Hùng thiêng Ngã ba Đồng Lộc!
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu 4...
Ngã ba Đồng Lộc - trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ
Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Nơi đây là một địa điểm hiểm trở trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
Từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Từ đây, Ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu 4.
Trong suốt 7 tháng "ném bom hạn chế" trong năm 1968, địch đã tập trung đánh phá vào Ngã ba Đồng Lộc với một khối lượng bom đạn rất lớn. Từ tháng 4-10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom, không có một bóng cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi.
Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: Bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người, làm nhiệm vụ chiến đấu đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.
Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55.
Trưa ngày 24/7/1968, 10 chị ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1995, Đảng và Nhà nước giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác các hạng mục công trình tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho nhân dân và thế hệ trẻ cả nước. Hằng năm có hàng triệu lượt du khách đến dâng hương tưởng niệm, tri ân, tưởng nhớ.
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc có diện tích rộng 0,6 km2. Khu di tích lịch sử này được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, nhiều công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng như: Khu mộ 10 nữ thanh niên xung phong, Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng 10 nữ thanh niên xung phong và nhiều công trình văn hóa tâm linh khác.
Tượng đài 10 nữ thanh niên xung phong được xây dựng trang trọng ở vị trí trung tâm của khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Cụm tượng mô tả sự ác liệt của chiến tranh, giàu ý nghĩa về biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, khắc họa tinh thần lạc quan cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam, nhằm tái hiện lại một khoảnh khắc tả thực của 10 cô gái thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, dẫn đường thông xe ra tiền tuyến, các chị được bố cục trong các tư thế khác nhau. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh
Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng vào năm 1998, đến năm 2000 được hoàn thành và ghi danh 1.950 anh hùng liệt sỹ. Năm 2007, nhà bia tiếp tục được xây dựng, tu bổ và tôn tạo lại, đến thời điểm hiện tại, nhà bia đã ghi danh gần 4.000 các anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản, Ban quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh
Nhà bia tưởng niệm chính là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, là hiện thân của lực lượng “Vai trăm cân, chân vạn dặm”, không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tự do của dân tộc. Tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong và các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc sẽ được lưu danh muôn đời, để lớp lớp con cháu ngưỡng vọng, tôn kính tự hào. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản, Ban quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc
Nhà trưng bày truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc là nơi mà lịch sử thanh niên xung phong hiện lên tráng liệt nhất, rõ nét nhất, sống động nhất. Gian chính diện có tượng Bác Hồ, đông chí Trần Phú và cụm tượng bộ đội, thanh niên xung phong. Những câu khẩu hiệu đã từng là lý tưởng cháy bỏng của thanh niên được đăng đầy cả 3 gian phòng lớn. Ảnh: Ban quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, Báo điện tử Đảng Cộng sản
Trong bài có sử dụng thông tin tư liệu và tham khảo từ Báo điện tử Đảng Cộng sản, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google