Học Ngữ văn có nhất thiết phải soạn bài?

Mạnh Quân
06:00 - 20/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Soạn bài và chuẩn bị bài trước khi tới lớp là việc làm cần thiết đối với tất cả các môn học, không riêng gì môn Ngữ văn. Tuy nhiên, tùy vào từng hoàn cảnh, bài học cụ thể mà giáo viên có thể áp dụng linh hoạt phương pháp học không phải soạn bài.

Thầy Trần Văn Hiếu, giáo viên môn Ngữ văn của trường liên cấp QTHSCHOOL tại Thanh Hóa cho biết thầy không áp dụng việc soạn văn cho học sinh. Bởi theo thầy, các em hoàn toàn có thể sao chép câu trả lời từ sách tham khảo hay Internet. Từ đó, vô hình chung biến việc soạn bài trở thành việc làm phi khoa học, cứng nhắc và đối phó. 

Linh hoạt trong học ngữ văn 

Thay vào đó, trước mỗi văn bản đọc dài, thầy yêu cầu các em đọc trước ở nhà, xác định nhân vật, sự kiện chính để tạo tâm thế sẵn sàng cho những tiết học trên lớp.

photo-1663573162768

Học Ngữ văn không nhất thiết phải soạn bài từ nhà mà có thể thảo luận nhóm trên lớp. Ảnh: Mạnh Quân

Thầy Hiếu chia sẻ: "Soạn bài theo cách trả lời những câu hỏi trong sách giáo khoa và sách bài tập là việc làm vô cùng nhàm chán với các học sinh. Vì trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet và sách tham khảo, học sinh sẽ chỉ chép câu trả lời vào vở mà không hiểu bản chất của câu hỏi là gì".

Thay vì soạn bài theo cách truyền thống, giáo viên có thể soạn phiếu chuẩn bị bài với những câu hỏi được xây dựng kĩ càng, bám sát nội dung bài học và không có trong sách giáo khoa. Từ đó kích thích khả năng tư duy của học sinh, đòi hỏi các em phải thực sự đọc văn bản thì mới có thể trả lời được.

Bên cạnh việc chuẩn bị bài theo phiếu học tập ở nhà, theo thầy Hiếu, trong quá trình dạy, giáo viên cũng cần linh hoạt và áp dụng hiệu quả các phương pháp cũng như kĩ thuật dạy học tích cực. "Căn cứ vào năng lực của học sinh, tôi sẽ có những phương pháp dạy học phù hợp. Chẳng hạn với nhóm khá, giỏi, tôi cho các em hoạt động nhóm và thuyết trình để rèn luyện kĩ năng nói, kĩ năng thảo luận và tinh thần hợp tác. Với các bạn học chỉ ở mức trung bình và dưới trung bình thì tăng cường việc kiểm tra bài cũ cũng như rèn luyện chữ viết, kĩ năng trình bày bài văn…", thầy Hiếu nói.

photo-1663573165358

Thảo luận nhóm là phương pháp thường được áp dụng ở môn Ngữ văn. Ảnh: Mạnh Quân

Học Ngữ văn bằng tình huống cụ thể - tại sao không?

Chia sẻ cụ thể hơn về việc áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, thầy Hiếu cho biết: "Khi dạy tới bài "Bắt nạt" trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tôi cho học sinh đóng kịch, xây dựng các tình huống thường gặp trong chủ đề "Bắt nạt trong học đường" để kích thích sự sáng tạo và tăng cảm hứng cho môn học. 

Các em sẽ đưa ra hướng giải quyết cho những tình huống là người bị bắt nạt, là người chứng kiến cảnh bắt nạt. Còn với chủ đề nói và nghe ở Bài 1 trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7, tập 1 cùng bộ sách, tôi lại cho các em chia nhóm và làm bài thuyết trình để chấm điểm theo các tiêu chí về nội dung, hình thức trình bày, giải đáp câu hỏi… 

Các em được tự do lựa chọn chủ đề để nói nên thường rất hứng thú. Những chủ đề nóng nhất hiện nay như lừa đảo trên mạng xã hội, tình yêu ở lứa tuổi học trò, bảo vệ môi trường hay bạo lực học đường đều được các em khai thác một cách triệt để".

Như vậy, để học môn Ngữ văn hiệu quả, thầy cô không nhất thiết phải yêu cầu học sinh soạn bài trước khi tới lớp. Thay vào đó, giáo viên có thể hoàn toàn linh động trong việc cho học sinh chuẩn bị bài bằng phiếu học tập tại nhà. Khi lên lớp, thầy cô cần áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực để mang lại hiệu quả cao hơn cho môn học. Và đặc biệt là tạo được cảm hứng cho học sinh ở bộ môn Ngữ văn.

Bình luận của bạn

Bình luận