Chương trình "Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm" tri ân anh hùng, liệt sĩ

Minh Châu
12:57 - 16/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chương trình “Cõi thiêng Đồng Lộc – Nối mạch ngàn năm” nhằm tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ, sẽ được tổ chức vào ngày 22/7/2023.

Chương trình "Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm" tri ân anh hùng, liệt sĩ - Ảnh 1.

Phối cảnh sân khấu chương trình “Cõi thiêng Đồng Lộc – Nối mạch ngàn năm”. Ảnh: VGP

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, 55 năm Ngày Chiến thắng Đồng Lộc

Theo VGP, chương trình do Truyền hình Nhân dân (Báo Nhân dân), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), 55 năm Ngày Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2023), 55 năm Chiến tích Làng K130 (13/8/1968 – 13/8/2023).

Chương trình bao gồm 2 phần chính: Lễ thả hoa đăng, ca nhạc nghệ thuật và biểu diễn kịch nói với điểm nhấn đặc biệt là lễ thả hoa đăng – 10 tiếng chuông chiêu vọng. Âm thanh, ánh sáng tạo nên "Con đường hoa lửa", là nhịp cầu kết nối thể hiện niềm tưởng nhớ vô hạn những chiến sĩ đã nằm xuống nơi ngã ba Đồng Lộc. 10 tiếng chuông chiêu vọng cũng là lời nguyện cầu hôm nay của người dân Hà Tĩnh, người dân Việt Nam mong ước về một đất nước hòa bình, không còn chiến tranh.

Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Nhân dân và một số đài phát thanh - truyền hình trên cả nước, là dịp bày tỏ lòng biết ơn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Đôi nét về Ngã ba Đồng Lộc

Theo Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch), Ngã ba Đồng Lộc nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 thuộc địa phận xã Đồng Lộc.

Từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Từ đây, Ngã ba Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu 4.

Trong suốt 7 tháng "ném bom hạn chế" trong năm 1968, địch đã tập trung đánh phá vào Ngã ba Đồng Lộc với một khối lượng bom đạn rất lớn, song các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ chiến đấu ở đây vẫn kiên cường bám trụ trận địa, tổ chức đánh địch hiệu quả. 

Chương trình "Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm" tri ân anh hùng, liệt sĩ - Ảnh 2.

Tượng đài chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: dangcongsan.vn


Lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường. Nhờ hỏa lực mạnh của Trung đoàn pháo cao xạ 210 kết hợp với các cụm hỏa lực 12,7 ly của dân quân tự vệ trong khu vực đã tạo thành lưới lửa dày đặc trên vùng trời Ngã ba Đồng Lộc, đảm bảo an toàn cho việc thông xe, thông đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.

Trong những ngày đọ sức quyết liệt với bom đạn kẻ thù, tại Ngã ba Đồng Lộc đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Trong đó điển hình là 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. 

Với tinh thần đảm bảo thông suốt cho con đường vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam, quân và dân Đồng Lộc đã đoàn kết một lòng chiến đấu bắn rơi 19 máy bay Mỹ; phá hủy 1.780 quả bom nổ chậm, bom từ trường; góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm đường mới; huy động 42.620 người phục vụ chiến đấu; đào đắp 95.209m3 gỗ; cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy... làm thất bại hoàn toàn âm mưu cắt đứt con đường vận tải chiến lược Bắc – Nam qua Đồng Lộc của đế quốc Mỹ. Nơi đây đã trở thành huyền thoại trong những năm chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.

Ngày 9/12/2013, Khu di tích thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc được Nhà nước công nhận là Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trở thành cái nôi nuôi dưỡng lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân ta, đặc biệt là cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bình luận của bạn

Bình luận