Kiên định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và điều chỉnh hợp lý hơn

Phan Huyền
06:46 - 28/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hướng đi của giáo dục phổ thông một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa cần phải tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện, nhằm để các bộ sách giáo khoa đạt chất lượng cao hơn hiện nay.

Tại Hội nghị lần thứ 17 của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi một số nội dung cụ thể mà cử tri và nhân dân quan tâm. Bộ trưởng đã thông tin về những vấn đề liên quan đến việc đổi mới giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tập trung vào vấn đề một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

Kiên định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa và điều chỉnh hợp lý hơn - Ảnh 1.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa tạo cơ hội cho các địa phương được chọn lựa bộ sách phù hợp với học sinh và nhà trường. Ảnh: NXB Giáo dục

Trước ý kiến các cử tri yêu cầu quay lại việc "một chương trình một bộ sách giáo khoa", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, đến thời điểm này, các nhà trường và giáo viên đã quen với việc "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa".

Khi chương trình đã đi nửa chặng đường đổi mới, nếu quay lại thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa sẽ là việc "đi ngược lại tinh thần, triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đang đặt ra".

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Một chính sách đang thực hiện nửa chừng mà thay đổi sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới".

Những lợi ích của một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa

Là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chương trình mới được 3 năm, tôi nhận thấy một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa có nhiều lợi ích tích cực.

Đó là việc giáo viên, nhà trường được tham gia lựa chọn tư liệu giảng dạy cho học sinh giúp cho việc chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp với học sinh của địa phương mình.

Sách giáo khoa viết theo chương trình nên phải đảm bảo mục tiêu mà chương trình đưa ra. Vì thế về lý thuyết thì bộ sách giáo khoa nào mức độ và chất lượng cũng đạt mức tiêu chuẩn ngang nhau.

Tuy nhiên trong thực tế, vẫn có những bộ sách giáo khoa kiến thức nặng hơn những bộ còn lại. Vì thế, học sinh ở vùng khó khăn thì nhà trường, thầy cô cũng chú trọng chọn bộ sách dễ học cho học sinh của mình hơn.

Có nhiều bộ sách, sẽ có sự cạnh tranh nhau về nhiều mặt. Nhờ thế, chất lượng, giá cả từng bộ sách giáo khoa sẽ được đầu tư kỹ càng và hợp lý hơn.

Cùng chung một mục tiêu giáo dục nhưng mỗi bộ sách giáo khoa lại có một cách triển khai khác nhau. Giáo viên sẽ có thêm nhiều tư liệu để tham khảo, giúp cho việc học hỏi được phong phú hơn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa vẫn có thể điều chỉnh chất lượng tốt hơn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói: "Một chính sách đang thực hiện nửa chừng mà thay đổi sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới". Đây là ý kiến đưa ra được khá nhiều nhà trường và giáo viên đồng tình. Việc hiển nhiên, không thể quay lại như trước đây: một chương trình một bộ sách giáo khoa.

Tuy nhiên, hướng đi của giáo dục phổ thông một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa cần phải tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện, nhằm để các bộ sách giáo khoa chuẩn chỉnh hơn hiện nay.

Thứ nhất, một số ngữ liệu trong các bộ sách giáo khoa đang được các thầy cô, các chuyên gia và nhiều người quan tâm đến giáo dục nhặt sạn trong thời gian gần đây. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để điều chỉnh và tổ chức thẩm định lại cho thật chuẩn chỉnh.

Thứ hai, cần có quy định rõ về thời gian sử dụng bộ sách để tránh tình trạng mới chỉ học một năm đã cho thay sách dù chỉ là thay một vài cuốn. Việc thay sách liên tục sẽ tạo ra lợi ích nhóm và làm gánh nặng tài chính oằn trên vai nhiều gia đình đặc biệt những gia đình khó khăn.

Thứ ba, đối với bậc trung học cơ sở trong 2 môn học tích hợp Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý cần trả lại tên gọi đơn môn như trước đây (vì thực chất các môn học chưa thể hiện sự tích hợp mà chỉ là ghép cơ học). Sách giáo khoa cũng cần được in độc lập theo môn như trước kia, tránh tình trạng in gộp 2-3 môn (kiểu ghép lại) như hiện nay.

Khi học sinh học phân môn này vẫn phải mang cuốn sách giáo khoa dày cộm của 2 phân môn còn lại vừa nặng cặp, vừa khó cho việc bảo quản, giữ gìn.

Thứ tư, về lý thuyết, nhiều bộ sách giáo khoa sẽ cạnh tranh về chất lượng, về giá cả. Tuy nhiên, nhiều bộ sách giáo khoa hiện nay được đóng cẩu thả (học sinh học vài tuần đã bong, tróc).

Giá sách giáo khoa vẫn khá cao so với bộ sách của chương trình cũ nên nhiều người nuối tiếc. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giám sát chặt chẽ các khâu, giao trách nhiệm cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu bộ sách nào đó có vấn đề chất lượng, và sai về kiến thức.

Thứ năm, nhiều bộ sách giáo khoa nhưng phụ huynh vẫn rất khó mua sách theo cuốn riêng lẻ. Vì thế, nếu muốn thay một cuốn sách nào đó, học sinh sẽ phải thay nguyên bộ sách gây nhiều tốn kém. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mở nhiều kênh bán sách giáo khoa đến tận tay người cần, tránh kiểu bán độc quyền như hiện nay.

Những tồn tại nêu trên được khắc phục triệt để thì chuyện than vãn, có ý kiến về nhiều bộ sách giáo khoa sẽ không còn nữa, công chúng sẽ ủng hộ chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.