Chấm thi tự luận môn Ngữ văn thường lệch điểm do đâu?

Ly Hương
11:46 - 28/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giáo viên chưa bao giờ dạy lớp 12 nhưng lại tham gia chấm thi môn Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ gây chênh lệch điểm rất lớn, thí sinh là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Thông thường, khi có phúc khảo bài thi, việc chấm thi chênh điểm mới dẫn tới tình huống phức tạp.

Nhiều năm làm giám khảo tự luận môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi từng chứng kiến có bài thi hai cán bộ chấm lệch nhau đến 3,5 điểm. Hai giám khảo chấm chênh nhau trên 1 điểm thường xuyên xảy ra. Cùng một bài thi, chấm thi theo đáp án, vì sao mỗi giám khảo chấm một kiểu?

Lí do mỗi giám khảo chấm một kiểu

Việc hai giám khảo chấm lệch nhau thường xuất hiện nhiều nhất ở ngày chấm thi thứ nhất. Bởi, có giám khảo chấm "chặt", có giám khảo chấm "lỏng" tùy theo quan điểm của từng người.

Có giám khảo nghĩ đơn giản, cứ chấm rộng tay một chút giúp học sinh có thêm cơ hội đỗ tốt nghiệp, đại học, giúp địa phương có mặt bằng điểm tương đối so với các tỉnh thành khác. 

Nhưng cũng có giám khảo rất nghiêm khắc, với suy nghĩ chấm đúng sẽ tạo sự công bằng cho thí sinh trong xét tuyển đại học.

Một giám khảo chấm ẩu và một giám khảo chấm kĩ từng li từng tí thì sẽ lệch nhau rất nhiều. Có giám khảo quan niệm chấm càng nhanh càng tốt, càng nhiều bài càng tốt để vừa có thêm thù lao, vừa rút ngắn thời gian.

Trong khi đó, có giám khảo một buổi chỉ chấm khoảng chừng chục bài vì thù lao thấp, họ không thiết tha với việc chấm thi. Và thế là thí sinh sai bao nhiêu lỗi chính tả, câu nào sai ngữ pháp, đoạn nào viết lủng củng, thiếu ý..., họ sẽ trừ điểm thẳng tay.

Bên cạnh những giám khảo đã có nhiều kinh nghiệm dạy lớp 12 tham gia chấm thi, vẫn còn đó nhiều giám khảo chỉ dạy lớp 10, 11. Việc chấm thi môn Ngữ văn thường phải kết thúc trong khoảng 1 tuần nên nhiều tỉnh thành không có sự chọn lựa cán bộ.

Giám khảo dạy lớp 10, 11 chỉ chấm chuẩn ở phần đọc hiểu và câu nghị luận xã hội, còn câu làm văn, họ chấm thiếu chính xác. Bản thân chưa bao giờ dạy lớp 12, thậm chí còn chưa đọc qua tác phẩm thì làm sao họ hiểu thí sinh viết gì, chỉ còn cách áng chừng cho điểm.

Ngoài ra, do cách hiểu cụm từ "sáng tạo" trong câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học bài văn khác nhau, tuy không nhiều, nhưng giám khảo thường chấm lệch phần này.

Cụ thể, đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo gợi ý, sáng tạo là thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận, có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ thì cho 0,5 điểm. Tuy vậy, có giám khảo cứ thấy thí sinh nào viết sạch sẽ chữ đẹp thì cũng cho thêm một số điểm nhất định.

Làm sao để hạn chế chấm chênh điểm?

Để hạn chế hai giám khảo chấm chênh điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo cần điều động giáo viên chấm thi đang giảng dạy lớp 12, hoặc giáo viên chuẩn bị dạy lớp 12 năm học mới.

Cùng với đó, cần chi trả thù lao xứng đáng và công khai cho cán bộ chấm thi, tránh mỗi tỉnh làm một kiểu, trong khi văn bản quy định chi trả công rất rõ ràng.

Tiền công chấm thi được quy định theo Công văn 2584/2015/BGDĐT-KHTC ngày 29/5/2015 về hướng dẫn định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho kỳ thi tốt nghiệp. Chi chấm bài thi tự luận, mức chi tối đa là 18.000 đồng/bài. Thực tế, giám khảo chỉ được nhận tiền mà không biết được hưởng bao nhiêu trong định mức trên.

Bên cạnh đó, cần điều động tất cả giám khảo đang dạy lớp 12 tham gia chấm thi và kéo dài thời gian chấm giúp cán bộ được nghỉ ngơi, giải tỏa áp lực, tái tạo sức lao động.

Tôi lấy ví dụ, thay vì quy định thời gian chấm thi là 7 ngày thì có thể kéo dài hơn. Thay vào đó, giám khảo chấm 2 ngày liên tục thì được nghỉ 1 ngày, hay mỗi đợt chấm thi được nghỉ 3 ngày là phù hợp.

Cần thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ văn theo hướng bỏ phần đọc hiểu. Phần này quá dễ so với học sinh đã 18 tuổi, câu hỏi manh mún, dễ chấm lệch điểm, không phù hợp với một kì thi mang tầm quốc gia.
https://congdankhuyenhoc.vn/bi-quyet-la...

Một đề thi chỉ nên có 2 câu, câu nghị luận xã hội và câu nghị luận văn học với điểm số như nhau, mỗi câu 5 điểm. Cũng có thể cho thí sinh được chọn một trong hai câu vì mỗi em có một sở trường riêng, không phải ai cũng có thể cảm nhận thơ, phân tích văn.

Liên quan đến việc chấm thi môn Ngữ văn, tôi đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022.

Thứ trưởng đề nghị, việc thống nhất điểm cũng phải được kiểm soát, bởi nếu lúc thống nhất điểm, hai giám khảo thỏa hiệp thì đến khi phúc khảo sẽ dẫn tới tình huống phức tạp. Các giáo viên chấm thi tự luận cần sự "đều tay", điểm chênh lệch chỉ ở trong khoảng cách an toàn từ 0,25 - 0,5 điểm, nếu chênh đến 1 điểm phải mời giám khảo đối chất.

Ban chấm thi địa phương phải tăng cường chấm kiểm tra, ngoài 5% theo yêu cầu, có thể chấm thêm số lượng, nhất là với những bài thi điểm cao, trên 9 điểm.

Bình luận của bạn

Bình luận