Sự tích anh hùng về hang Tám Cô ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Khu vực rừng Phong Nha - Kẻ Bàng cũng là nơi hiện còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử oai hùng từ thời kháng chiến chống Mỹ, trong đó không thể không kể đến di tích hang Tám Cô...
Hang Tám Cô - lịch sử đầy bi tráng của những anh hùng tuổi 20
Nếu ai đã từng đến Phong Nha - Kẻ Bàng, hẳn sẽ biết nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi hệ thống hang động kỳ vĩ, thiên nhiên tươi đẹp với các địa điểm du lịch nổi tiếng như: Hang Sơn Đoòng, Hang Va, Động Phong Nha, Động Thiên Đường, Suối Nước Moọc… mà nơi đây còn ghi dấu chiến tích lịch sử trong thời kỳ cả nước đứng lên "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai". Và trong đó không thể không nhắc đến hang Tám Cô - một di tích lịch sử nổi tiếng.
Năm 1972, khi Mỹ thua đau ở chiến trường Miền Nam, chúng leo thang quay trở lại đánh phá Miền Bắc lần thứ 2 với cường độ cao và bằng những loại vũ khí tối tân nhất: Từ bom từ trường, bom điều khiển bằng tia laser, chất độc phát quang, đến B52 rải thảm. Đường 20 Quyết Thắng - con đường huyết mạch trong cuộc kháng chiến, do vậy dù bất cứ giá nào phải khơi thông để tiếp viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần "Nhà tan cửa nát cũng ừ/Quyết tâm thắng Mỹ cực chừ sướng sau", cùng với khẩu hiệu "Sống bám đường chết kiên cường dũng cảm", hàng vạn bộ đội, thanh niên, dân công hỏa tuyến ra sức giữ vững con đường huyết mạch cho xe ra tiền tuyến.
Ngày 14/11/1972 - một ngày lịch sử, những trận bom B52 như điên cuồng trút xuống, rơi như mưa, nổ như sét trên đầu, theo số lượng thông thường chừng 180 quả. Không gian rung chuyển, đường 20 Quyết thắng bị quật nát, cắt đoạn. Ở bên kia đường, một khối đá khổng lồ khoảng 100 tấn sập xuống cửa hang vùi lấp 8 thanh niên xung phong thuộc đơn vị C217. Đó là các anh Nguyễn Văn Huệ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Mậu Kỷ, Nguyễn Văn Phương và các chị: Đỗ Thị Loan, Lê Thị Lương, Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai cùng quê Thanh Hóa đang trú ẩn.
Tất cả các phương tiện từ cuốc chim, xẻng, xà beng… dồn dập, tới tấp đào bới, tìm kiếm nhưng không thể nào lay chuyển được khối đá khổng lồ án ngự trước cửa hang. Đồng đội ở ngoài vẫn nghe rõ tiếng kêu cứu của các anh, các chị vọng lên sau khối đá, vẫn nhận rõ tiếng kêu cứu thảm thiết của chị Lương "Bầm ơi! Cứu con với! Các anh, các chị cứu em với".
Lúc đó cấp ủy, Ban Chỉ huy phải hội ý liên tục từ 17 giờ đến 21 giờ và cũng đưa ra rất nhiều phương án ứng cứu được bàn bạc. Có ý kiến đưa công binh dùng mìn để phá đá nhưng tình thế lại rất khó khăn bởi phía sau hơn 150 xe chở hàng đặc biệt đang cần gấp rút ra chiến trường ngay trong đêm. Nếu dùng mìn phá, an toàn không cao, đường lại bị tắc, xe không thông tuyến.
22 giờ đêm, cơm đưa ra nhưng không ai nuốt nổi. Cả đơn vị quyết tâm vừa làm sao cứu người, vừa đảm bảo cho xe thông tuyến. Trước yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết, một bộ phận chiến sĩ ở lại, còn tất cả lao ra trận san lấp mặt đường để đoàn xe lao nhanh phía trước. Những ngày sau đó, đồng đội các anh, các chị tìm mọi biện pháp có thể để tiếp tế nguồn sống và ứng cứu đồng đội, những chiếc ống được thông rỗng ruột, những viên thuốc B1, những bánh lương khô đã nghiền nát đổ luồn theo ống vào trong hang nhằm kéo dài sự sống cho các anh, các chị. Nhưng bảy ngày sau, sự hy vọng không còn nữa, cả đơn vị nén đau thương làm lễ truy điệu cho đồng đội đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.
Di tích hang Tám Cô. Ảnh: quangbinhtravel
Từ sau sự hy sinh đau thương đó, mỗi lần hành quân qua đây, các đơn vị chiến đấu, các đồng đội đi mở đường đều dành vài phút tưởng niệm các anh, các chị. Ai cũng bùi ngùi, xúc động khi được nghe đồng đội kể về sự hy sinh này. Và từ đó, "Hang Tám Cô" là câu chuyện huyền thoại luôn nhắn nhủ cho chúng ta - thế hệ hôm nay và mai sau phải biết gìn giữ những giá trị vô giá về độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Đến với Di tích lịch sử hang Tám Cô, nhiều người đã không kìm nén được những xúc cảm, sự ngưỡng vọng về sự hy sinh cao cả với người đã khuất. Nhà thơ Cảnh Giang khi đi ngang qua hang Tám Cô nhìn thấy tấm bia ghi tên các anh, chị thanh niên xung phong, anh xúc động, nghẹn ngào, những dòng thơ "Tiểu đội giữ đường" cứ thế tuôn trào.
"Giữa Trường Sơn đồi núi điệp trùng
Không thấy mộ đâu
Chỉ có tấm bia chung ghi tên từng liệt sĩ
Tiểu đội gồm bốn nam, bốn nữ
Những chàng trai Huê, Phương, Kì, Vũ
Lương, Toan, Tơ, Mai - những cô gái mở đường"
Và cho dù thời gian có trôi đi chăng nữa thì các anh, các chị vẫn mãi tỏa sáng, là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo.
"Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng
Tỏa sáng mười phương gương dũng liệt
(Giáo sư Vũ Khiêu)
Hang Tám Cô trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn là câu chuyện huyền thoại, bất tử như một tượng đài bất khuất, hùng vĩ đi cùng năm tháng lịch sử của dân tộc. Đến với Phong Nha - Kẻ Bàng giờ không chỉ thưởng ngoạn thiên nhiên, mà còn là dịp để chúng ta ghé hang Tám Cô tưởng nhớ và tri ân sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ cha anh về một hoài vọng thiêng liêng: Thống nhất Tổ quốc!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google