Bốc thăm vào trường mầm non công lập: Từ chối quyền học của trẻ là vi hiến!

Ly Hương
00:44 - 29/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày đầu tiên tới trường, trẻ nhỏ đã phải chơi trò may rủi - câu chuyện không chỉ riêng của giáo dục Hà Nội mà là bài toán phải tính đến cho các đô thị, địa phương phát triển chưa đồng bộ hiện nay.

Ngày 27/8, Uỷ ban Nhân dân Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học của trẻ 3 tuổi tại Trường Mầm non Hoàng Liệt năm học 2022-2023.

Quy trình bốc thăm gồm hai vòng: vòng một bốc thăm lấy số thứ tự; còn vòng hai, phụ huynh dùng số thứ tự này để bốc thăm phiếu tuyển sinh. Phiếu trúng tuyển ghi: "Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường" và phiếu không trúng tuyển ghi: "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường".

Trong tổng số 176 phiếu bốc thăm, chỉ có 80 phiếu trúng tuyển, còn lại 96 phiếu không trúng tuyển. Sau khi bốc thăm, phụ huynh phải xác nhận trúng tuyển hoặc không trúng tuyển vào trường.

Bất an khi trẻ lên 3 phải bốc thăm để được đi học

Sự kiện phụ huynh Hà Nội phải bốc thăm cho trẻ vào học ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, ngày đầu tiên tới trường trẻ nhỏ đã phải đối mặt với sự may rủi, không có quyền được lựa chọn. Được đi học hay không phụ thuộc vào việc bốc thăm có gặp may hay kém may mắn. Luồng ý kiến khác lại bày tỏ sự cảm thông với cách làm của nhà trường, bởi sau đó, chính hiệu trưởng cũng nói "không mong muốn có buổi bốc thăm này".

Vào năm 1946, sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Bác Hồ nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Câu nói của Người sau hơn 75 năm vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với ngành Giáo dục nước nhà. Vậy nên sự việc trẻ mầm non Phường Hoàng Liệt không có chỗ học ở trường công lập năm học 2022-2023 khiến dư luận bất ngờ, bất bình và không thôi trăn trở. 

Nhiều ý kiến cho rằng, Trường Mầm non Hoàng Liệt không đủ chỗ cho trẻ học là có thể thông cảm được. Nhưng việc lãnh đạo nhà trường tổ chức bốc thăm, đẩy bài toán khó về phía may rủi, từ chối quyền được đi học của trẻ nhỏ là hành vi vi hiến và trái với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

Hướng đến xã hội ưu tiên hàng đầu cho giáo dục

Điều 16, Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 ghi rõ: 1) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2) Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Và Điều 39 quy định: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

Bên cạnh đó, Điều 16 Luật Trẻ em (Luật số 102/2016/QH13) quy định: 1) Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. 2) Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Cùng với đó, Điều 13 Luật Giáo dục quy định: 1) Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. 2) Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.

Trẻ độ tuổi mầm non không được học ở trường công lập sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, họ có thể cho con học ở trường tư thục. Còn gia đình khó khăn, không lẽ con cái phải chịu cảnh thất học ngay từ lúc chỉ mới lên ba? 

Giả sử cha mẹ có thể xoay xở cho con có chỗ học ở trường mầm non thì ai dám chắc rằng lên bậc tiểu học, trung học sẽ không còn tái diễn cảnh bốc thăm vào trường?

Nguyên nhân chính khiến trẻ không chỗ học là do mật độ dân số ở đô thị dày đặc, không riêng gì Hà Nội mà Thành phố Hồ Chí Minh cũng tương tự. Đây là bài toán nan giải, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì ngành giáo dục địa phương.

Nhà nước cần nghiên cứu dành quỹ đất xây thêm trường học sao cho tương ứng với quy mô dân số. Có thể xây trường cao tầng cũng là một trong những giải pháp hiệu quả ở các đô thị lớn. Ngoài ra, chính quyền cần quy hoạch lại các khu công nghiệp, nhà chung cư sao cho hợp lí thì mới chấm dứt tình trạng thiếu trường học như hiện nay.

Cần phải có chế tài xử phạt các dự án làm sai quy hoạch, cắt bỏ hạng mục trường học trong quy hoạch đô thị, và quy trách nhiệm cho những người đứng đầu phê duyệt, cấp phép cho các khu dân cư chen chúc toàn nhà cao tầng mà thiếu cơ bản trường học, sân chơi trẻ em.