Kĩ năng làm bài nhanh một số biện pháp tu từ môn Ngữ văn

Phan Thắng - Phạm Hương - Nguyễn Cường
08:55 - 09/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bài viết này hướng dẫn học sinh kĩ năng làm bài nhanh một số biện pháp tu từ thường xuất hiện trong đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn.

Câu hỏi tiếng Việt liên quan đến biện pháp tu từ thường xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn kì thi tuyển sinh 9 lên 10, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh vận dụng các kĩ năng sau đây để giải nhanh bài tập.

Biện pháp tu từ so sánh

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

So sánh là biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong đời sống cũng như trong sáng tác văn học. Đặc biệt là trong quá trình sáng tác, so sánh được nhà văn sử dụng với tần số cao để biểu hiện những cảm xúc, những suy nghĩ, đánh giá trước sự vật, sự việc trong tác phẩm. Từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về bản chất, đặc điểm của sự vật, sự việc, nhận thức một cách sâu sắc và biểu cảm về đối tượng chưa biết.

Thứ nhất, tìm biện pháp so sánh dựa vào các từ ngữ so sánh. So sánh được chia làm 2 loại: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng và ở mỗi loại so sánh thường có các lớp từ so sánh đi kèm. Chẳng hạn ở so sánh ngang bằng (cấu trúc: A = B), ta dễ dàng bắt gặp lớp từ ngữ: như, giống như, chừng như, y như, tựa như, bằng,… Ví dụ: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" (ca dao).

Ở loại so sánh không ngang bằng (cấu trúc A không bằng B), các lớp từ ngữ thường đi kèm là: hơn, hơn là, kém, không bằng, chẳng bằng,… Ví dụ: "Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con" - (Trần Quốc Minh).

Thứ hai, tìm biện pháp so sánh dựa vào từ hô ứng "bao nhiêu… bấy nhiêu". Câu có cặp từ hô ứng "bao nhiêu… bấy nhiêu" thường là câu so sánh. Do đó nếu học sinh thấy trong câu nào có từ hô ứng này (trong dạng bài tập tìm biện pháp tu từ) thì đó là phép so sánh. Ví dụ: "Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu" (ca dao).

Thứ ba, tìm biện pháp so sánh dựa vào kiểu cấu trúc "A là B". Cấu trúc câu "A là B" là cấu trúc của câu so sánh (trong đó A là cái so sánh, còn B là cái được so sánh). Vì thế khi kiểu câu này xuất hiện, chúng ta dễ dàng nhận biết trong câu có sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Ví dụ: "Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày" - (Đỗ Trung Quân).

Biện pháp tu từ ẩn dụ

Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác do có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.

Thứ nhất, tìm ẩn dụ dựa trên những nét tương đồng của sự vật, hiện tượng. Điều đó có nghĩa là giữa hai sự vật, hiện tượng này phải có những điểm giống nhau, tương quan với nhau trên những phương diện nhất định.

Ví dụ để tìm ra biện pháp ẩn dụ trong bài cao dao: "Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền", thì phải tìm ra được nét tương đồng giữa "thuyền" và "bến" với một cái gì đó có liên quan. Cần phải nhớ rằng trong ẩn dụ dù có lấy sự vật, hiện tượng nào ra so sánh đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng là cũng để chỉ con người hoặc trực tiếp, gián tiếp liên quan đến con người (trong câu ca dao này "thuyền" và "bến" cũng là ẩn dụ cho con người).

Ta thấy "thuyền" là vật không cố định, không ở yên một chỗ và thường di chuyển. Do vậy không khó khăn khi ta tìm ra được nét tương đồng giữa "thuyền" với người con trai (người con trai trong xã hội xưa đầu đội trời, chân đạp đất, chí ở bốn phương, thường ra đi lập nên sự nghiệp lớn).

Như vậy "thuyền" là ẩn dụ để chỉ người con trai. Tương tự, ta có thể lí giải về mối tương quan giữa "bến" và người con gái. "Bến" là vật cố định, đứng yên, không thay đổi vị trí. Người con gái thường là người ở lại, thủy chung, son sắt đợi chờ. Do vậy "bến" chính là hình ảnh ẩn dụ để chỉ người con gái.

Thứ hai, tìm ẩn dụ dựa vào các công thức dân gian. Trong sáng tác văn học, nhất là văn học dân gian, người nghệ sĩ thường sử dụng các công thức quen thuộc như: "thân em", "em như", "ước gì", "buồn trông", "rủ nhau",… Ở một số công thức, người sáng tác luôn sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ. Ví dụ như công thức "thân em và em như", hình ảnh được đưa ra so sánh ở vế sau chắc chắn là hình ảnh ẩn dụ (thường là ẩn dụ cho thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa).

Thứ ba, tìm ẩn dụ dựa vào sự chuyển đổi cảm giác. Thông thường mỗi con người có 5 giác quan với các chức năng riêng biệt: tai để nghe (thính giác), mắt để nhìn (thị giác), mũi để ngửi (khứu giác), lưỡi để nếm (vị giác), da để cảm nhận (xúc giác).  

Nếu trong sáng tác văn học, nhà văn sử dụng những hình ảnh mà chức năng của giác quan có sự chuyển đổi thì hình ảnh đó chính là hình ảnh ẩn dụ (thường gọi là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác). Ví dụ: "Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng" - (Trần Đăng Khoa).

Tiếng lá rơi, vốn là âm thanh, được thu nhận bằng thính giác, không có hình dáng, không cầm nắm được. Ở đây, nhờ sự chuyển đổi cảm giác, cái nhẹ của tiếng lá rơi được gợi tả tinh tế, trở nên có hình khối cụ thể (mỏng - vốn là hình ảnh của xúc giác) và có dáng vẻ (rơi nghiêng - vốn là hình ảnh của thị giác). Đây là hình ảnh chuyển đổi cảm giác vì thế rơi rất mỏng và rơi nghiêng chính là ẩn dụ.

Biện pháp tu từ hoán dụ

Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên sự vật, hiện tượng kháí niệm do có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.   

Thứ nhất, tìm hoán dụ dựa vào sự xuất hiện của các bộ phận trên cơ thể người. Đây là cách thức đơn giản nhất để tìm ra hoán dụ. Thực chất đây là kiểu lấy bộ phận để gọi toàn thể. Vì thế nếu trong câu thơ hay câu văn có sự xuất hiện của các bộ phận cơ thể (hoặc các từ đi kèm với các bộ phận cơ thể) thì từ đó chính là hoán dụ. Ví dụ: "Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" - (Hoàng Trung Thông).

Thứ hai, tìm hoán dụ dựa vào sự xuất hiện của trang phục hay những vật dụng của con người. Cũng giống như biện pháp ẩn dụ, mục đích cuối cùng của hoán dụ cũng là để chỉ con người hoặc những gì liên quan đến con người. Vì thế phương pháp tìm ra hoán dụ bằng cách dựa vào các trang phục hay những sự vật mà con người thường sử dụng cũng không ngoài quy luật chung đó.

Đây là cách thức lấy sự vật để gọi tên con người mang nó. Do vậy trong câu thơ hay đoạn văn, nếu có sự xuất hiện từ ngữ chỉ trang phục (hay những từ ngữ kết hợp với nó) như "áo", "quần", "áo nâu", "áo xanh", "áo tứ thân", "quần lĩnh",… hoặc những sự vật con người thường sử dụng (khăn, mũ, dép, son phấn,...) thì những từ và cụm từ kết hợp với nó là hoán dụ. Ví dụ: "Áo nâu liền với áo xanh/Nông thôn cùng với thị thành đứng lên" (Tố Hữu).

Thứ ba, tìm hoán dụ dựa vào sự xuất hiện của số đếm. Đây là là phương pháp làm bài tập nhanh rất có hiệu quả. Phương pháp này dễ nắm bắt bởi lẽ chỉ cần dựa vào sự xuất của số đếm (hoặc những từ kết hợp với số đếm) thì chắc chắn từ (hoặc cụm từ kết hợp) đó là hoán dụ. Ví dụ: "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao" (ca dao).

Thứ tư, tìm hoán dụ dựa vào vật chứa đựng và vật bị chứa đựng. Phương pháp này yêu cầu người học phải tinh ý nhận ra được đâu là vật chứa đựng và đâu là vật bị chứa đựng. Thông thường vật chứa đựng là vật lớn hơn, thường biểu hiện cho ý nghĩa tổng quát, khái quát, bao trùm,… còn vật bị chứa đựng là vật nhỏ hơn và thường biểu hiện cho chi tiết, cái cụ thể, cái bị che phủ,…

Ví dụ: "Vì sao Trái Đất nặng ân tình/ Nhắc đến tên người Hồ Chí Minh" (Tố Hữu). Ta dễ dàng nhận ra Trái Đất là vật chứa đựng bởi nó là từ chỉ ý nghĩa tổng quát, bao trùm lên tất cả. Nó biểu thị cho tất cả con người sống trên mặt đất (vật bị chứa đựng). Vì thế Trái Đất ở đây là hình ảnh hoán dụ.

Biện pháp tu từ nhân hóa

Nhân hoá là cách gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối đồ vật, … trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ tình cảm của con người.

Nhân hóa cũng là một biện pháp tu từ được sử dụng rộng rãi trong sáng tác văn học và mang lại hiệu quả thẩm mĩ cao, nó góp phần làm cho câu văn, bài văn thêm cụ thể, sinh động, gợi cảm.

Thứ nhất, tìm nhân hóa dựa vào từ miêu tả hình dáng con người của sự vật. Trong dạng bài tập tiếng Việt yêu cầu học sinh tìm các biện pháp tu từ nghệ thuật trong câu, nếu có những từ miêu tả hình dáng con người của sự vật thì từ đó chắc chắn là nhân hóa. Ví dụ: "Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi" - (Nguyễn Duy).

Thứ hai, tìm nhân hóa dựa vào từ miêu tả hoạt động con người của sự vật. Đây là cách thức đơn giản để tìm ra biện pháp tu từ nhân hóa, bởi vì chỉ cần dựa vào từ trong câu miêu tả hoạt động con người của sự vật thì học sinh dễ dàng biết đó chính là phép nhân hóa. Ví dụ: "Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm" - (Nguyễn Duy).

Thứ ba, tìm nhân hóa dựa vào từ diễn tả tâm trạng con người của sự vật. Tương tự như việc tìm phép nhân hóa đã trình bày ở trên, nếu trong câu có các từ diễn tả tâm trạng con người của sự vật thì các từ đó là nhân hóa. Ví dụ: "Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo" - (Nguyễn Tuân).

Thứ tư, tìm nhân hóa dựa vào từ diễn tả tính cách con người của sự vật. Tìm nhân hóa dựa vào từ diễn tả tính cách con người của sự vật cũng được coi là phương pháp làm nhanh các dạng bài tập tìm các biện pháp tu từ. Bởi vì chỉ cần dựa vào những từ diễn tả tính cách con người của sự vật thì đó chắc chắn là phép nhân hóa. Ví dụ: "Dòng sông mới điệu làm sao/ Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha" - (Nguyễn Trọng Tạo).

Bình luận của bạn

Bình luận