Không ai được phép tước quyền học tập của công dân! Bài 2: Trẻ em được pháp luật bảo hộ quyền học tập
Quyền được học tập là một trong những quyền cơ bản của trẻ em được pháp luật Nhà nước ta quy định. Quyền học tập quan trọng và là quyền trung tâm thực thi tất cả các quyền khác của công dân trong xã hội. Trẻ em dưới chế độ ta sinh ra đã mặc định có quyền này và được bình đẳng hưởng sự học.
Điều 16 của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định 2 điều cơ bản: Trẻ em có quyền được học tập và trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí. Tất cả các hành vi ngăn trở thực hiện quyền học tập của trẻ em là đi ngược lại tiến bộ xã hội.
Truyền thống hiếu học xây lên từ nỗ lực của cả dân tộc
Triết lý giáo dục "Học không bao giờ cùng" phải được xây lên từ cấp học nhỏ nhất, đó là viên gạch nền cho sự học của một con người.
Triết lý sống của con người hiện đại là không ngừng học, học suốt đời, muốn có tri thức thì buộc phải hoàn thiện hệ thống giáo dục - GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ quan điểm của minh như vậy khi bàn về vấn đề vai trò của giáo dục trong phát triển nguồn nhân lực cho tương lai.
Đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và khi trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Sau cách mạng tháng 8/1945, phong trào Bình dân học vụ được phát động, nhanh chóng lan tỏa tới từng làng, từng xã, với mục tiêu "diệt giặc dốt". Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Tư tưởng của Người về giáo dục cho đến nay vẫn nguyên giá trị và là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển con người Việt Nam toàn diện.
Năm 2000, sau khi hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, Việt Nam đã cam kết phấn đấu đạt được 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được ghi trong Bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc với 189 quốc gia thành viên. Trong các mục tiêu này, phổ cập giáo dục tiểu học là một trong những mục tiêu mà Việt Nam chú trọng triển khai và đã đạt được thành tích đáng kể.
Từ đó đến nay, chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học luôn được giữ vững. 63/63 tỉnh, thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì bền vững, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó một số tỉnh đạt chuẩn mức độ 2 và 3.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, luôn có khoảng 18 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng nhằm duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ hằng năm.
Đặc biệt, việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi tại Việt Nam từng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Ở các vùng thưa thớt dân cư, lớp học mầm non đi theo các cụm làng bản, thôn xóm, nhà dân ở đâu, lớp học tới đó để đảm bảo rằng trẻ nhỏ được biết đến lớp học sớm nhất.
Trẻ sinh ra mặc nhiên đi học mầm non công lập. Nếu xuất hiện các khu dân cư quá đông, khủng hoảng thừa dân số khiến hạ tầng không theo kịp, thiếu trường mầm non thì đó là sự bất ổn của xã hội. Sự việc bốc thăm tranh suất học mầm non diễn ra tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) là sự việc báo hiệu cho vấn đề bất cập trong quy hoạch đô thị mới. Tước đi quyền học của trẻ là vi hiến - vậy những tổ chức, cá nhân vì một mục đích nào đó đã đặt lợi ích của họ khi triển khai xây dựng quy hoạch khu đô thị lên trên quyền được học của trẻ thì có gọi là vi hiến hay không?
Giáo dục mầm non luôn là ưu tiên mặc định, chưa bao giờ phải bốc thăm tìm may mắn
Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TW ngày 05/12/2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục trung học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Nghị định 20/2014/NĐ-CP thông qua việc ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để hướng dẫn, giúp địa phương thực hiện củng cố, duy trì bền vững và thúc đẩy hơn nữa công tác phổ cập giáo dục tiểu học.
Giáo dục là một trong những chính sách hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tăng cường dạy chữ để dạy người, tăng cường giáo dục kĩ năng sống và tạo điều kiện để học sinh tham gia, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp. Trẻ em có quyền được tiếp cận một nền giáo dục cơ bản, có chất lượng để trở thành công dân có đức, có tài, nắm chắc khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Điều này có nghĩa là bất kỳ trẻ em dưới mười sáu tuổi, là công dân Việt Nam đều có quyền được đi học đúng độ tuổi, có quyền tham gia học đầy đủ các chương trình giáo dục của Nhà nước.
Mọi hành vi ngăn cấm việc trẻ em không được thực hiện quyền được học tập một cách chính đáng đều là hành vi đi ngược lại lợi ích, sự phát triển một cách bình thường của trẻ. Việc quy định cụ thể thành văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước cho thấy sự quan tâm đặc biệt của chế độ và toàn thể xã hội đối với những mầm non tương lai đất nước sau này.
Đồng thời, quyền được học tập của trẻ em còn được ghi nhận là việc trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí. Đây là một quy định nhằm khuyến khích học tập ở trẻ em nói riêng và công tác xã hội hóa giáo dục nói chung của đất nước ta. Như vậy, khi hiểu được quyền được học tập của trẻ em sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn rõ hơn về các quyền cơ bản nói chung của trẻ em cũng như việc thực hiện biện pháp bảo đảm về quyền được học tập trong xã hội hiện nay - nhất là khi sự phát triển nóng về hạ tầng đô thị, quản lý đất đai, nguồn lực đang làm lu mờ đi ưu tiên số 1 là chuyện học của con trẻ.
Xin nhắc lại học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức. Luật phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991 xác định giáo dục tiểu học ở Việt Nam là phổ cập bắt buộc và miễn phí.
Truyền thống hiếu học của quốc gia, dân tộc không tự nhiên có, phải trải qua những hy sinh xương máu của nhân dân mới có được. Tri thức là sức mạnh. Nếu xã hội mải miết chiếm hữu không gian sống bằng các ưu tiên khác ngoài sự học, thì xã hội đó sẽ không có tương lai.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google