Gia đình, nhà trường cần làm gì để phòng ngừa tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em?

Quỳnh Giang
15:18 - 22/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hậu quả của những vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất nặng nề với nạn nhân, gia đình và cả xã hội. Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị bắt cóc, chiếm đoạt, gia đình và nhà trường cần giáo dục các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ, giúp trẻ hình thành nên kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc.

Điều kiện phát sinh tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em

Theo các chuyên gia tội phạm học, nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, trước hết là do sự chủ quan, lơ đãng và bất cẩn, mất cảnh giác của cha mẹ, người thân trong việc trông coi trẻ em, thiếu sự giáo dục kỹ năng phòng chống bắt cóc của người lớn đối với trẻ em. Trẻ thiếu kỹ năng phòng chống bắt cóc, chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, đời sống khó khăn - nhất là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều người không có việc làm, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút ma túy… đang gia tăng đáng báo động; lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, sự băng hoại xuống cấp về đạo đức của một số nhóm người nhất định trong xã hội… là những tác nhân trực tiếp dẫn đến tình hình tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em diễn biến phức tạp.

Túng quẫn nên... làm liều

Theo lời khai của nghi phạm Nguyễn Thị Tuyến trong vụ bắt cóc bé sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội: Tuyến là công nhân làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Thời gian gần đây, do cả tin nên Nguyễn Thị Tuyến đã mắc bẫy kẻ lừa đảo trên mạng, bị chiếm đoạt số tiền hơn 10 triệu đồng.

Đang lúc túng quẫn, Tuyến biết một đồng nghiệp muốn tìm trẻ sơ sinh để nhận làm con nuôi. Tuyến tin rằng nếu kiếm được trẻ sơ sinh cho đồng nghiệp thì chắc chắn sẽ được cảm ơn, bù đắp khoản tiền bị lừa.

Thực hiện hành vi phạm tội, khoảng 20 giờ ngày 19/8, Tuyến tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, cách chỗ làm việc khoảng 2 km. Tuyến sau đó kiếm được áo blouse trắng rồi lẻn vào khoa Sản, giả làm nhân viên y tế để tìm kiếm trẻ sơ sinh. Do đây là khoảng thời gian thăm nom trẻ nên Tuyến đã dễ dàng di chuyển, quan sát. Sau đó, Tuyến nói với gia đình một trẻ sơ sinh là cháu bé có dấu hiệu bị vàng da, phải đưa đi kiểm tra.

Bà của cháu bé đã đi theo nghi phạm. Điều này khiến Tuyến bối rối. Nghi phạm sau đó đi lung tung, cuối cùng rẽ vào phòng mổ.

Lúc này, một bác sĩ là phó trưởng khoa Sản đã phát hiện điều bất thường nên bế cháu bé. Nghi phạm bỏ chạy nhưng lực lượng bảo vệ của bệnh viện đã bắt giữ.

Gia đình, nhà trường cần làm gì để phòng ngừa tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em? - Ảnh 2.

Nghi phạm Nguyễn Thị Tuyến trong vụ bắt cóc bé sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Hậu quả nặng nề chỉ từ giây phút bất cẩn của người lớn

Hậu quả của những vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất nặng nề với nạn nhân, gia đình và cả xã hội.

Tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em có thể trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa, uy hiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của trẻ em bị bắt cóc, chiếm đoạt. Điều này gây hoang mang, sợ hãi, đau khổ trong gia đình nạn nhân hoặc thậm chí xâm hại tài sản của gia đình nạn nhân.

Những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của trẻ, nhất là ghi dấu trong tiềm thức những đứa trẻ sự mất niềm tin vào con người. Từ đó, gây ra những di chứng có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ em.

Những vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội; tạo tâm lý bất an, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, hạnh phúc của nhiều gia đình. Hơn nữa, còn tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến phong tục tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của nhà nước.

Cần làm gì để phòng ngừa tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em?

Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị bắt cóc, chiếm đoạt, gia đình, nhà trường cần giáo dục các kỹ năng sống cho trẻ. Đặt ra các tình huống giả định để trẻ học cách phân biệt, ứng xử và rèn luyện thường xuyên. Từ đó giúp trẻ hình thành nên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc.

Chia sẻ với "Công dân & Khuyến học", cô Dương Thị Linh - giáo viên mầm non nhóm lớp 2019, trường Mầm non Bông Hồng Kiến Hưng (địa chỉ: Liền kề 1, vị trí 6-Khu nhà ở Bemes, Phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết:

"Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ ngay từ những năm học đầu tiên trong đời có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên tính cách tự lập và ứng xử đúng đắn của trẻ. Trong buổi học về cách ứng phó khi gặp người lạ do cô giáo Phạm Thị Quỳnh - giáo viên mầm non nhóm lớp 2019, trường Mầm non Bông Hồng Kiến Hưng đóng giả, phản ứng tâm lý của các con đều rất sợ, nhiều con la khóc, thậm chí tự vệ bằng cách đánh lại người lạ, không đi theo người lạ vì sợ bị bắt đi. Mục đích của buổi học là giúp trẻ nhận biết được người lạ có thể gây nguy hiểm cho các con và dạy các con biết cách ứng xử khi gặp phải tình huống này. Cụ thể: Các con không được đi theo người lạ, không được ăn bất cứ thứ gì của người lạ cho. Nếu người lạ ép ăn thì các con phải giẫy đạp và hét thật to. Khi về nhà, các con cần kể chuyện cho bố mẹ nghe để gia đình có cách đề phòng kẻ xấu...".

Gia đình, nhà trường cần làm gì để phòng ngừa tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em? - Ảnh 3.

Buổi học về cách ứng phó khi gặp người lạ ở trường Mầm non Bông Hồng Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Giang

Dạy trẻ ứng phó khi gặp người lạ

Theo các chuyên gia tội phạm học, bố mẹ cần dạy cho trẻ biết những người lạ nào có thể tin tưởng. Đó là thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, bảo vệ nhà trường, nhân viên cửa hàng. Đặc điểm chung của những người này là họ thường mặc quần áo đồng phục hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường. Với những người này, khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể nhờ giúp đỡ để thoái khỏi nguy cơ bị bắt cóc, chiếm đoạt và liên lạc ngay với bố mẹ của mình.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần dạy trẻ ghi nhớ họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ. Tuy nhiên, phải giữ bí mật những thông tin này và chỉ nói với "những người lạ có thể tin tưởng".

Gia đình, nhà trường cũng cần dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, trẻ phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho bố mẹ hoặc những "người lạ có thể tin tưởng" ở gần đó.

Đồng thời, cần dạy trẻ không được đăng công khai những thông tin cá nhân lên trên các trang internet, như: Họ tên đầy đủ, tên của những thành viên trong gia đình, số điện thoại, địa chỉ hoặc trường học của mình, anh em mình. Bởi vì tội phạm bắt cóc có thể lập nick giả, làm quen kết bạn rồi rủ trẻ đi chơi, đi thăm quan, du lịch, xem phim… rồi tận dụng thời cơ để bắt cóc, chiếm đoạt trẻ.

Bố mẹ, người thân trong gia đình tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (facebook, zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình. Vì hiện nay tội phạm thường "tăm tia, săn mồi" ngay từ các trang Facebook.

Trong trường hợp xảy ra trẻ bị bắt cóc, bố mẹ, gia đình của trẻ cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án.

Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Đối với từ 2 người đến 5 người;

đ) Phạm tội 2 lần trở lên;

e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đối với 6 người trở lên;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.