Lạm thu đầu năm học: Bài 1 - Những mánh khóe móc túi phụ huynh

Phan Anh
15:52 - 11/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Công chúng đang xôn xao vì các khoản thu khi năm học mới vừa bắt đầu. Sau các cuộc họp phụ huynh là những bảng dự thu choáng váng. Rõ ràng, chủ trương của Đảng và Nhà nước càng tìm mọi phương án cắt giảm học phí thì các trường học lại càng dấn thêm một bước lạm thu tiền trường.

Lời tòa soạn: Chủ đề lạm thu trong trường học đang trở thành vấn đề được dư luận bàn đến nhiều nhất trên các diễn đàn phụ huynh học sinh. Các bậc cha mẹ học sinh dù ở khu vực nào cũng có người giàu - kẻ nghèo. Việc chi tiền ngoài học phí cho con em mình theo học là vấn đề lớn của các gia đình hiện nay. 

Việc lạm thu các khoản ngoài học phí không chỉ là cách làm tùy tiện, trái luật của các trường học ảnh hưởng tới các chuẩn mục giáo dục. Nhà trường lợi dụng danh nghĩa cha mẹ học sinh như một "cánh tay nối dài" để nhúng vào, gian lận các khoản thu, biến thầy cô thành "ngáo ộp" trường học. Hãy suy nghĩ tại sao có những trường thẳng thắn cấm thu quỹ phụ huynh và họ vẫn tồn tại - phát triển, vẫn dạy và học tốt? 

Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học đã tìm hiểu, phỏng vấn các cơ quan chức năng, chuyên gia, các nhà quản lý và cả các trường học, cha mẹ học sinh để làm rõ vấn đề này cũng như đề xuất kiến nghị các giải pháp giải quyết triệt để. 

Lạm thu quỹ phụ huynh: Bài 1 - Những mánh khóe móc túi phụ huynh - Ảnh 1.

Phụ huynh học sinh dồn tất cả nguồn lực của gia đình chăm lo cho học sinh vào năm học mới.
Ảnh: Mạnh Chiến

Chia nhỏ - gộp vào, muôn vẻ mánh khóe khiến phụ huynh phải đóng quỹ "tự nguyện" 

Ngày 29/9/2022, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có bài phản ánh tình trạng lạm thu xảy ra ở Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc họp đầu năm, phụ huynh được thông báo phải đóng các khoản tiền cho nhà trường lên đến gần 6,4 triệu đồng/năm, chưa kể tiền học phí. Ngoài ra, ban đại diện cha mẹ học sinh còn kêu gọi ủng hộ 500.000 đồng/học sinh tiền cơ sở vật chất, khen thưởng học sinh.

Đáng nói, phiếu thu gồm nhiều khoản thu không bắt buộc nhưng nhà trường vẫn gộp vào khiến nhiều phụ huynh tưởng thật, phải đóng đủ. Cụ thể, tiền ấn chỉ ấn phẩm: 200.000 đồng; hệ thống thông tin quản lí học sinh: 160.000 đồng; phí tài khoản học trực tuyến K12 online: 100.000 đồng cho cả năm học.

Mánh khóe của lãnh đạo trường này là dùng những từ ngữ "đao to búa lớn" nghe có vẻ thuộc chuyên ngành sâu về giáo dục như: "ấn chỉ ấn phẩm", "hệ thống thông tin quản lí", "tài khoản học trực tuyến" nhằm để phụ huynh cũng hoang mang, không hiểu "đầu cuối" thế nào. Riêng khoản tiếng Anh với giáo viên nước ngoài nhà trường cũng không thông báo là môn học tự chọn nên hầu hết phụ huynh đều đóng tiền cho con. 

Phụ huynh với tâm lý "trăm sự nhờ cậy thầy cô", muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy nên đều gắng lo nộp đủ các khoản. Hơn thế nữa, các khoản thu gắn mác "tự nguyện", phụ huynh tình nguyện chi không kêu ca. Đến lúc các phương tiện truyền thông báo chí phản ánh thì nhà trường "phủi tay" nói đây là các phụ huynh tự nguyện đóng góp chứ nhà trường không hề hay biết!

Ngày 5/10 vừa qua xuất hiện thông tin về bảng dự thu "khủng" của Ban phụ huynh lớp 9/12 của Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) với khoản dự trù thu quỹ lên tới hơn 270 triệu đồng/năm học, lớp 9/10 là hơn 165 triệu đồng/năm gây bức xúc cho nhiều phụ huynh.

Ngay sau khi điều tra, nhà trường và đại diện Ban phụ huynh lớp đã cho dừng ngay khoản dự trù này. Ngày 6/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản chấn chỉnh công tác thu - chi đầu năm học 2022-2023, trong đó có nội dung nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn cũng dùng mánh khóe chia nhỏ các khoản thu để dễ bề qua mắt phụ huynh học sinh. Chẳng hạn, có 4 khoản cơ bản đầu năm học, trong đó có nhiều khoản rất vô lí, đó là: bổ sung cơ sở vật chất đầu năm; tổ chức 20/10, 8/3 cho học sinh nữ; quà 20/11, quà Tết cho lãnh đạo, giáo viên, nhân viên… 

Cá biệt có bảng thu còn khoản tiền "chăm cô" khiến phụ huynh dở khóc, dở cười... 

Máy lạnh mà biết nói năng…

Ngày 6/10, trên mạng xã hội Facebook lan truyền câu chuyện học sinh của Trường Trung học phổ thông Marie Curie, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, muốn nghỉ trưa tại trường thì phải đóng tiền. Các học sinh phản ánh, nhà các em ở cách xa trường học, ba mẹ thì không có tiền đóng phí nghỉ trưa tại lớp với giá 15.000/buổi nên có khi phải vạ vật ở gốc cây - sân trường để qua buổi trưa. 

Bất cứ ai học xong bậc trung học cơ sở cũng có thể tính tiền "máy lạnh" theo công thức Vật lí như sau: Với phòng học có diện tích Từ 30 đến 40 m2, máy lạnh công suất 2,5 HP là tiêu chuẩn, mà 1HP = 1 mã lực = 0,746kW, suy ra mỗi giờ, một phòng học tiêu thụ hết 1,865kWh điện. Học sinh nghỉ trưa khoảng 2 giờ, vậy tổng điện tiêu thụ là 3,73kWh/phòng.

Trường học thuộc đơn vị sự nghiệp công lập nên giá điện là 1.494 đồng/kWh đối với cấp điện áp từ 6 kV trở lên và 1.554 đồng/kWh đối với cấp điện áp dưới 6 kV. Tính theo giá 1.554 đồng/kWh, thì số tiền điện phải trả cho mỗi phòng học trong 2 tiếng nghỉ trưa là 5,79642 (đồng), làm tròn thành 6 nghìn đồng.

Cả một phòng học, trong 2 giờ chi phí tiền điện hết khoảng 6 nghìn đồng mà hiệu trưởng thu mỗi em 15 nghìn đồng. Có 300 học sinh ở lại, với 15 nghìn/học sinh, mỗi ngày trường này thu về 4 triệu 500 nghìn, vậy trường lời 4.320.000 đồng/ngày. Mỗi tháng (mới chỉ hơn 300 học sinh nghỉ trưa như hiện tại) thì trường thu về 180 triệu.

Máy lạnh mà biết nói năng, chắc nhà trường "độn thổ" vì bóp hầu bóp họng phụ huynh và học sinh với giá cao như một phi vụ kinh doanh có lãi. 

Dùng từ khóa "tự nguyện" để phủi tay 

Liên quan đến việc lạm thu ở Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Đạt - hiệu trưởng, nói rằng nhà trường cũng khó can thiệp vào việc này, chỉ nghiêm cấm giáo viên trường nhận quà của học sinh được trích mua từ tiền quỹ lớp.

Với thông tin phụ huynh phản ánh rằng, hiệu trưởng kêu gọi phụ huynh đóng góp 500.000 đồng/học sinh để giúp trường xây dựng khen thưởng cho học sinh, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho trường, hiệu trưởng khẳng định, việc này là tùy tâm, tự nguyện từ phía mỗi phụ huynh, hoàn toàn không có chuyện hiệu trưởng áp mức tiền 500.000 đồng/em.

Còn hiệu trưởng Trường Mariecurie cho biết, việc thu 15 nghìn đồng/học sinh đã được xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận trong buổi họp của cha mẹ học sinh đầu năm. Nội dung này có ghi trong biên bản. Việc đăng ký này là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc.

Trường Marie Curie là trường học 2 buổi/ngày, nên phụ huynh có nhu cầu cho các em nghỉ trưa tại trường để chiều học tiếp. Nhà trường không có điều kiện tổ chức các bữa ăn bán trú, mà chỉ tổ chức cho học sinh nghỉ trưa, có sự quản lý và giám sát của giáo viên trường. Nếu các em đăng ký mà hôm đó vắng mặt thì nhà trường sẽ báo cho phụ huynh ngay.

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó, quy định các khoản thu trực tiếp phục vụ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh và nêu rõ không được thu 7 khoản gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.