Nhớ về người con đất Tây Mỗ - Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng

Trần Đăng Sinh
14:24 - 09/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đất Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng của Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng, cũng như thế hệ chúng tôi, những người được biết anh, làm bạn với anh thời niên thiếu mãi nhớ anh...

Nhớ về người con đất Tây Mỗ - Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng - Ảnh 1.

Di ảnh Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng.

Nhân 76 năm, Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tôi - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh, nguyên Chủ nhiệm khoa Triết học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hội viện Hội cực chiến binh sinh viên Hải quân lại nhớ về người anh, người đồng đội, người con cùng quê hương Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội đã dành tuổi xuân xanh đẹp nhất của mình hiến dâng cho đất nước – Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng sinh năm 1951, quê ở xóm Phượng, Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội, nhập ngũ tháng 4/1968, cấp bậc hạ sĩ, là thợ máy số 2, tàu 69B, Đoàn tàu Không số, Bộ Tư lệnh Hải quân, hi sinh ngày 11/4 năm 1971 tại vùng biển Vàm Lũng, tỉnh Cà Mau.

Tuổi thơ của ông Hùng gắn với làng quê Tây Mỗ. Ông Hùng hơn tôi 3 tuổi, hiền lành, trắng và đẹp trai, bọn trẻ con thường gọi là "Oanh tóp". Biệt danh này là do lúc nhỏ, ông ăn vụng tóp mỡ, bị cụ ông đánh. Tôi hỏi bà Lan chị gái ông Hùng sao ở quê tên là Oanh, đi bộ đội tên là Hùng? Bà Lan nói là lúc bé tên là Oanh, do bị trùng tên với người trong họ nên đổi là Hùng. Lúc trẻ con, ông Hùng hay được gọi ông là Hùng Oanh, hay "Oanh tóp" với nét thư sinh hào hoa nhưng cũng nghịch ngợm, khoẻ mạnh vốn dĩ của thanh niên ven đô. 

Thời đó, có lần đám trẻ chúng tôi chơi trò véo (bẹo) nhau, Ông Hùng cho bọn trẻ véo (bẹo) thoải mái vào người không kêu đau, lại thách cho véo nữa (vì ông rất khỏe). Đến lượt ông véo bọn trẻ con chúng tôi thì đau không chịu được, cứ la oai oái!

Năm 1968, ông Hùng đi học Trung cấp Cơ điện ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Ở đó, ông nhâp ngũ, biên chế vào Đoàn tàu Không số, Bộ Tư lệnh Hải quân. Tôi được nghe ông Phạm Văn Khá, thợ máy số 1 hiện ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình và ông Phạm Văn Hợi, thủy thủ trưởng hiện sống ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định kể lại chuyện buộc phải hủy tàu 69B trong chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam.

Nhớ về người con đất Tây Mỗ - Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng - Ảnh 2.

Lễ đón Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng về quê hương Tây Mỗ (2012). Ảnh: Tư liệu

Đó là ngày 4/4 năm 1971, tàu 69B được lệnh chở 60 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng, Cà Mau. Trên tàu có 23 cán bộ chiến sĩ. Thuyền trưởng là Phan Xả, 3 thuyền phó là Nguyễn Văn Hạp, Trương Công Khanh, Trần Đình Tú. Chính trị viên trưởng là Đào Thảnh Thơi; Chính trị viên phó là Nguyễn Văn Năm. Tổ máy có Nguyễn Văn Lân - máy trưởng; Nguyễn Văn Khá - máy 1; Nguyễn Hữu Hùng - máy 2; Ngô Chí Bản, Đào Trọng Thanh - máy 3. Thủy thủ trưởng là Phạm Văn Hợi và các chiến sĩ khác ngành Hàng hải, Thông tin, Ra đa, Cơ yếu... 

Khoảng 12 giờ đêm ngày 11/4 năm 1971, tàu vào khu vực giữa Gành Hào và cửa sông Bồ Đề, Cà Mau thì bị địch phát hiện. Chúng huy động nhiều tàu bao vây tàu 69B. Khi tàu địch bắn xối xả vào tàu 69B, thuyền trưởng Phan Xá ra lệnh nổ súng đáp trả. Trăng 13 âm lịch sáng rõ lại có cả ánh đèn pháo sáng của địch, trên tàu hai bên nhìn rõ mặt nhau. Tàu 69B dùng hỏa lực 12,7 ly, B40, ĐKZ bắn thẳng vào tàu địch. Trên tàu 69B, nhiều thủy thủ bị thương, song vẫn anh dũng chiến đấu với địch có số lượng đông gấp bội. Đến gần sáng, thấy vòng vây của địch ngày càng khép chặt, khả năng thoát hiểm rất mong manh. Chi ủy hội ý, xin mệnh lệnh cấp trên hủy tàu để bảo vệ bí mật con đường Hồ Chí Minh trên biển. 

Nhận được lệnh hủy tàu, thủy thủ chia thành từng nhóm 3-5 người lặng lẽ rời tàu. Chính trị viên, thuyền trưởng ở lại gắn đồng hồ hẹn giờ hủy tàu. 30 phút sau, tiếng nổ long trời của khối thuốc gần 3 tấn cùng 60 tấn vũ khí làm sáng rực cả bầu trời Vàm Lũng. 

Tốp rời tàu sau cùng là thuyền trưởng Phan Xả và các thủy thủ Ngô Chí Bản, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Văn Lân. Tàu cách bờ trên 10 hải lý. Khi bơi vào gần đến bờ thì Thuyền trưởng Phan Xả trúng đạn hy sinh. Thủy thủ Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Văn Lân và một số nữa bơi vào được bờ.

Cũng theo thông tin từ bộ đội địa phương và cán bộ đoàn 962 mà tôi được nghe kể lại: "Hôm sau Nguyễn Hữu Hùng và hai thủy thủ ra biển tìm lương thực, thực phẩm, thấy có người đốt củi ở mép nước nấu ăn, tưởng là bộ đội địa phương. Không ngờ đó là bọn ngụy phục kích. Chúng bắn và truy đuổi. Ông Hùng bị đạn vào bắp chân, ông Lân và ông Bản chạy thoát. Chúng lôi ông Hùng trên bờ biển, tra tấn, đánh đập truy hỏi xem thủy thủ trốn ở đâu, cán bộ tàu đang ở đâu. Ông Hùng một mực không khai. Biết không khai thác được gì chúng trói vào gốc cây, chất củi thiêu sống ông trên bãi biển Vàm Lũng".

Hôm sau, bộ đội địa phương ra tìm và mang xác Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng về an táng tại nghĩa trang Lồng Chim, tỉnh Cà Mau. Sau này hài cốt của Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Nhớ về người con đất Tây Mỗ - Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng - Ảnh 3.

Tượng đài Di tích lịch sử văn hóa Bến Vàm Lũng tại Cà Mau ngày nay. Ảnh: Tư liệu

Sau này, Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Ngày 13/4 năm 2012, được sự giúp đỡ của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và nhân dân xã Đầm Rơi, ông Nguyễn Hữu Thế, em trai liệt sĩ đã đưa hài cốt ông về đất mẹ Tây Mỗ. Tại lễ truy điệu, có đông đủ các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân phường Tây Mỗ, ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch UBND xã Đầm Rơi, tỉnh Cà Mau; thủy thủ trưởng tàu 69B Phạm Văn Hợi, thợ máy Nguyễn Văn Khá và 20 đồng đội Đoàn tàu Không số đã có mặt, đưa tiễn Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng về nơi an nghỉ tại quê nhà.

Các thế hệ hôm nay mãi ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng vì Tổ quốc của các liệt sĩ. 

Vào ngày 27/7 hàng năm, với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các cháu học sinh địa phương đều đến nghĩa trang Tây – Đại Mỗ dâng hương trước đài liệt sĩ, nơi đó có Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng yên nghỉ.

Chúng tôi đọc trước mộ anh - Liệt sĩ Nguyễn Hữu Hùng những câu thơ trong bài "Chào Xuân 67" của nhà thơ Tố Hữu:

Ở đâu? Mỗi ngọn núi dòng sông

Cũng hiển hách chiến công

Lừng danh dũng sĩ.

Ở đâu? Một mũi chông, một ngọn tầm vông

Cũng hiên ngang như trường thành, chiến luỹ.

Và ở đâu? Trên trái đất này

Người vẫn ngọt ngào qua muôn nỗi đắng cay

Sống chết từng giây, mưa bom bão đạn

Lòng nóng bỏng căm thù vẫn mát tươi tình bạn.