vừa thông tin Trường Trung học phổ thông Lê Chân phải dừng vận động tài trợ xây trạm biến áp 1 tỉ đồng và hoàn trả lại phụ huynh số tiền đã huy động được. Đây chỉ là một trong số những lùm xùm lạm thu đầu năm học 2022-2023.

Ngay từ đầu tháng 6/2022, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã khẳng định: "Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thu học phí của các cơ sở giáo dục để bảo đảm đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu trong năm học mới". 

Mặc dù vậy, việc Trường Trung học phổ thông Lê Chân vận động phụ huynh đóng góp xây trạm biến áp; Trường Tiểu học Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thu tiền đóng góp mua bàn, ghế, bảng, rèm cửa chuẩn bị bước vào năm học mới 2022-2023 đã làm nóng vấn đề mà lâu nay xã hội quan tâm.

Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Kỳ Trinh cho biết: Năm học 2022-2023, Trường có 3 lớp 1 với hơn 100 học sinh. Trường có kế hoạch sẽ mua 45 bộ bàn, ghế, 3 bảng để học sinh lớp 1 vào học; lớp 2 cũng mua 26 bộ bàn, ghế. Toàn bộ số cơ sở vật chất này đều vận động đóng góp từ phụ huynh học sinh. Để làm việc này, nhà trường cũng "đã làm đủ quy trình". Quy trình đó là họp phụ huynh, thông báo tình trạng cơ sở vật chất, phụ huynh nhất trí, tự tính trong lớp bao nhiêu em rồi tự chia tiền đóng góp. Phụ huynh tự chọn và liên hệ nhà cung cấp. Nhà trường lập quy trình gửi đến phường. Phường cử đoàn đến khảo sát, sau đó về trình Hội đồng nhân dân phường.

Với quy trình như thế, giáo viên chủ nhiệm nhắn tin nhắc nhở phụ huynh. Cụ thể, mỗi em học lớp 1C đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, 250.000 đồng quỹ lớp và rèm cửa. Tổng cộng mỗi em phải đóng 973.000 đồng. Hai lớp 1 khác, mỗi học sinh cũng đóng một khoản tiền tương đương như thế. Để thực hiện triệt để "quy trình" đóng góp, trong tin nhắn, giáo viên chủ nhiệm nhấn mạnh: "Phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn, ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, học sinh phải tự chịu trách nhiệm".

Bức xúc trước "gánh nặng" đóng góp, phụ huynh lên chất vấn, "vì sao bàn ghế không được nhà nước tài trợ", "tại sao không xin", chính Hiệu trường giải đáp "bàn ghế là phụ huynh tự nguyện đóng góp" và khuyên phụ huynh: "Người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi đâu thì tùy".

Khi câu chuyện gây xôn xao dư luận, Hiệu trưởng nhà trường cũng như cô giáo chủ nhiệm đã nhận lỗi và "nghiêm túc rút kinh nghiệm" vì lỡ miệng. Có thể việc nhận lỗi là hình thức xoa dịu dư luận bởi lời xin lỗi có vẻ chưa thật tâm. Dẫu vậy, biết lỗi nhận lỗi thế là thẳng thắn, còn mong gì hơn. 

Tuy nhiên, từ câu chuyện trên mới thấy, chủ trương "xã hội hóa" và chất lượng đội ngũ giáo viên quả là còn rất nhiều bất cập.

Từ đó thấy rằng việc sĩ số học sinh tăng cao nhưng các cấp từ chính quyền đến ngành giáo dục chưa có ngay giải pháp chủ động giải quyết vẫn trông chờ vào trên và khả năng "vận động" của nhà trường. Khi sự việc gây dư luận mới xem xét, nắm tình hình "giải quyết" song hướng giải quyết vẫn "loanh quanh" theo hướng "tới đây", "chúng tôi sẽ" mà chưa cụ thể và có tính triệt để. 

Thay vì khi nhà trường có ý kiến báo cáo, chính quyền địa phương phải có giải pháp và "nhúng tay" cùng chung với nhà trường giải quyết thì địa phương đã nghe, để đấy, bỏ mặc cho nhà trường "xoay xở" tự tìm lối thoát bằng cách bổ đầu học sinh và chất lên lưng phụ huynh. Sự việc xảy ra cũng có một phần trách nhiệm của chính quyền trong quản lý xã hội và các giải quyết khó khăn của các cơ quan trong phạm vi quản lý.

Sự việc cũng bộc lộ sự hiểu biết xã hội, giao tiếp tuỳ tiện không chỉ của giáo viên mà của ngay người đứng đầu nhà trường. Dù cả Hiệu trưởng và giáo viên nhận lỗi, cho rằng "lỡ miệng" để phụ huynh hiểu nhầm song trong ngay câu nói "lỡ miệng" đã bộc lộ thách thức, kẻ cả. 

Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2019 khẳng định: "Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân"; "Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc". Việc "lỡ miệng" "người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi đâu thì tùy" là từ chối quyền được học tập. Không những thế, giáo viên là những nhà sư phạm, sự chuẩn mực của giáo viên không chỉ làm gương cho học sinh mà còn cho cả xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã phát biểu: "Chúng ta chưa thực sự trung thực trong giáo dục". Bên cạnh đó, câu chuyện cũng cảnh báo sự thờ ơ, buông lỏng, phó mặc của các cấp chính quyền và ngay trong ngành giáo dục đối với hoạt động đầu năm của các nhà trường.

Để triển khai, thực hiện đúng như Luật Giáo dục "phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập" không chỉ "là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân" mà trước mắt phải bắt đầu từ ngay nhà trường, các địa phương và các cấp trong ngành giáo dục. "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu" không chỉ là quy định thể hiện trong luật mà nó phải là nhận thức và hành động của toàn xã hội, trong đó, nhà trường, địa phương và các ban ngành Bộ Giáo dục và Đào tạo thực sự dốc tâm, dốc sức mới có thể biến thành hiện thực.

Và khi đó, bước vào năm học mới, học sinh, phụ huynh mới không còn canh cánh trong lòng về những khoản thu đầu năm như những năm đã qua.

Bình luận của bạn

Bình luận