Sức mạnh mềm của văn hóa học tập

GS.TS Phạm Tất Dong
11:25 - 05/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học tập suốt đời là điều kiện hàng đầu giúp người dân trong xã hội được trao quyền để giải quyết hàng loạt những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường sống, cảm thấy tự do trong cuộc sống của mình. Đó là nội dung cốt lõi của văn hóa học tập.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Văn hóa có sức mạnh nội sinh, góp phần quyết định đến việc tăng cường tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Sức mạnh mềm của văn hóa sẽ lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần và sức mạnh của văn hóa vật chất phong phú, đa dạng của dân tộc như lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết cộng đồng, tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập quốc gia, thống nhất đất nước, lòng nhân nghĩa, hòa hiếu, khoan dung, hun đúc nên bản lĩnh Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sức mạnh mềm của văn hóa học tập- Ảnh 1.

Một lớp học bổ túc văn hoá của cán bộ huyện Quế Phong, Nghệ An năm 1967. Ảnh: Tư liệu

Văn hóa học tập là một tiểu hệ của văn hóa giáo dục. Sức mạnh mềm của văn hóa học tập được thể hiện ở những truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng, đạo lý khuyến học - khuyến tài qua hàng ngàn năm phát triển nền giáo dục nước nhà.

Đó là tinh thần tôn sư trọng đạo, đề cao triết lý học để làm người, sự ham học hỏi ở người khác "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy", ý chí vươn lên trong học tập trong mọi khó khăn, gian khổ.

Văn hóa học tập của dân tộc Việt Nam có nhiều nét riêng biệt, độc đáo

Suốt gần nghìn năm với nền giáo dục Nho học, đa số người dân sống trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng dù có đói cơm, rách áo thế nào thì các gia đình nghèo khó vẫn đưa con đến thầy giáo trong làng, xin cho con "dăm ba chữ để làm người". Vì thế mà ở những vùng khó khăn về kinh tế, nhiều gia đình lao động ăn khoai, ăn sắn hằng ngày vẫn trở thành những gia đình thành đạt nhờ học hành. Nhiều họ tộc trở thành những dòng họ khoa bảng, dù không khá giả.

Sức mạnh mềm của văn hóa học tập- Ảnh 2.

Học sinh trường cấp 1 Minh Phương (Việt Trì) đội mũ rơm đi học trong thời kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Vào những năm đầu cách mạng tháng Tám, nạn đói trầm trọng, làm chết hàng triệu người. Trong hoàn cảnh đó, người dân coi mù chữ là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất. Họ đã học để "có chữ" mà bảo vệ thành quả cách mạng. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, các lớp học theo chân bộ đội trên dọc đường hành quân và sau những trận chiến ác liệt. Các lớp học cũng theo các đoàn dân công ra hỏa tuyến. Người ở tiền phương mải đánh giặc, người ở hậu phương lo sản xuất, nhưng tất cả đều thi đua học hành. Đó là một biểu hiện của văn hóa học tập mà hiếm có nơi nào lại học trong hoàn cảnh bom đạn, chết chóc như thế.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, trẻ em đi học với tinh thần "tiếng hát át tiếng bom". 

Lũ trẻ đi sơ tán tới các vùng xa mặt trận, nhưng vẫn luôn bị máy bay oanh tạc, và chiếc mũ rơm là vật bất ly thân khi tới trường. Chúng học trong hào giao thông đào xuyên qua lớp học. Những hầm trú ẩn hình chữ A được dựng lên xung quanh lớp học. Người lớn thì học tập vào ban đêm, hoặc học tập dưới địa đạo, dưới các hào giao thông.

Tinh thần ham học, ý thức học để giữ nước, học để sản xuất tốt hơn, học để có năng lực chiến đấu ngày ấy đã lưu truyền và lan tỏa tới các địa bàn dân cư ngày nay. Các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tậpcông dân học tập ngày nay đã được thừa hưởng những giá trị văn hóa học tập có một không hai do các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra.

Một số loại hình văn hóa học tập

Văn hóa đọc

Đọc là con đường dẫn ta đi vào thế giới tri thức, tìm kiếm những kiến thức mà ta còn thiếu trong kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại. Đọc là một cách học thông minh giúp con người phát triển tư duy. Thông qua đọc, việc thâu tóm những khái niệm mới sẽ làm cho quá trình tư duy có nhiều vật liệu để nhào nặn, chế biến, tạo ra những kiến thức mới, những ý tưởng mới.

Trước đây, con người tiến hành việc đọc trên sách báo hàng ngày, các sách giáo khoa và các giáo trình, những sản phẩm khoa học và văn học mà nơi chứa đựng những tư liệu để đọc là những tủ sách trong gia đình, tại nhà văn hóa, nhất là những thư viện lớn nhỏ ở địa phương và ở trung ương. Không ai có thể đọc hết các tài liệu có ở mọi chốn, mọi nơi. Cho dù việc đọc có chọn lọc thì số lượng sách báo mà ta hấp thụ vẫn chỉ là những giọt nước nhỏ trong hồ nước đầy.

Càng gia tăng sự trải nghiệm qua sách báo, con người càng thông thái hơn và năng lực chinh phục những mục tiêu của cuộc sống càng gia tăng.

Ngày nay, số lượng những tri thức mới còn nhiều gấp bội khi ta du hành trên mạng Internet để học tập. Nếu không có phương pháp đọc một cách khoa học, chúng ta sẽ bị ngợp trong biển cả những thông tin và tri thức trên mạng. Chính vì thế, ai cũng thấy đọc sách là cần thiết nhưng khó nhất là bắt đầu từ đâu, và tìm ra được sự bắt đầu hợp lý, nhiều người lại bỏ cuộc vì không đủ kiên nhẫn để duy trì việc đọc hàng ngày.

Peter Hollins khuyên chúng ta rằng: "Chìa khóa để trở thành người đọc hàng ngày đang nằm trong tay bạn. Khi bạn sử dụng một số phương pháp giúp trở thành người đọc hàng ngày được các chuyên gia khuyến nghị, bạn sẽ khám phá ra rằng, đọc sách mở ra cho bạn một thế giới hoàn toàn mới; và trong quá trình học, bạn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình".

Phương pháp giúp chúng ta đọc hàng ngày

Tranh thủ những khoảng thời gian rảnh trong chuỗi thời gian của một ngày mới. Có người không chọn giờ buổi sáng để đọc, mà chọn vào giờ trước lúc ăn tối hoặc một giờ trước khi tắt đèn đi ngủ. "Người đọc buổi sáng" và "Người đọc buổi tối" đều cần có phương pháp thích hợp cho việc đọc của chính mình.

Có người chọn nửa giờ đồng hồ vào việc đọc báo sau khi ăn điểm tâm, ly cà phê đen có thể giúp ta thấy đầu óc thư thái và lúc đó, đọc là tốt nhất trước khi mặc quần áo chỉnh tề và mang cặp tài liệu đến nơi làm việc. Giữa ca làm việc, ta có thì giờ để đọc một vài trang sách đã được đánh dấu. Như thế, ta đã làm lỗ hổng kiến thức được bù đắp ít nhiều.

Sức mạnh mềm của văn hóa học tập- Ảnh 4.

Biến đọc sách thành niềm vui trong cuộc sống. Ảnh: unsplash

Xác định mục tiêu đọc là rất cần thiết. Mục tiêu đọc cho ngày hôm sau và những ngày tiếp theo trong tuần. Trên cơ sở đó, ta xác định những tài liệu hay sách cần đọc với những định dạng khác nhau, ví dụ sách in, sách điện tử hay sách nói.

Nên lưu ý rằng, khi sử dụng các thiết bị thông minh để đọc, có nhiều điều hấp dẫn mà không liên quan với việc học tập làm ta sao nhãng mục tiêu đọc. Cần dứt bỏ những thông tin hấp dẫn đó.

Không nên tích lũy quá nhiều sách in có nội dung hay nhưng không phục vụ cho việc học. Có những người mỗi lần qua hiệu sách, thấy cuốn sách nào cũng thích nên mua cả chục cuốn một lúc. Kết quả là trên giá sách cá nhân chất đầy đủ loại sách hay mà không có thì giờ đọc. John Naisbitt gọi đó là "nghĩa trang sách". Cho nên, ở đây nguyên tắc "không cộng nếu chưa trừ" cũng cần áp dụng.

Với một hệ thống những ứng dụng tìm kiếm tri thức trong các thiết bị công nghệ thông minh, ta có thể dễ dàng đọc những gì đang có trong nhu cầu nhận thức. Vì thế, đọc trên mạng là phương pháp rất cơ bản đối với hành trình học tập của chúng ta.

Văn hóa tự học

Nhiều người bằng lòng với những kiến thức được giảng viên truyền thụ dựa trên sách giáo khoa hoặc giáo trình có sẵn. Họ tỏ ra hài lòng và thỏa mãn với những kiến thức đó. Sau buổi học, họ thường không đặt ra câu hỏi: "Những kiến thức hiện có liệu đã đủ dùng chưa?", và việc học thêm không bao giờ diễn ra.

Những người như vậy được coi là người học thụ động, hơn nữa, họ yên tâm rằng, những kiến thức sách vở đó giúp họ biết đủ rồi. Họ không hiểu, những kiến thức sách vở được cung cấp trong lớp học chỉ cho ta biết một cách hữu hạn trước một thế giới kiến thức vô hạn. Khi bằng lòng với kiến thức đó, và học thuộc lòng như học kinh thánh thì về thực chất, họ đã là tín đồ của chủ nghĩa giáo điều.

Dorothy Billington nói rằng: "Những gì ta biết trong ngày hôm nay thì ngày hôm sau sẽ bị lỗi thời. Nếu ngừng học tập, chúng ta sẽ ngừng phát triển". Vì thế, con người phải biết học tập chủ động và không bao giờ thoản mãn với kiến thức ngày hôm nay.

Tự học một cách chủ động một cách có hiệu quả là học được những gì liên quan đến mục tiêu học tập Cuốn sách "Làm ra làm, chơi ra chơi" (Deep work: Rules for Focused success in a Distracted world) của Cal Newport đã chứng minh rằng, cách tiến bộ duy nhất của nền kinh tế là nhanh chóng học được những điều khó nhưng có liên quan.

Khi bắt đầu vào kế hoạch tự học, phải đặt cho mình những câu hỏi đúng, liên quan đến tình huống riêng của mình. Những câu hỏi đó mang tính trao quyền, nghĩa là nó phải hướng đến các giải pháp "làm thế nào?". Biết làm thế nào tức là tìm ra được bí quyết (know - how) để đi đến thành công.

Những câu hỏi đặt ra trong quá trình tự học bao giờ cũng phải bám sát hành trình học tập, theo một chuỗi tuyến tính như sau:

- Tôi đang làm việc gì và mục tiêu cần đạt là gì?

- Tôi cần có kiến thức gì để có thể đạt những mục tiêu đó?

- Giải pháp nào để những kiến thức học thêm đưa tôi tới thành công?

Văn hóa học nghề

Học nghề là lĩnh vực học tập quan trọng đối với con người mà mục tiêu là trở thành người lao động có những năng lực và phẩm chất của người thợ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Có 3 lĩnh vực học tập để trở thành người thợ (công nhân kỹ thuật) là hướng nghiệp, học nghề và khởi nghiệp

Hướng nghiệp là xác định rõ nghề mà người học yêu thích, mong muốn trong nghề đó sẽ cống hiến năng lực, trí tuệ cho xã hội được nhiều nhất.

Tìm hiểu những họa đồ nghề nghiệp (Professiogramme) để biết những điều kiện phải có để theo học nghề, từ đó học hỏi, rèn luyện thể chất, tu dưỡng đạo đức theo yêu cầu của nghề. Chọn đúng trường đào tạo nghề mà mình yêu thích.

Tự do chọn nghề là một giá trị mà hệ thống hướng nghiệp phải bảo đảm cho bất cứ ai đi học nghề. Một người cảm nhận việc chọn nghề của mình được tự do khi họ nhận thấy 3 điều: Công việc trong nghề thỏa mãn sự hứng thú của họ; họ thấy mình học nghề thuận lợi do phù hợp với năng lực của họ; họ nhận ra nghề họ chọn đang được xã hội quan tâm.

Sức mạnh mềm của văn hóa học tập- Ảnh 6.

Xu hướng học nghề được coi trọng trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.

Học nghề là một quá trình đào tạo mà người học sẽ nỗ lực để thông qua khóa học trở thành người lao động có những năng lực kỹ thuật, năng lực sử dụng những công nghệ sản xuất tiên tiến, có tư duy kỹ thuật, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp.

Trong quá trình học nghề, người thợ tương lai phải rèn luyện kỷ luật lao động trong nghề, tinh thần lao động sáng tạo, ý thức bảo vệ thiết bị máy móc, bảo quản và duy tu công cụ lao động... qua từng bài học.

Coi lao động trong nghề là sự nghiệp gắn với đời mình. Học hỏi liên tục, tự rèn luyện để luôn theo kịp yêu cầu của nghề đặt ra mỗi khi vị trí làm việc được trang bị mới những thiết bị hiện đại, được ứng dụng những công nghệ mới là lẽ sống và là biểu hiện tập trung nhất của lòng yêu nghề.

Khởi nghiệp là hoạt động của người lao động trên nền tảng được trang bị những kiến thức về nghề, trình độ tay nghề để sáng tạo ra một việc làm mới, một sản phẩm mới chưa từng có.

Cho dù doanh nghiệp khởi tạo nhỏ hoặc siêu nhỏ thì sản phẩm làm ra bao giờ cũng phải mang giá trị mới.

Trong quá trình học nghề, người học đã phải nung nấu ý tưởng khởi nghiệp để sẵn sàng vào đời với ý thức cạnh tranh lành mạnh với người khác. Tinh thần khởi nghiệp thể hiện ở sự tìm tòi sáng tạo, dám mạo hiểm, dám chịu rủi ro, biết đứng dậy sau vấp ngã, cạnh tranh trong hợp tác, học hỏi suốt đời để luôn có sự đổi mới trong công việc.

Sức mạnh mềm của văn hóa học tập- Ảnh 7.

3 lĩnh vực học tập để trở thành người thợ (công nhân kỹ thuật) là hướng nghiệp, học nghề và khởi nghiệp.

Văn hóa học tập suốt đời

Văn hóa học tập suốt đời là một tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập do UNESCO đề xuất, coi đây là một giá trị quan trọng không những cần có ở người học tập suốt đời (Lifelong learner), mà còn cần cho cả các tổ chức, các doanh nghiệp, các tập đoàn v.v...

Văn hóa học tập suốt đời thể hiện ở hành trình đi cùng tri thức để sáng tạo tri thức của cá nhân cũng như của tập thể. Với cá nhân, việc học tập sẽ diễn ra như một quá trình tích lũy kinh nghiệm, xử lý thông tin để tạo nên vốn tri thức của mình. Với tập thể, nhất là đối với những tổ chức sản xuất - kinh doanh, họ cũng cần có những tri thức của tổ chức làm nền tảng cho việc tạo ra những sản phẩm độc đáo, có thương hiệu ngày càng uy tín... để phát triển trong sự cạnh tranh với các tổ chức khác.

Văn hóa học tập suốt đời luôn hướng việc học tập phục vụ cho sự đổi mới liên tục của cá nhân, của tổ chức và toàn xã hội nhằm mục đích xây dựng một nền giáo dục hưng thịnh, một xã hội thông minh và một dân tộc thông thái.

Học tập suốt đời vừa là một nguyên lý, vừa là một triết lý. Học tập suốt đời là chìa khóa mở ra con đường phát triển bền vững của xã hội, phát triển những năng lực tiềm ẩn trong từng cá nhân, giúp cho con người được hoàn toàn tự do trong phát triển tài năng và đức độ. Đó là con đường dẫn đến sự trao quyền ngày càng nhiều để con người giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, đối đầu với các rủi ro, đấu tranh chống lại những tiêu cực trong xã hội.

Văn hóa học tập suốt đời là nền tảng để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo của nền giáo dục trong xã hội học tập: Đào tạo những công dân học tập, những công dân số trong xã hội chuyển đổi số và những công dân toàn cầu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Các quốc gia tham gia Chương trình xây dựng xã hội học tập do UNESCO điều hành đều đề xuất những năng lực cốt lõi (Core competencies) của các loại hình công dân học tập. Thông thường, họ thường đề ra một danh mục gồm nhiều năng lực cốt lõi, nhưng tùy từng giai đoạn triển khai xã hội học tập mà họ chọn một số năng lực cốt lõi cần thiết nhất. Đó là cách làm khôn ngoan và thiết thực, rất linh hoạt và đạt hiệu quả cao trong triển khai mô hình trên thực tế.

Sức mạnh mềm của văn hóa học tập- Ảnh 8.

Để tham gia chương trình xây dựng xã hội học tập do UNESCO điều hành, các quốc gia đều đề xuất những năng lực cốt lõi cho công dân học tập. Ảnh: unsplash

Trong thập niên 2021-2030, định hướng lựa chọn năng lực cốt lõi ở một số nước như sau:

Hoa Kỳ: Chọn 3 năng lực cốt lõi: Năng lực nhận thức những vấn đề trọng điểm trong thế kỷ XXI (những vấn đề toàn cầu, kinh tế thế giới, kinh doanh và khởi nghiệp, quyền và nghĩa vụ công dân, sức khỏe và bảo vệ môi trường). Năng lực học tập và đổi mới (đổi mới và sáng tạo, tư duy phản biện, giao tiếp và hợp tác...). Năng lực cải thiện đời sống, phát triển nghề nghiệp (linh hoạt, thích ứng nhạy bén, tự định hướng, giao thoa văn hóa, trách nhiệm giải trình, năng lực lãnh đạo, tinh thần trách nhiệm).

Nhật Bản: xác định 3 năng lực cốt lõi: Năng lực làm chủ kiến thức cơ bản (đọc hiểu, biết tính toán công việc, sử dụng tốt công nghệ thông tin, xử lý thông tin). Năng lực tư duy (tư duy phê phán, tư duy logic, giải quyết vấn đề hiệu quả, học tập để thích ứng tốt). Năng lực hành động thực tiễn (hành động độc lập, tự chủ, tự hiểu biết, tự chịu trách nhiệm, tăng cường sức khỏe, kỹ năng ra quyết định và lập kế hoạch, hợp tác và thiện cảm với người khác...)

Phần Lan: Xây dựng khung năng lực cốt lõi: Giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và bằng ngoại ngữ; vận dụng tri thức khoa học, toán, công nghệ thông tin vào công việc và cuộc sống; hợp tác và tương tác; khởi nghiệp; chủ động tìm kiếm và giải quyết vấn đề.

Singapore: Chọn 6 năng lực cốt lõi: tự học, sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ,  tư duy toàn cầu, giao tiếp, đóng góp nhiều cho xã hội.

Canada: Xây dựng khung năng lực cốt lõi với 5 năng lực: sáng tạo, đổi mới với tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp; sử dụng công nghệ số và máy tính; tư duy phản biện; giao tiếp và hợp tác; sử dụng công nghệ truyền thông và thông tin.

Hàn Quốc: Chọn 6 năng lực cốt lõi: sáng tạo trong hoạt động; sử dụng công nghệ số; sử dụng ngoại ngữ; tư duy phản biện; học tập suốt đời; đóng góp xây dựng xã hội.

Khối OECD: Xác định 3 năng lực cốt lõi: Năng lực tự chủ hành động (tự học, hành động tự chủ trong những bối cảnh khác nhau, xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân, xác định nghĩa vụ và quyền lợi cá nhân, điều hòa hợp lý các nhu cầu chung. Năng lực sử dụng công cụ tương tác (sử dụng công nghệ thông tin, vận dụng kiến thức toán, sử dụng ngôn ngữ). Năng lực giao tiếp, tương tác các nhóm xã hội (xây dựng các mối quan hệ người - người, hợp tác và giao tiếp, quản lý công việc, điều hòa những xung đột ý kiến).

Liên minh châu Âu: chọn 8 năng lực cốt lõi: Năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ (diễn đạt ngôn ngữ nói và viết mạch lạc, logic; tương tác ngôn ngữ có hiệu quả trong môi trường văn hóa). Năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ (thông qua ngoại ngữ để xây dựng các mối quan hệ tốt, hòa giải những mâu thuẫn, hiểu biết các văn hóa khác). Năng lực toán học, khoa học và công nghệ (biết cách tính toán sắp xếp công việc khoa học, làm việc có cơ sở khoa học hợp lý). Năng lực sống trong môi trường số (năng lực áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông). Năng lực tự học (học cách học). Năng lực công dân (xây dựng các mối quan hệ, tôn trọng con người, bảo vệ quyền công dân). Năng lực sáng tạo (cải tiến kỹ thuật, tạo năng suất lao động cao trong sản xuất - kinh doanh, khởi nghiệp và lập nghiệp). Năng lực nhận thức và biểu đạt (nâng cao trình độ học vấn, trình độ giao tiếp).

Ở Việt Nam, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập" có sự lồng ghép các tiêu chí công dân học tập và công dân số. Còn công dân toàn cầu chưa có văn bản chính thức của Nhà nước đề cập đến. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã bàn đến và đã đào tạo một số công dân toàn cầu cần cho công việc của họ.

Sức mạnh mềm của văn hóa học tập- Ảnh 9.

Những năng lực cần có ở công dân học tập, công dân số và công dân toàn cầu.

Học tập thường xuyên, học tập liên tục, học tập suốt đời là vấn đề cốt lõi trong xây dựng xã hội học tập. Có lẽ không ai phản bác việc học tập khi đứng trước khẩu hiệu: "Giáo dục suốt đời cho mọi người", nhưng khi thực hành ý tưởng này trong cuộc sống, nhiều người không làm được với nhiều lý do khác nhau. Và khi không thể học tập hàng ngày, người ta lại phải bằng lòng với cuộc sống không có gì mới, không thể cải thiện hơn, một cuộc sống có vẻ an toàn.

Thực ra, một cuộc sống không có gì mới, rất an toàn đó là cuộc sống đang tụt lùi so với sự phát triển hàng ngày của xã hội. Khi trong gia đình, trong xã hội có những biến cố, đòi hỏi con người phải có những kỹ năng, những năng lực để đương đầu với những rủi ro, những rào cản, lúc đó mới nhận ra là mình bất lực.

Học tập suốt đời là một lối sống trong xã hội hiện đại. Nó tạo ra cho ta năng lực bảo vệ bản thân mình khi hoàn cảnh sống thay đổi. Nó giúp ta luôn thích ứng với môi trường sống đang từng ngày biến đổi, giúp ta luôn hòa đồng với cộng đồng.

Học tập suốt đời là điều kiện hàng đầu để người dân trong xã hội được trao quyền để giải quyết hàng loạt những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường sống. Chúng ta sẽ cảm thấy tự do trong cuộc sống của mình. Đó là nội dung cốt lõi của văn hóa học tập.