Hướng đến chân trời kiến thức mới và quyền của mọi công dân trong học tập
Trong thế giới hiện đại, giáo dục phải nuôi dưỡng cuộc đối thoại giữa nhiều quan điểm khác nhau với mục đích kết hợp các hệ tri thức xuất phát từ sự đa dạng của thực tiễn, từ đó xây dựng nên một kho báu tri thức cho toàn cầu.
Trong thế giới hiện đại, những kiến thức của nhân loại ngày càng đa dạng và phong phú, được chứa đựng tại những dòng thông tin không ngừng nghỉ đến với con người, tạo nên một kho tàng không giới hạn như một đại dương khổng lồ.
Học tập suốt đời, dù là nỗ lực đến đâu thì cũng chỉ thâu nhận được một phần nhỏ những kiến thức mới đang sản sinh thông qua các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các trải nghiệm thực tế của con người trong cuộc sống.
Những kiến thức bao gồm toàn bộ hiểu biết khoa học cùng với những kỹ năng vận dụng những kiến thức đó để kiến tạo thế giới mới được gọi là những tri thức.
Hành trình tri thức của con người có nhiều hướng đi để tới những chân trời kiến thức mới
Hành trình tri thức theo UNESCO phác họa như sau:
Thế giới mạng internet
Đặc điểm mới nhất và nổi trội của sự phát triển ngày nay là sự ra đời và mở rộng của thế giới mạng, được điều khiển bởi sự phát triển vượt bậc trong kết nối mạng và sự xâm nhập di động. Thế giới mạng như một chân trời kiến thức mở rộng và đến nay, ít nhất cũng có tới 40% dân số thế giới sử dụng mạng. Con số này có xu hướng tăng lên nhanh chóng.
Ở Việt Nam, theo thống kê mới nhất (2023), có tới 77 triệu người dùng Internet (chiếm 79,1% dân số), số người dùng mạng xã hội lên tới 71% dân số.
Theo một thống kê khác, có 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam gồm: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), Tiktok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%).
Trong những người sử dụng mạng xã hội thì Facebook là nền tảng được yêu thích nhất, tiếp sau là Zalo rồi tới Tiktok. Nếu như những cư dân mạng này có ý thức học tập trên mạng thì khối lượng kiến thức mới của chúng ta sẽ rất lớn. Nhưng trên thực tế, không xảy ra điều này, vì khá đông người truy cập mạng lại với mục đích khác.
Giữa các quốc gia và khu vực, số hộ gia đình có kết nối mạng cũng khác nhau. Hơn 70% hợp đồng điện thoại di động trên thế giới đang ở phía Nam bán cầu. Theo dự báo, khoảng 5 tỉ người từ không kết nối cho tới kết nối hoàn toàn trong khoảng 20 năm nữa.
Giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng núi và vùng đồng bằng, tình trạng kết nối mạng cũng sẽ khác nhau. Tốc độ mạng giới hạn và sự thiếu kết nối mạng đã và đang cản trở con người tiếp cận với tri thức, với hoạt động xã hội và phát triển kinh tế.
Sự phát triển Internet đã thay đổi cách con người tiếp cận thông tin, thay đổi cách học tập, tương tác xã hội, quản lý doanh nghiệp và quản lý cộng đồng. Kết nối mạng sẽ cải thiện đời sống và nâng cao sức khỏe, đẩy mạnh giáo dục trực tuyến, giải trí và thụ hưởng những thành quả văn hóa. Công nghệ kỹ thuật số đang thay đổi sự định hình hoạt động của con người từ cuộc sống thường nhật tới các quan hệ xã hội trong quốc gia và quốc tế. Nó sẽ định nghĩa lại hàng loạt khái niệm mà chúng ta thường dùng như giáo dục, chữa bệnh, dịch vụ, thương mại, an ninh và chiến tranh...
Trong thế giới mạng, các nhà giáo dục có sứ mạng chuẩn bị cho trẻ em thành những "Công dân kỹ thuật số" để sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi xã hội, môi trường sống và phương thức lao động trong hệ thống sản xuất với những công nghệ số đã có hoặc sắp được phát minh.
Kết hợp các hệ kiến thức khác nhau
Bên cạnh những mô hình kiến thức nổi trội có không biết bao nhiêu mô hình kiến thức khác thuộc những văn hóa trên mọi châu lục, trong mọi quốc gia. Những hệ kiến thức đó có những giá trị riêng, không thể thay thế bằng hệ kiến thức khác. Cần phải học hỏi càng nhiều càng tốt những giá trị văn hóa trong các mô hình kiến thức khác miễn sao chúng ta cởi mở và tôn trọng những văn hóa khác.
Chẳng hạn, có rất nhiều cộng đồng gắn chặt đời sống của mình với đời sống của thiên nhiên bao quanh họ. Ở đây, do đặc điểm bản địa, cư dân có quan niệm luân hồi về thời gian. Với họ, thời gian không phải tuyến tính, mà việc sản xuất của họ phải theo mùa như một quy luật của trời đất. Âm lịch là một biểu hiện cụ thể của quan niệm tính luân hồi của thời gian. Trồng trọt, chăn nuôi, lễ hội và những nét văn hóa đặc sắc mang đậm nét tính bản địa mà người theo dương lịch cần nghiên cứu và học hỏi nếu như muốn hòa nhập sâu hơn vào đời sống xã hội; sống, lao động và nghỉ ngơi theo các mùa trăng.
Nói cách khác, văn hóa ở vùng này không được cho mình cái quyền coi là cao cấp hơn các vùng khác, mô hình kiến thức ở mỗi miền đều có hệ kiến thức riêng. Muốn phát triển nhanh và bền vững, không thể gạt hệ kiến thức này để thay thế hệ kiến thức khác, mà là kết hợp các hệ kiến thức lại để có một kho báu kiến thức lớn hơn, đa sắc màu hơn.
Những nhà tư tưởng Frants Fanon, Aime Cesaire, Rabindranath Tagore... đã từng cho rằng, khi ta trao quyền cho một dạng kiến thức, chúng ta thực sự trao đặc quyền cho một hệ sức mạnh.
Trong thế giới hiện đại, giáo dục phải nuôi dưỡng cuộc đối thoại giữa nhiều quan điểm khác nhau với mục đích kết hợp các hệ tri thức xuất phát từ sự đa dạng của thực tiễn, từ đó xây dựng nên một kho báu tri thức cho toàn cầu.
Giáo dục vì quyền công dân trong học tập và quyền con người trong hệ thống trường học
1. Vấn đề không còn bàn cãi là mỗi công dân đều có quyền học tập, quyền tham gia các hoạt động xã hội trong sự bình đẳng và công bằng, được tôn trọng nhân phẩm. Thế nhưng trên thực tế, việc duy trì và củng cố phẩm chất, năng lực và phúc lợi của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với những cá nhân khác là mục tiêu của giáo dục thế kỷ XXI lại không được thực hiện nghiêm túc bởi nhiều hệ thống giáo dục, nhiều trường phổ thông, chuyên nghiệp và đại học ở không ít quốc gia.
Martin Buber và Paulo Freie gợi ý rằng, cần phải có cách tiếp cận mang tính đối thoại tới việc học tập, không chấp nhận những hệ thống giáo dục - học tập đang gạt bỏ một số cá nhân, những hệ thống trường học chạy theo lợi nhuận đang chia rẽ và hạ thấp con người.
Sự đánh tráo khái niệm "Dịch vụ giáo dục" bằng khái niệm "Đưa dạy thêm vào kinh doanh có điều kiện" ở Việt Nam đã bộc lộ ý thức coi thường quyền công dân trong học tập. Trong khi cộng đồng quốc tế đang hướng giáo dục và kiến thức như là dịch vụ chung của toàn cầu để nhằm mỗi con người nhanh chóng được phổ cập một trình độ học vấn thì một số người lại muốn có luật quy định kiến thức là hàng hóa trôi nổi trên thị trường. Có lẽ đây là một biểu hiện điển hình của ý thức buôn bán trong trường học, nó coi rẻ quyền được dịch vụ chu đáo mọi kiến thức đến người học.
Đã đến lúc cần có sự tư duy lại vấn đề công dân và giáo dục và thể hiện rõ quan niệm mới về quyền công dân trong giáo dục. Trong dòng chảy toàn cầu hóa, việc từ chối dịch vụ giáo dục cho những nhóm thiểu số, chủ yếu là dân di cư và nạn nhân chiến tranh là một vấn đề cần thảo luận. Mặt khác, quyền lưu giữ ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa dân tộc cũng cần được bảo đảm.
Mỗi chính phủ cần có một tuyên ngôn rõ ràng:
- Mọi người đều có quyền được học suốt đời. Nhà nước bảo đảm dịch vụ học tập, dịch vụ giáo dục tới họ để quyền đó thực sự được thi hành.
- Không vì bất cứ lý do gì từ chối việc học tập và loại trừ một ai đó ra khỏi giáo dục và học tập.
- Người khuyết tật, dù còn một cơ hội mong manh nhất để tiếp cận kiến thức cũng phải được dịch vụ giáo dục từ phía Nhà nước.
- Nhà tù là một trường học. Mọi tù nhân đều được học tập để khi hoàn lương trở thành người lao động tốt, người công dân tốt.
- Kẻ tử tù cũng cần được học tập để họ nhận ra chân lý của cuộc sống.
2. Giáo dục thế kỷ 21 hướng đến quyền con người với lý tưởng chung mà ở đó, loài người được tôn trọng về nhân phẩm bất kể những khác biệt và khoảng cách: Mọi con người đều có cơ hội để phát triển toàn diện những năng lực và phẩm chất đạo đức của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, những tham vọng ban hành những quy định về luật pháp, thường bị dập tắt bởi sự lãnh đạo của những nhóm người lợi ích quyền lực. Giáo dục dân chủ và nhân văn luôn kỳ vọng làm thế nào để quyền con người trên toàn thế giới được luật định trên cơ sở những quy chuẩn xã hội, văn hóa và dân tộc.
Trong tương lai, quyền con người trong giáo dục cần được thực hiện ở những phương diện sau đây:
Phụ nữ phải được bình đẳng với nam giới trong tiếp cận giáo dục, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm yếu thế trong xã hội.
Đến nay, phụ nữ vẫn đang chiếm số đông trong số người mù chữ hoặc học tập dở dang ở vòng giáo dục ban đầu. Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương trên thị trường lao động mà nguyên nhân chủ yếu là trình độ học vấn thấp, không đủ năng lực cạnh tranh trong các ngành lao động không chính thức, lại càng khó khăn trong tìm kiếm việc làm khi các cơ hội có việc làm đang ít đi. Khủng hoảng kinh tế và chiến tranh ảnh hưởng to lớn đến việc làm của phụ nữ thất học.
Những thanh thiếu niên trong các gia đình nghèo bởi bố mẹ tật bệnh hoặc gặp những hoàn cảnh rủi ro, bất trắc, hoặc bị chết trong các tai nạn giao thông, thiên tai, hoặc vì bạo lực... thường phải bỏ học để kiếm sống bằng những việc làm bấp bênh hàng ngày như công việc bưng bê, rửa chén bát trong các nhà hàng, lao động thủ công trong các cơ sở sản xuất với mức thu nhập thấp không đủ sống một cuộc sống bình thường. Nhiều trẻ em ở tuổi nhi đồng hiện cũng bị bóc lột sức lao động một cách tàn nhẫn. Nhiều thiếu nữ bị sa đọa tại các vũ trường, những quán bar, những nhà hàng karaoke trá hình... Xã hội cần có giải pháp để những thanh thiếu niên này trở lại học tập cho hết bậc giáo dục cơ sở.
Trẻ khuyết tật và người khuyết tật là đối tượng ít học nhất. Đại bộ phận trẻ khuyết tật đứng ngoài học tập và phục hồi chức năng. Đây là hai điều kiện cơ bản để trẻ được hòa nhập xã hội.
Giáo dục đặc biệt ở nhiều quốc gia chưa được chú trọng. Trẻ có tật thường được coi là gánh nặng của xã hội và được xếp vào đối tượng của công việc từ thiện. Nhiều người có tật bị đói rách vì không có điều kiện tham gia lao động và sống vất vưởng.
Trong khi những chân trời kiến thức đang mở ra thì những đối tượng nói trên đang mất quyền con người đối với việc học hành và lao động. Họ đang ở đáy của tháp phân tầng xã hội.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google