Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không có văn bản nào chỉ đạo kết hợp trắc nghiệm và tự luận trong kiểm tra Ngữ văn

Quỳnh Giang
15:34 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Để tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Trong đó không yêu cầu cụ thể hình thức kiểm tra đánh giá.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không có văn bản nào chỉ đạo kết hợp trắc nghiệm và tự luận trong kiểm tra Ngữ văn - Ảnh 1.

Không có văn bản nào hướng dẫn hoặc chỉ đạo việc bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra đánh giá định kì đối với môn Ngữ văn. Ảnh minh họa

Liên quan đến thông tin đề kiểm tra môn Ngữ văn sẽ chuyển sang hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã khẳng định: Không có văn bản nào hướng dẫn hoặc chỉ đạo việc bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra đánh giá định kì đối với môn Ngữ văn.

Tập huấn giáo viên xây dựng đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới

Theo đó, để triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới.

Một trong những nội dung tập huấn là hướng dẫn kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (đây là phần chung dành cho tất cả các môn học). Mục đích của việc tập huấn nhằm giúp giáo viên nắm được các công cụ đánh giá khác nhau, tính ưu việt của từng công cụ, qua đó quyết định sử dụng phù hợp, hiệu quả từng công cụ trong đánh giá, đảm bảo phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh.

Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định.

Công văn 3175 hướng dẫn đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông

Để tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Trong đó không yêu cầu cụ thể hình thức kiểm tra đánh giá mà nhấn mạnh việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc đánh giá chính xác, khách quan phẩm chất và năng lực học sinh theo yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh; tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng; khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Tại Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông ngày 15/8, tại thành phố Hải Phòng, khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. Môn học cần phát triển tư duy nghệ thuật, trong đó đặc biệt lấy phát triển tư duy hình tượng, lấy văn học làm rộng mở trí tượng tưởng, phát triển các cảm xúc. "Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người".

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không có văn bản nào chỉ đạo kết hợp trắc nghiệm và tự luận trong kiểm tra Ngữ văn - Ảnh 3.

Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới dạy học và kiểm tra,

đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh.

Giáo viên cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới. Tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới. Gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.

Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, giáo viên cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Trong các nội dung đổi mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật.

Nhằm tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học môn Ngữ văn, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần xem xét, góp ý kế hoạch dạy học môn Ngữ văn của các nhà trường theo hướng dẫn Bộ. Theo dõi, giám sát quá trình thực hiện đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá trong môn Ngữ văn và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Bên cạnh đó, cần tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn đối với môn Ngữ văn dựa trên Nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ để giáo viên có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch dạy học môn Ngữ văn thông qua hội nghị, hội thảo, học tập, giao lưu giữa các nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phố thông 2018.