Sách giáo khoa Địa lí 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo có nhiều "sạn"

Ly Hương
05:30 - 22/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật, Trường Đại học Đồng Nai, phát hiện sách giáo khoa Địa lí 11 bộ Cánh Diều có "sạn". Ông tiếp tục nêu ý kiến phát hiện về việc sách giáo khoa Địa lí 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo còn nhiều sai sót.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật, Trưởng bộ môn Địa lí, giảng viên Trường Đại học Đồng Nai, cho biết sách giáo khoa Địa lí 11 (bản mẫu) bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo còn nhiều "sạn".

Sách giáo khoa Địa lí 11 - Kết nối tri thức với cuộc sống, Lê Huỳnh - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; sách giáo khoa Địa lí 11 - Chân trời sáng tạo, Nguyễn Kim Hồng - Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

"Sạn" trong sách giáo khoa Địa lý lớp 11 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

1. Sách giáo khoa Địa lí lớp 11, trang 24 viết: "Do phạm vi lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ độ và đặc điểm địa hình nên khí hậu Mỹ La-tinh phân hóa đa dạng thành nhiều đới và kiểu khí hậu khác nhau."

- Ảnh 1.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật chỉ ra: vĩ độ chỉ là giá trị xác định vị trí của một điểm trên bề mặt trái đất. Do không phân biệt được sự khác nhau giữa vĩ độ và vĩ tuyến nên tác giả sách giáo khoa sử dụng sai khái niệm về chuyên môn. Tiếp theo, tác giả sách giáo khoa lại cho rằng: "Mỹ La-tinh có nhiều đới khí hậu khác nhau".

"Trên bề mặt trái đất, chẳng có có đới khí hậu nào giống nhau. Mỗi đới đều có đặc điểm khí hậu riêng biệt. Câu này vừa thừa vừa sai kiến thức. Tôi đề nghị sửa lại như sau: "Do lãnh thổ rộng lớn trải dài trên nhiều vĩ tuyến nên Mỹ La-tinh có nhiều đới và kiểu khí hậu", thầy giáo Nguyễn Văn Thuật gợi ý chỉnh sửa cho chuẩn xác.

2. Cùng trang 24 sách giáo khoa viết: "Đới khí hậu cận xích đạo một năm có hai mùa (mùa khô và mùa mưa) rõ rệt".

"Muốn nói đặc điểm khí hậu của một khu vực, một quốc gia hay một lãnh thổ, người ta phải nói tương quan nhiệt - ẩm. Lạnh ẩm khác lạnh khô; nóng ẩm khác nóng khô. Tác giả sách giáo khoa dạy cho học sinh khí hậu cận xích đạo có mùa khô và mùa mưa rõ rệt - đây là kiến thức què quặt, thiếu khoa học. Tôi đề nghị sửa lại như sau: "Đới khí hậu cận xích đạo một năm có hai mùa: một mùa nóng ẩm và một mùa nóng khô", thầy giáo Thuật góp ý.

Sách giáo khoa Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo nhiều "sạn" - Ảnh 3.

3. Trang 25 sách giáo khoa viết: "Giới động vật Mỹ La-tinh rất phong phú, có nhiều loài đặc hữu như thú ăn kiến, cá sấu Nam Mỹ, vẹt, lạc đà Nam Mỹ (La-ma),…

"Đặc hữu là loài sinh vật chỉ tồn tại trong một vùng nhất định. Ví dụ, lạc đà có nguồn gốc Nam Mỹ nhưng có mặt ở nhiều nơi khác. Loài này không phải là đặc hữu của Nam Mỹ.

Tương tự, vẹt phân bố rộng khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Nam Mỹ và Australasia chúng rất đa dạng về thành phần loài. Thành thử cũng không "đặc hữu" gì cả.

Điều công chúng quan tâm là cùng viết về một nội dung nhưng thành phần loài của bộ sách này khác sách kia. Vậy, sách nào viết đúng? Mong tác giả trao đổi với chuyên gia về những kiến thức còn chưa chính xác để bộ sách được hoàn thiện hơn", thầy giáo Thuật nói.

Sách giáo khoa Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo nhiều "sạn" - Ảnh 4.

Quang cảnh hồ Titicaca tọa lạc trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes trên biên giới của Peru và Bolivia hiện nay. Ảnh: Travel

"Sạn" trong sách giáo khoa Địa lí lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật nói rằng, sách giáo khoa Địa lí lớp 11 - bộ Chân trời sáng tạo (bản mẫu) có vấn đề cần tranh luận nghiêm túc.

Theo đó, trang 31 sách giáo khoa viết: "Khu vực Mỹ La-tinh có ít hồ, trong đó có một số hồ quan trọng như Ni-ca-ra-goa (Ni-ca-ra-goa), Titicaca (Pe-ru),... là nguồn cung cấp nước ngọt cho một số quốc gia trong khu vực."

Sách giáo khoa Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo nhiều "sạn" - Ảnh 5.

Thầy giáo Thuật cho biết, Titicaca là hồ nước ngọt nằm ở độ cao gần 4.000 m, diện tích gấp 4 lần Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, có diện tích 8.300 km vuông, thuộc sở hữu của hai quốc gia Bolivia và Peru; đây còn là nơi sinh sống của cộng đồng người dân hai quốc gia.

Người dân Nam Mỹ hầu như ai cũng biết, Copacabana là thị trấn đẹp nhất Bolivia nằm phía Nam của hồ. Nơi này nhộn nhịp khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. 

"Không biết tác giả viết sách giáo khoa căn cứ vào đâu mà cho rằng hồ Titicaca thuộc Peru?", thầy giáo Thuật băn khoăn.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuật nêu quan điểm, chủ quyền lãnh thổ không thể viết tùy tiện trên sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng quan hệ hai nước (Việt Nam và Bolivia) và khiến các học sinh hiểu lầm. 

"Mong người viết đọc kỹ và điều chỉnh kịp thời để bộ sách được hoàn chỉnh hơn", thầy Thuật góp ý thêm.