Sách giáo khoa Địa lí 11 bộ Cánh Diều có "sạn"

Ly Hương
06:00 - 18/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lí, Trường Đại học Đồng Nai, cho biết sách giáo khoa Địa lí 11 bộ Cánh Diều, bản in thử còn nhiều sai sót về kiến thức.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật chia sẻ, sách giáo khoa Địa lý 11 (bản mẫu) bộ Cánh Diều (Lê Thông - Tổng Chủ biên, Nguyễn Đức Vũ - Chủ biên, Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC) còn nhiều "sạn".

Thứ nhất, trang 22 tác giả sách giáo khoa viết: "Mỹ La-tinh là khu vực rộng lớn thuộc châu Mỹ, có thiên nhiên phong phú và tài nguyên đa dạng." Trang 23 tác giả lại viết: "Vị trí này đã tạo cho khu vực Mỹ La-tinh có thiên nhiên đa dạng, phân hóa rõ rệt."

"Trang 22 cho rằng thiên nhiên Mỹ La-tinh phong phú nhưng trang 23 lại cho rằng thiên nhiên Mỹ Latinh đa dạng; như vậy, trang nào viết đúng?", thầy Thuật băn khoăn.

Thứ hai, trang 28 tác giả sách giáo khoa viết: "Mỹ La-tinh có nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, là thế mạnh trong việc thu hút khách du lịch, tuy nhiên cũng gây khó khăn nhất định như: sự bất đồng ngôn ngữ; nguy cơ xung đột sắc tộc;…".

Thầy giáo Thuật cho biết, toàn bộ Nam Mỹ và phần Trung Mỹ từ Mexico trở xuống từ thế kỉ thứ XV và XVI bị Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha xâm chiếm làm thuộc địa nên trừ Brasil nói tiếng Bồ, Haiiti nói tiếng Pháp, số đông còn lại nói tiếng Tây Ban Nha mà 3 ngôn ngữ này đều phát triển trên cơ sở tiếng Latin, vì thế mới gọi chung là châu Mỹ Latin.

"Không biết tác giả dựa vào đâu để nói: tại châu Mỹ Latin có khó khăn do bất đồng ngôn ngữ?", thầy giáo này nêu câu hỏi.

Thứ ba, trang 23 tác giả sách giáo khoa viết: "Do lãnh thổ rộng lớn trải dài trên nhiều vĩ độ nên Mỹ La-tinh có nhiều đới và kiểu khí hậu khác nhau."

Theo thầy giáo Thuật, vĩ độ chỉ là giá trị xác định vị trí của một điểm trên bề mặt trái đất; viết như tác giả sách giáo khoa có nghĩa lãnh thổ trải dài trên nhiều điểm. "Có lẽ không phân biệt được sự khác nhau giữa vĩ độ và vĩ tuyến nên mới có câu văn trên", thầy giáo này đặt câu hỏi nghi vấn.

Tiếp theo, tác giả sách giáo khoa lại cho rằng: "Mỹ La-tinh có nhiều đới khí hậu khác nhau".

"Không có đới khí hậu giống nhau. Mỗi đới đều có đặc điểm khí hậu riêng biệt; như vậy câu văn vừa thừa vừa sai chuyên môn", thầy giáo Nguyễn Văn Thuật góp ý và đề nghị sửa lại như sau: "Do lãnh thổ rộng lớn trải dài trên nhiều vĩ tuyến nên Mỹ La-tinh có nhiều đới và kiểu khí hậu."

Thứ tư, trang 25 tác giả sách giáo khoa viết: "Mỹ La-tinh có tài nguyên khoáng sản đa dạng, nhiều loại có trữ lượng lớn. Sắt chiếm khoảng 24% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la; đồng chiếm khoảng 21% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Chi-lê; dầu mỏ chiếm khoảng 7% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Vê-nê-xu-ê-la."

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật khẳng định, tác giả sách giáo khoa không phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa khái niệm "đa dạng" và "phong phú". Bởi vì, châu Mỹ Latin có sắt, đồng, dầu mỏ… như vậy nơi đây có tài nguyên khoáng sản phong phú chứ không phải đa dạng.

Trang 26 tác giả viết tiếp: "Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như: vàng, bạc, bô-xít, chì-kẽm."

"Từ "ngoài ra" có nghĩa: "Bô-xít tại Nam Mỹ có trữ lượng đứng đầu thế giới: Surinam chiếm 14%; Jamaica chiếm 17%. Vì thế từ "ngoài ra" của tác giả vừa sai nghĩa vừa sai chuyên môn", thầy giáo góp ý tiếp.

Thứ năm, trang 25 tác giả sách giáo khoa viết: "Khu vực này có hệ động vật phong phú với nhiều loại đặc hữu như: vẹt Nam Mỹ, trăn Nam Mỹ,…"

Khái niệm "đặc hữu" là "quần thể hoặc loài sinh vật chỉ tồn tại trong một vùng nhất định. Ví dụ như vọoc đầu trắng ở Cát Bà. Và chia sẻ thêm: "Vẹt Nam Mỹ bán đầy ngoài thị trường như một loại chim cảnh, giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, người bán còn chỉ cách nuôi. Thành thử sinh vật này không phải là loài đặc hữu. Do không hiểu thế nào là loài đặc hữu nên tác giả mới kể búa xua, thậm chí còn dấu ba chấm trong câu văn."

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật chỉ ra những nội dung thầy cho là còn "sạn" và mong tác giả cuốn sách làm rõ các khái niệm chuyên môn sâu để sách giáo khoa Địa lí 11 bộ Cánh Diều được hoàn chỉnh.