Cao điểm Vị Xuyên - Phút tĩnh lặng xuyên không...

img

Vị Xuyên chiều dần xuống

Miền núi nắng tắt rất nhanh, 17h30 đã không còn ánh mặt trời. Xe chạy lặng lẽ trong chiều tà. Đến ngã 3 (gọi là ngã 3 cửa tử) thì bắt đầu đi vào đường núi quanh co để đến cao điểm 468. 

Chiều muộn nhưng vẫn có vài ba chiếc xe biển Thái Bình, Thái Nguyên cùng hướng với chúng tôi, quan sát thấy trên xe nhiều người mang vẻ mặt đăm chiêu, nghiêm ngắn, tôi tự nhủ: "tới ngày 12/7 'giỗ trận' (Vị Xuyên) nên đồng đội, người thân lên viếng những chiến sĩ mãi mãi nằm lại nơi đây chăng?!"

Cao điểm Vị Xuyên - Phút tĩnh lặng xuyên không... - Ảnh 1.

Đường núi quanh co lên cao điểm 468 - Vị Xuyên, Hà Giang.

Xe dừng, chúng tôi leo chừng hơn 20 bậc thang tới đền thờ các hương linh Liệt sỹ. Đoàn có 13 người, được người quản đền sắp xếp các nghi thức viếng nghiêm trang, chỉn chu, thành kính.

Sau 9 hồi chuông, chúng tôi dâng hương và di chuyển lên đền chính - nơi thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng hương linh 4.000 chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới (1979-1989).

Cao điểm Vị Xuyên - Phút tĩnh lặng xuyên không... - Ảnh 2.

Đứng trên cao điểm trong gió chiều xôn xao, mùi hương phảng phất, lòng người tĩnh lặng hướng về những dãy núi trập trùng xanh ngút mắt, những cao điểm 1509, 600,812,772,685... Chúng tôi cảm nhận được từng tấc đất nơi đây đều linh thiêng, mang trong đó cả máu xương của những Anh hùng Liệt sĩ.

Cao điểm Vị Xuyên - Phút tĩnh lặng xuyên không... - Ảnh 3.

"Đứng trên cao điểm trong gió chiều nôn nao, mùi hương phảng phất quanh những dãy núi..."

Phút mặc niệm, nhạc nổi lên, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi... 

Giây phút ấy lòng tôi trĩu nặng, tôi đã có một tuổi thơ chứng kiến một phần cuộc chiến ở mảnh đất này...

Chúng tôi quây quần ngồi nghe chú Giang – người lính trông coi đền kể chuyện. 

Câu chuyện xung quanh những cao điểm mà trong cuộc chiến ác liệt các chiến sĩ đã giành giật từng ngày đêm để bảo vệ bờ cõi. Cao điểm 685 là Lò vôi thế kỷ, nơi hàng ngàn hàng vạn tấn pháo đã dội xuống. Sau những trận đạn pháo dữ dội ấy, những cao điểm đá đã vỡ nát, biến dạng, độ cao không còn như cũ nữa.

Cao điểm 772 - nơi được gọi là Cối xay thịt hay Đồi thịt băm bởi đây là điểm nóng tranh chấp, rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh nằm lại mãi mãi tại cao điểm này, hòa lẫn xương thịt với mảnh đất này.

Dịp "Giỗ trận" và nỗi niềm rưng rưng nhớ...

Tại cao điểm 468 vào ngày 12/7/1984, 1 Trung đoàn (khoảng 500 người) của Sư đoàn 356 đã anh dũng hy sinh khi dốc toàn lực bảo vệ từng tấc đất ở đây. Từ đó, với những người còn sống trong cuộc chiến năm ấy thì ngày 12/7 hàng năm được coi là ngày "Giỗ trận".

Chúng tôi được nghe người giữ đền kể, từ cao điểm 812 Cốc Nghè, quân ta đã đào một đường hầm dài chừng 4km nối với cao điểm 600 núi Yên Ngựa. Đường hào này được đào là bởi khi tập kết quân từ dưới xuôi lên Thanh Thủy sẽ qua ngã ba cửa tử để vào Thôn Thanh Sơn, từ đây sẽ lên cao điểm 812, hành quân sang cao điểm 600, rồi mới phân chia lên các cao điểm khác để thực hiện nhiệm vụ.

Dày công, đổ sức, một lòng chiến đấu bảo vệ quê hương, những chiến sĩ quả cảm ngày ấy đã không tiếc thân mình, nối tiếp truyền thống cha ông quyết tâm gìn giữ non sông, bờ cõi.

Chiến tranh khốc liệt đã trôi qua, nhưng tình đồng đội ấm nồng còn mãi. Cả đền tưởng niệm trên cao điểm 468 này đều do các đồng đội xây dựng để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh cuộc sống của mình trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.

Những câu thơ do các cựu chiến binh viết về cuộc chiến vẫn luôn được mọi người truyền miệng cho nhau nghe, khi đặt chân tới nơi này.

Cao điểm Vị Xuyên - Phút tĩnh lặng xuyên không... - Ảnh 4.

"Thôn Làng Ping là thủ đô của lính

Đỉnh Cốc Nghè che lấp tuổi thanh xuân

772 đồi thịt băm còn đó

685 là lò vôi thế kỷ

Về Hang Làng Lò ta gặp kho chứa thịt

Về Hà Giang phải qua Ngã ba cửa tử..."

Trong câu chuyện ôn lại lịch sử nơi đây, chúng tôi được biết, ngoài Hang Làng Lò còn có Hang Dơi là nơi ở của chiến sỹ, kho quân nhu, nơi cứu chữa thương binh và cả nơi tập kết những thi hài chiến sỹ trước khi chuyển về tuyến dưới. Người sống, người bị thương và người chết đều ở cùng trong hang này.

Lứa chúng tôi sinh những năm 197X tại Hà Giang, tới những năm 1984, nên chúng tôi đều chứng kiến những ký ức của cuộc chiến. Không thể quên được những mảnh đạn vay vèo vèo trên đường, găm vào thân hàng cây long não dưới chân dốc Mã Tim. Pháo rơi trên "đồi cây Bác Hồ" cháy cả vạt rừng thông. Mảnh đạn bay đánh tan hoang cả góc nhà ông Thịnh cá hàng xóm trong khu xóm Chùa (nay là tổ 8 phường Nguyễn Trãi)...

Hồi ấy, cả khu phố chúng tôi được huy động đi sơ tán trong đêm, tới tận Phú Linh, chúng tôi được học tạm tại nơi sơ tán. Một lũ trẻ 8,9 tuổi ngơ ngác tự lo kiếm củi, nhặt rau, nấu cơm, giặt giũ và trong cuộc sống không bình yên ấy, chúng tôi vẫn được đi học. Tôi đã nhìn thấy những chiếc xe chở đầy thương binh chạy về thị xã. Thương binh nhiều, tôi nhớ hình ảnh các bác, các chú, các anh đều ngồi hoặc nằm bất động trên xe tải.

Một hình ảnh khắc sâu vào tâm trí tôi từ cuộc chiến ấy, là một người vợ trẻ đi tìm mộ chồng. Nhà tôi ngay đối diện kho chữ U – kho quân trang, lương thực của bộ đội. Tôi nhớ người phụ nữ ấy ngoài đôi mươi, có lẽ mới cưới nhau được ít ngày thì người chồng ra trận. Nghe tin chồng hy sinh, cô ấy lặn lội từ Phú Thọ lên Hà Giang tìm mộ chồng. Thời điểm năm 1984, đường xá, xe cộ đi lại vô cùng khó khăn, nhưng cô ấy đã tất tả qua bao chặng mới lên tới Hà Giang. Tôi nhớ đôi mắt cô ấy khóc đến sưng đỏ, hai bờ mắt húp lại, khuôn mặt buồn như nắng tắt chiều hôm. Hình ảnh ấy ám ảnh tôi mãi tới bây giờ. Chẳng biết cô có tìm được mộ chồng không, bởi cuộc chiến quá khắc nghiệt, không chỉ với cô ấy mà với rất nhiều những gia đình có chiến sĩ hi sinh trong cuộc chiến...

Dù thời gian đã trôi qua, nhưng nơi đây, miền biên giới địa đầu, thì dư âm cuộc chiến tranh biên giới 1979-1984 là nỗi niềm đau đáu của bao gia đình những chiến sĩ đã hi sinh, những người đã hòa máu xương vào mảnh đất này. Và là sự trăn trở của những người đồng đội, người thân của họ đang sống.

Chúng tôi đã lên đây, để nghiêng mình biết ơn trước  4.000 chiến sỹ đã hi sinh cuộc sống của mình, để tổ quốc hôm nay toàn vẹn từ Bắc vào Nam. 

Trong đoàn chúng tôi cũng có các em nhỏ chưa bao giờ chứng kiến chiến tranh, mất mát, nhưng các em đã được đọc, được nghe, được đến nơi đây... Và, trong giây phút tĩnh lặng thiêng liêng chiều tháng 7, tôi tin rằng, các em nhỏ sẽ thêm hiểu biết, trân trọng, và thương yêu hơn nữa Hà Giang - mảnh đất biên cương thiêng liêng của tổ quốc.