Không ai được phép tước quyền học tập của công dân! Bài 1: Ai đã “quất roi” vào quyền cơ bản của công dân?
Mở đầu năm học mới 2022-2023, dự luận xã hội bị "choáng" vì sự kiện: Ngày 27/8, UBND Phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học của trẻ 3 tuổi tại Trường Mầm non Hoàng Liệt;Trong tổng số 176 phiếu bốc thăm, chỉ có 80 phiếu trúng tuyển, còn lại 96 phiếu không trúng tuyển.
Lời Tòa soạn: Sự kiện phụ huynh ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội phải bốc thăm cho con cháu vào học mầm non ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Đa số ý kiến cho rằng, Trường Mầm non Hoàng Liệt không đủ chỗ cho trẻ học là có thể thông cảm được, nhưng việc lãnh đạo nhà trường tổ chức bốc thăm, đẩy may rủi cho các công dân tương lai là từ chối quyền được đi học của trẻ nhỏ, và đó là hành vi vi hiến, trái với Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Nhìn từ gốc của sự việc thì đây là vấn đề nghiêm trọng không chỉ của ngành giáo dục Hà Nội mà còn là vấn đề của phát triển xã hội, trong đó có sự phát triển các đô thị, địa phương trên cả nước hiện nay.
Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết "Không ai được phép tước quyền học tập của công dân". Trong đó, chúng tôi đã tìm hiểu, phỏng vấn đại diện các cơ quan chức năng, các chuyên gia, các nhà quản lý và các nhà đầu tư phát triển đô thị để làm rõ vấn đề này, đồng thời kiến nghị các giải pháp bảo đảm quyền học tập của công dân trong giai đoạn phát triển hiện nay theo tinh thần thực thi quyền được học của công dân: "không được phép bỏ ai lại phía sau"
Câu chuyện phụ huynh bốc thăm tranh suất cho con vào học mẫu giáo trường công lập ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội mở màn "cuộc chiến khốc liệt" giành không gian học tập cho công dân nhỏ tuổi ở các khu đô thị phát triển nóng. Nếu ai đó ngụy biện rằng phương án bốc thăm là công bằng nhất, vậy những công dân nhỏ tuổi phải sống trong vận may rủi hay sao? Và rộng hơn là ngành giáo dục của chúng ta cũng phải tồn tại giữa lằn ranh May-Rủi hay sao?
Lá phiếu may rủi của quyền được học
Trường Mầm non Hoàng Liệt nhận được 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 bé so với dự kiến. Với hai nhóm trẻ 4 và 3 tuổi, số lượng hồ sơ đăng ký lần lượt là 290 và 423 (dự kiến chỉ tuyển sinh lần lượt 88 và 245 trẻ.
Trong khi đó Trường Mầm non Hoàng Liệt chỉ có thể nhận 559 trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 5. Theo như công bố, thì sẽ có 380 cháu lứa tuổi 3 đến 4 bị trượt. Tức là, có đến gần 70% số trẻ của phường không được đi học trường mầm non công lập.
Trường Mầm non Hoàng Liệt là trường công lập duy nhất trên địa bàn phường, có 4 cơ sở trường với tổng diện tích trên 5.200m2 (cơ sở Tứ Kỳ, cơ sở Pháp Vân, cơ sở Bằng A và cơ sở Linh Đàm). Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Liệt Trịnh Thị Thu Hương giải thích rằng "Vì số lượng hồ sơ đăng ký của năm học gấp đôi chỉ tiêu và tăng đột biến, đây là tiền lệ chưa bao giờ có".
Cuộc bốc thăm ly kì sáng 27/8 ở cơ sỏ Tứ Kỳ có 176 cha mẹ học sinh hồi hộp đến đánh đu với may rủi (trên tổng số 182 trẻ đã đăng ký hồ sơ). Kết quả có 80 người giành được suất học trường công lập cho con.
Phường Hoàng Liệt hiện có 8155 trẻ em trong độ tuổi mầm non, trong đó có 6.611 trẻ 2 đến 5 tuổi. Có thể thấy ngay là lá phiếu may mắn sẽ rơi vào rất ít gia đình, còn lại là cảm giác hẫng hụt, sự bức xúc vì chịu thiệt thòi không đáng có, vì bị loại bỏ không hề thuyết phục. Quan trọng hơn là quyền học tập của công dân (được quy định bởi luật pháp) bị "đánh roi" ngay từ lứa tuổi mầm non.
Hậu quả của đô thị hóa cấp tốc
Hoàng Liệt là "siêu phường" với hơn 120.000 dân, không thể nói lượng trẻ tăng đột biến trong vòng 5 năm qua các cấp quản lý từ phường, quận, thành phố rồi ngành giáo dục không biết! Nói cách khác, sự gia tăng dân số cơ học tiềm ẩn hệ lụy và bất ổn xã hội đã được dự báo từ nhiều năm trước khi mà nhà cao tầng chất chồng trên diện tích hẹp, thiếu rất nhiều không gian để xây dựng trường học và nhiều công trình hạ tầng xã hội khác.
Thực ra, "bùng nổ dân số" và câu chuyện bốc thăm để được vào học trường công không chỉ xảy ra ở Hoàng Mai mà nó đã xảy ra nhiều năm, khi ở chỗ này, lúc ở nơi khác tại Hà Nội.
Nhiều người vẫn còn nhớ trước đây phụ huynh đã đạp đổ cổng sắt ùa vào trong sân Trường Trung học cơ sở Thực nghiệm (Hà Nội) để tranh suất mua hồ sơ thi vào lớp một. Chỉ có điều, việc khắc phục tình trạng trên dường như bất lực - không làm được thì lờ đi của những người có trách nhiệm.
Không chỉ quận Hoàng Mai mà cả thành phố Hà Nội, khi xây dựng nhiều chung cư, nhà cao tầng đương nhiên dân số sẽ tăng. Việc xây dựng các khu chung cư đều có rất nhiều cấp thẩm quyền phê duyệt và lấy ý kiến của các ban, ngành chức năng. Khi phê duyệt dự án, không lẽ những người có trách nhiệm ở các cấp không dự báo được tình hình dân cư dồn về để bắt buộc trong quá trình thực hiện dự án xây dựng phải có cơ sở giáo dục cho các bậc học? Nếu có quy hoạch trong dự án, quỹ đất dành cho xây dựng cơ sở giáo dục đi đâu hay việc duyệt dự án cứ ký "cho đẹp" còn việc thực hiện như thế nào thì "tùy" nhà đầu tư?
Không những thế, để quản lý xã hội, từ cấp xã, phường cho đến quận, huyện và tỉnh, thành còn có một hệ thống cán bộ theo dõi, nắm tình hình biến động dân số. Hằng năm, ngay các nhà trường ở cấp học mầm non, tiểu học cũng phải làm công tác nắm số lượng trẻ em trong độ tuổi đến trường. Không lẽ, nắm tình hình rồi để đấy nên các cấp quản lý không biết để kịp thời có giải pháp xử lý nên đến khi sự việc xảy ra lại "rất có lỗi với những học sinh không trúng tuyển" như bà Trương Thu Hà- Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai đã nói?
Ai "quất roi" vào quyền được học của công dân?
Quay lại vấn đề để xảy ra tình trạng không đủ trường học cho các cháu lứa tuổi mầm non ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng như ở các khu dự án xây dựng chung cư, trách nhiệm chính thuộc các cấp quản lý của thành phố Hà Nội. Trách nhiệm ấy từ khâu phê duyệt dự án cho đến hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền thành phố đã bị buông lỏng, phó mặc cho cơ sở. Không những thế, từ khâu nắm tình hình, dự báo tình hình và biện pháp xử lý đều mang nặng tính hình thức.
Vụ việc xảy ra không mới, nó đã diễn ra thời gian dài nhưng từ các ban, ngành chức năng vẫn "im lặng đáng sợ". Một sự bất lực trong quản lý đô thị hay là sự vô cảm của người làm công tác quản lý trước những bức xúc của đời sống xã hội! Có lẽ vì thế mà lời xin lỗi của bà Trương Thu Hà- Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai nghe cứ nhẹ bẫng như bấc, như gió thoảng qua là vậy.
Bà Nguyễn Thị A có cháu 3 tuổi, trú tại khu dân cư Tứ Kỳ phường Hoàng Liệt có mặt ở buổi bốc thăm rất sớm. Bà mất ăn mất ngủ vì lo lắng và chỉ biết cầu nguyện cho vận may. Chỉ có vài chục suất đi học mầm non công lập trong khi có đến hàng trăm cháu trong khu dân cư của bà. Bà A nói: "Chưa bao giờ thấy sự học mà hy vọng mong manh thế". Rồi bà ngậm ngùi: "Trường Mầm non Hoàng Liệt, cơ sở Tứ Kỳ này được xây dựng trên đất của địa phương. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, bản thân tôi đã từng cấy lúa trồng rau trên mảnh đất này. Thế nhưng đến đời cháu tôi lại không được đi học ở trường này"!
Trong 2 ngày 27 và 28/8/2022, diễn ra các buổi bốc thăm lần lượt suất học cho lứa 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ; suất học cho lứa 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Linh Đàm; lứa 4 tuổi (sinh năm 2018) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ; buổi chiều cho trẻ đăng ký xin học tại cơ sở Linh Đàm. Chừng ấy thời gian hồi hộp lo âu và rốt cục người cười thì ít, người ngậm ngùi, bức xúc khi ra về thì nhiều.
Những trẻ nhỏ vài tuổi đã bị "áp đặt" ngay phận may rủi khi vừa đến tuổi cần biết chữ, và rồi dự báo các cháu cũng sẽ chịu cảnh may rủi trước nhiều vấn đề khác của đời sống đô thị. Bởi lẽ, quy hoạch dân cư thiếu khoa học, không đặt lợi ích của dân cư lên trên hết đã và đang dẫn tới tình trạng vá víu, nhiều hạng mục xã hội bị cắt xén, các khu đô thị mới có nhiều chung cư đang trở thành các "lò" luyện tìm cái may giữa sự may rủi.
Đây chỉ là hậu quả thấy ngay và chạm đến quyền cơ bản và thiêng liêng của công dân dân - đó là quyền được sống và được học. Tương lai, số người có nhu cầu đến trường học tập sẽ lớn hơn mà sức chứa trường học ít thì lại bốc thăm may rủi chăng?
Và con em chúng ta - những công dân, chờ vận may giáo dục đến bao giờ?
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google