Giảm áp lực cho giáo viên chính là giảm tải cho ngành giáo dục

Nguyễn Khanh
19:10 - 07/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngoài chuyên tâm cho giáo án, bài giảng mỗi tuần theo số tiết qui định của ngành thì giáo viên mất quá nhiều thời gian cho những việc ngoài chuyên môn.

Khối lượng công việc ngập đầu ngoài giáo án

Theo qui định hiện hành, giáo viên cấp Tiểu học đang có định mức 23 tiết/ tuần, giáo viên Trung học cơ sở 19 tiết/ tuần, giáo viên Trung học phổ thông 17 tiết/ tuần. Trên thực tế, số tiết định mức này chẳng thấm tháp vào đâu.

Người ngoài nhìn vào số tiết định mức hàng tuần của giáo viên như vậy mà tính mỗi tiết nhân với 35 phút ở cấp Tiểu học và 45 phút đối với 2 cấp học còn lại thì ai cũng nghĩ làm giáo viên quá nhàn. Nếu so với cán bộ công chức làm hành chính 40 tiếng/ tuần thì thấm vào đâu. Nhiều người còn cho rằng có chừng ấy bài học, năm này qua năm khác đâu cần thiết phải soạn giáo án vì chỉ cần làm một năm là sử dụng cho nhiều năm sau đó.

Nhưng, thực tế đâu phải vậy. Giáo viên thời nay, dạy trên lớp không phải là điều đáng sợ mà những công việc qui định của đơn vị, những công việc ngoài giáo án mới thực là quá tải của giáo viên. 

Đặc biệt, hiện nay, ngành giáo dục đang triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 có quá nhiều công việc khiến cho nhiều giáo viên đuối sức - nhất là những môn học tích hợp phải đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ. Ngoài việc nghiên cứu bài học, phương pháp lên lớp thì điều giáo viên cảm thấy áp lực là những kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512 mà Bộ ban hành ngày 18/12/2020 bởi nó quá nhiều yêu cầu trùng lặp.

Những giáo viên dạy lớp mà kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn hay giáo viên chủ nhiệm thì những công việc không tên, những công việc phát sinh nhiều vô kể. Đối với những tổ trưởng tổ ghép không chỉ vất vả khi phải làm kế hoạch, báo cáo thường xuyên mà họ còn phải cáng đáng nhiều công việc khác nhau liên quan đến tổ chuyên môn mà mình phụ trách. Ngoài số tiết dạy theo qui định họ còn lo xây dựng các tiết thao giảng cho tổ chuyên môn; kiểm tra nội bộ hàng tháng, xây dựng các kế hoạch, báo cáo cho Ban giám hiệu, dự giờ đánh giá đồng nghiệp, dạy thay đồng nghiệp khi có công việc đột xuất, ôn thi học sinh giỏi, chấm giáo viên dạy giỏi cấp trường, hội họp triền miên cùng Ban giám hiệu và các đoàn thể trong nhà trường.

Nhiều tổ trưởng chuyên môn than rằng có những tuần phải dự tới 5 cuộc họp (họp tổ trưởng, họp tổ chuyên môn; họp chi bộ; họp Ban chấp hành công đoàn, họp hội đồng sư phạm nhà trường). Ban ngày thì lo công việc ở trường, tối về lo giáo án của hai khối và chấm bài kiểm tra cho học sinh khiến một số thầy cô lớn tuổi cảm thấy đuối sức trước những công việc được giao.

Những thầy cô giáo kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm thì ngoài việc giảng dạy họ phải quản lý lớp, vận động học sinh có nguy cơ bỏ học, xử lý khi học sinh vi phạm, tham gia các hoạt động ngoại khóa khi Đoàn - Đội phát động, tổ chức. Đặc biệt là thu các khoản tiền đầu năm học. Bao nhiêu khoản tiền trường đều phải qua tay giáo viên chủ nhiệm. Nên chỉ chuyện thu tiền, nộp cho kế toán, nhắc nhở học trò nộp tiền nhiều khi cũng đau đầu, nhất là những giáo viên chủ nhiệm ở những vùng kinh tế khó khăn. Thế nhưng, nhiều khi họ còn bị phụ huynh hiểu nhầm khi thu các khoản tiền là do giáo viên chủ nhiệm đưa ra. Song, giáo viên chủ nhiệm nào dám đưa ra các khoản thu cho nhà trường, mọi khoản thu đều là thực hiện mệnh lệnh của hiệu trưởng nhà trường.

Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục

Trong các môn học hiện nay, môn Ngữ văn có lượng bài kiểm tra tương đối nhiều nên việc chấm trả cho các em cũng đã chiếm một lượng lớn thời gian của giáo viên ở nhà. Chẳng hạn, theo qui định hiện nay, môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở mỗi học kỳ sẽ có 4 bài kiểm tra thường xuyên, 2 bài kiểm tra định kỳ. Mỗi giáo viên dạy từ 4-5 lớp (khoảng trên dưới 200 học sinh) sẽ nhân lên với 6 bài kiểm tra/ học sinh. Mỗi học kỳ, giáo viên phải chấm đến trên 1.000 bài kiểm tra và phần lớn là chấm vào ban đêm hoặc những ngày nghỉ, những lúc không có tiết trên lớp.

Ngoài ra, nhiều giáo viên còn phải thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề, tiết ngoại khóa, tham gia các phong trào thi đua như viết sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi, ôn thi học sinh giỏi các cấp. Tìm hiểu các cuộc thi do ngành, ngoài ngành phát động thường xuyên. Hai năm học vừa qua thì vừa đi dạy, vừa tham gia tập huấn và làm bài tập cho 9 module chương trình mới với những nội dung dài dằng dặc theo yêu cầu của Bộ.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai được gần một nửa chặng đường và có rất nhiều công việc đòi hỏi giáo viên phải thực hiện, phải tiếp cận những cái mới để đưa vào trong từng bài giảng. Thế nhưng, hiện giáo viên đang có quá nhiều việc, quá nhiều hồ sơ sổ sách và quá nhiều những cuộc họp như vậy thì liệu người thầy có còn đảm bảo được chuyên môn hay không, có dạy tốt được hay không?

Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt hồ sơ không cần thiết, không thiết thực và trả lại vị trí người thầy lấy việc giảng dạy, đầu tư cho chuyên môn là chính. Sự đổi mới giáo dục cần thiết phải giảm tải và giải phóng những công việc vô hình thì mới khích lệ giáo viên tự học, tự tìm tòi và hướng tới đổi mới chất lượng giáo dục. Ngược bằng không, vẫn nặng về hồ sơ sổ sách, vẫn họp hành liên miên và các cấp liên tục phát động, tổ chức quá nhiều hội thi, cuộc thi sẽ khiến cho giáo viên quá tải.

Bình luận của bạn

Bình luận