Không ai được phép tước quyền học tập của công dân! Bài 4: Giáo dục Hà Nội “trên nóng, dưới lạnh”

Đắc Quang
05:51 - 13/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đưa ra quyết tâm dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Vậy việc bốc thăm suất học vì thiếu trường lớp sẽ còn diễn ra hay không?

>> Bài 1: Ai đã “quất roi” vào quyền cơ bản của công dân?

>> Bài 2: Trẻ em được pháp luật bảo hộ quyền học tập

>> Bài 3: Thiếu trường học và vấn đề quản trị xã hội


Thúc đẩy Giáo dục là giải pháp cho phát triển Hà Nội

Từ năm 2010, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 15, Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2010-2015. Trong đó nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển thủ đô trong thời kỳ mới.

Gần đây nhất, trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 có đề cập đến việc phát triển giáo dục. Theo đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia là 80 – 85%.

Không ai được phép tước quyền học tập của công dân! Bài 4: “Trên nóng, dưới lạnh” chuyện giáo dục tại Hà Nội - Ảnh 1.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ 17 của Đảng bộ Thành phố Hà Nội thể hiện rõ sự quan tâm của đặc biệt đối với giáo dục.

Cũng tại Nghị quyết này, Đảng bộ Hà Nội xác định một trong những khâu đột phá đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo; Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức.

Ưu tiên đầu tư cho giáo dục

Tại kỳ họp thứ 9 diễn ra tháng 9/2022, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026, đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023.

Việc hỗ trợ học phí làm giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh học sinh, người dân, đồng thời cũng là cơ sở để bố trí nguồn ngân sách cho giáo dục thành phố trong năm học mới.

Không ai được phép tước quyền học tập của công dân! Bài 4: “Trên nóng, dưới lạnh” chuyện giáo dục tại Hà Nội - Ảnh 2.

Năm học 2022-2023, học sinh Hà Nội tiếp tục được hỗ trợ học phí. Ảnh: Thế Bằng

Cùng với đó, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND về quy định mức học phí với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội năm học 2022-2023.

Đặc biệt, thành phố thực hiện cấp phần chênh lệch giữa mức học phí quy định tại Điều 2 và mức thực tế học sinh phải nộp theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này.

Tổng ngân sách thành phố Hà Nội bù vào phần hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng. Cơ chế miễn học phí cho các đối tượng theo quy định cũng có kinh phí từ ngân sách hơn 17 tỷ đồng.

Đây là năm học thứ hai liên tiếp, Hà Nội không tăng học phí và hỗ trợ 50% mức thu học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Đồng thời, mở rộng thành phần miễn giảm 100% học phí với học sinh diện yếu thế, gia đình chính sách, khó khăn.

"Trên nóng, dưới lạnh" – thiếu trường, thiếu lớp vẫn diễn ra trầm trọng

Hà Nội đã và đang ưu tiên mọi nguồn lực cho giáo dục từ nghị quyết tới chính sách, hỗ trợ, giảm gánh nặng học phí và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên một nghịch lý đang diễn ra là mặc dù bên trên thì quyết tâm, xem trọng nhưng bên dưới thì coi nhẹ, phớt lờ chỉ đạo. 

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2022-2023, thành phố có 2.835 trường, trên 70.000 lớp học với trên 2,2 triệu học sinh các cấp mầm non, phổ thông. Trong năm 2022, Hà Nội đã xây dựng thêm 51 phòng học mới, với kinh phí trên 2.800 tỉ đồng; cải tạo, sửa chữa 605 trường học, với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng.

Số lượng học sinh quá đông dẫn đến tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tại Hà Nội, đặc biệt ở những nơi có mật độ dân cư lớn, nhiều công trình dân sinh, chung cư cao tầng mới mọc lên. 

Không ai được phép tước quyền học tập của công dân! Bài 4: “Trên nóng, dưới lạnh” chuyện giáo dục tại Hà Nội - Ảnh 3.

Năm học 2022 - 2023, Trường mầm non Hoàng Liệt quy mô chỉ tiếp nhận được 333 trẻ từ 3-4 tuổi, nhưng có tổng số 718 học sinh đăng ký.

Tại quận Hoàng Mai, năm học 2022-2023, địa phương này có 89 trường (48 mầm non, 23 tiểu học, 18 trung học cơ sở) với 2.048 lớp học (tăng 79 lớp so với năm ngoái). Tổng số học sinh của quận Hoàng Mai hiện là 98.558 em, trong đó khoảng 79.618 học sinh học công lập (tăng gần 3.800 so với năm ngoái).

Theo tính toán, để đảm bảo đúng quy định về số học sinh/lớp theo quy định, ngành Giáo dục quận này cần phải bổ sung thêm 36 trường mới (22 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở).

Đặc biệt, phường Hoàng Liệt của quận này trở thành "siêu phường" trong nhiều năm 2022 với dân số hiện tại trên 80.000, hàng năm có khoảng 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Thế nhưng, hiện phường chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở.

Việc dân số tăng cơ học nhanh dẫn đến số lượng trẻ sinh ra ngày một lớn là điều hoàn toàn có thể nhìn thấy trước. Trách nhiệm bảo đảm trường, lớp chỗ học cho học sinh thuộc về ngành giáo dục và Ủy ban nhân dân quận, huyện trên địa bàn.

Nhìn rộng hơn, sự việc ở Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chỉ như giọt nước tràn ly, là một hồi chuông cảnh tỉnh nhiều vấn đề tồn tại của Hà Nội trong nhiều năm, cả về cả quy hoạch, xây dựng, giáo dục đến an sinh xã hội,…

Các cấp, các ngành ưu tiên chính sách cho giáo dục, nhưng cho đến nay, trường học thì thiếu, lớp học thì quá tải, trong khi vẫn diễn ra nghịch lý đất xây trường để hoang cả chục năm nay.

Rõ ràng, chính quyền các quận/huyện cơ sở phớt lờ chỉ đạo ưu tiên cho giáo dục của Thành phố. Khi xảy ra việc quá tải, bốc thăm suất học thì biến báo đổ tại "thượng tầng", bên trên, việc khó giải quyết. 

Công tác quản lý hộ tịch và bảo đảm an sinh xã hội càng ở cơ sở càng kém hiệu quả. Việc phối hợp, tham mưu của các cơ quan, đơn vị không đến đâu. Đến bao giờ mới đủ trường lớp cho trẻ đến trường. Và đến khi nào số trường trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đặt ra?

Nhìn lại sự việc phụ huynh phải bốc thăm để con được học ở trường mầm non công lập, ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai từng phát biểu: "Giải quyết vấn đề này là căn cơ và lâu dài. Nếu muốn đáp ứng ngay được chỉ có ông thần đèn thôi, hô biến một cái". Vậy, lâu nay chỉ thị, nghị quyết của Thành phố của ngành Giáo dục bị bóng chung cư cao tầng che khuất hay sao? 

Sẽ chẳng có phép màu nào nếu vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" diễn ra như nhiều năm qua.