Kiểm tra Ngữ văn: Không dễ sử dụng ngữ liệu thơ ngoài sách giáo khoa

Ly Hương
16:09 - 14/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đến thời điểm chuẩn bị kiểm tra học kì 1, năm học 2022-2023, nhiều giáo viên dạy lớp 10 Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn băn khoăn không biết phải ra đề kiểm tra thế nào khi yêu cầu học sinh phân tích thơ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Công văn có nội dung: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".

Tuy vậy, đến thời điểm chuẩn bị kiểm tra học kì 1 của năm học này, nhiều giáo viên dạy lớp 10 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn băn khoăn không biết phải ra đề kiểm tra thế nào khi yêu cầu học sinh phân tích thơ.

Yêu cầu học sinh phân tích thơ là quá sức?

Nhiều thầy cô cho biết, sách giáo khoa Ngữ văn 10 có dạy bài "Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ" (bộ Chân trời sáng tạo) nhưng họ vẫn lúng túng còn học sinh thì đa số viết chưa đạt vì văn mẫu đã ăn sâu vào nếp nghĩ các em ở những lớp dưới.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên dạy môn Ngữ văn một trường trung học phổ thông công lập ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, tôi không biết các giáo viên dạy viết bài văn phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật một bài thơ thế nào, còn tôi thì đang rối.

Kiểm tra Ngữ văn: Không dễ sử dụng ngữ liệu thơ ngoài sách giáo khoa - Ảnh 2.

Một đề kiểm tra Ngữ văn quen thuộc dành cho học sinh Trung học phổ thông. Minh họa: TTH

"Tôi thấy sách giáo viên và các tài liệu hướng dẫn không giống yêu cầu trong sách giáo khoa. Sách giáo khoa yêu cầu phân tích, đánh giá một bài thơ/ đoạn thơ giống như giới thiệu một truyện kể, trong khi học sinh cứ phân tích thơ theo thói quen đã học ở lớp 9 (phân tích nghệ thuật và nội dung). Đặc biệt học sinh rối mù các khái niệm: chủ đề, cảm hứng chủ đạo. Tôi dạy bài (thơ) nào thì học sinh biết bài đó còn cho bài mới thì các em không làm được", cô Hà nói thêm.

Thầy Nguyễn Văn Đương, giáo viên dạy môn Ngữ văn một trường trung học phổ thông công lập ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, băn khoăn khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu, phân tích một bài thơ/ đoạn thơ thì có nhất phải đi theo mạch: bố cục; phân tích từ ngữ, hình ảnh; tìm chủ thể trữ tình; phân tích diễn biến tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình; cảm hứng chủ đạo của bài/ đoạn thơ, hiệu quả của cách dựng hình ảnh, sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ; vai trò của vần và nhịp hay không.

Từ thực tiễn giảng dạy, thầy Phan Anh, giáo viên dạy môn Ngữ văn một trường trung học phổ thông tư thục ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thầy yêu cầu 70 học sinh lớp 10 phân tích bài "Cày đồng đang buổi ban trưa" thì khoảng 70% bài viết không đạt yêu cầu (dưới điểm trung bình) mặc dù nội dung bài ca dao rất dễ.

Thầy Phan Anh trải lòng, đề kiểm tra, đề thi yêu cầu học sinh phân tích/ cảm nhận một bài thơ/ đoạn thơ là rất khó. Việc này chỉ dành cho học sinh khá, giỏi, sinh viên chuyên ngành hay nhà nghiên cứu. Bởi, thầy cô cũng phải đọc hàng chục tài liệu mới có thể dạy được một bài – mà nhiều khi dạy vẫn không tốt, thì nói gì đến chuyện học sinh tiếp cận văn bản hoàn toàn mới.

"Hơn nữa, sách giáo khoa chỉ cung cấp một vài đơn vị kiến thức như chủ thể trữ tình, nhịp điệu, hình ảnh... mà yêu cầu học sinh phân tích thơ thì rất khó khăn. Ngôn ngữ thơ mang tính hình tượng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ - chủ yếu là ẩn dụ, làm sao học sinh có thể giải mã nội dung, nghệ thuật của tác phẩm", thầy Phan Anh nêu quan điểm.

Theo thầy Phan Anh, học sinh cần được trang bị thêm một số phạm vi kiến thức như lịch sử văn học Việt Nam và lý luận văn học, sơ lược về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm thì các em mới có thể "đọc" được tác phẩm văn chương (nhất là thơ).

Lo ngại việc thầy cô chấm không đều tay

Điều thầy Phan Anh lo lắng nhất là, trong Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh "khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật".

Kiểm tra Ngữ văn: Không dễ sử dụng ngữ liệu thơ ngoài sách giáo khoa - Ảnh 3.

Phân tích dụng ý nghệ thuật trong thơ là đề kiểm tra khó đối với học sinh. Minh họa: IT

Nhưng cái khó đối với môn Ngữ văn ở chỗ, mỗi thầy cô có một cảm nhận khác nhau về bài làm (phân tích thơ) của học sinh thì các em sẽ bị thiệt thòi khi đánh giá. Thầy Phan Anh kể, khi dạy học sinh phân tích câu thơ "lila-lila-lila" trong bài "Đàn ghi-ta của Lorca (Thanh Thảo), thầy hướng dẫn: Câu thơ "lila-lila-lila" có thể hiểu là: Điệp âm mô phỏng âm thanh của tiếng đàn; khúc nhạc tiễn đưa người nghệ sĩ đầy tâm huyết một thời ghi dấu bên tiếng đàn…

Tuy vậy, trong một lần tra lời phỏng vấn báo chí, khi được hỏi "việc kết thúc bài thơ bằng những từ tượng thanh "lila lila lila" mô phỏng tiếng đàn có dụng ý nghệ thuật gì", nhà thơ Thanh Thảo thẳng thắn chia sẻ: "Thú thật, khi viết, tôi cũng không có ý đồ nghệ thuật gì, bởi những từ tượng thanh này chợt đến, có lẽ là từ vô thức của tôi, và tôi viết ra như thế thôi. Tất cả những gì chúng ta phân tích về bài thơ, đều đến sau khi bài thơ đã hoàn chỉnh. Còn trong khi sáng tác, thì tôi nghĩ, không nhà thơ nào "nhằm mục đích" gì cả. Sướng thì viết, thế thôi!" - (trích lời nhà thơ Thanh Thảo).

Bàn về việc Chương trình mới môn Ngữ văn, đội ngũ giáo viên có ý tưởng đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định học sinh viết bài luận (nghị luận xã hội) tối thiểu 500 chữ, tối đa 1.500 chữ cho các kì kiểm tra, kì thi thì sẽ hoá giải được những bất cập của việc ra đề môn Ngữ văn như hiện nay.