Dành những gì tốt nhất cho trẻ em

Nguyễn Năng Lực
00:00 - 14/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hơn 5,3 triệu trẻ em được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non.

"Trẻ em như búp trên cành"

Thỉnh thoảng, ta có thể bắt gặp những video clip rất thú vị của một trường mầm non nào đó trên Facebook.

Trong một videoclip, các bé độ 3, 4 tuổi đóng vai hành khách đi xe bus. Một bé ngồi trước, tay cầm "vô lăng" say sưa ngả nghiêng vặn qua vặn lại. Đằng sau bé là hai dãy ghế "hành khách". Một "ông cụ" lưng còng, một tay vắt sau lưng, tay kia chống gậy chậm rãi đi vào. Ngay lập tức, một "hành khách" ngồi hàng ghế trên đứng dậy nhường chỗ. Lát sau, một "thiếu phụ" bụng chửa vượt mặt nặng nhọc "lên xe", rồi một em bé khoác ba lô ngơ ngác vào. Tất cả đều được các "hành khách" nhí ân cần nhường chỗ. Các bé coi đấy là trò chơi hấp dẫn.

Ở một clip khác, đạo cụ là cái ổ cắm điện dây dài. Cô giáo giả vờ chạm vào ổ cắm rồi ngã vật ra. Một bé chạy lại cứu, vừa chạm vào cô, bé cũng ngã lăn ra, hai chân giẫy giẫy. Cuối cùng, một bé cầm cây gậy gạt sợi dây điện khỏi tay cô, cả hai "nạn nhân" bừng tỉnh ngồi dậy cười vui vẻ.

"Dành những gì tốt nhất cho trẻ em" - Ảnh 1.

Trẻ học về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ nhân Lễ Vu Lan. Ảnh: Kidtalent

Cũng trên trang Facebook ấy, đúng ngày Lễ Vu Lan, các cô đưa hình ảnh các cháu tề tựu đông đủ, trên tay mỗi cháu là một bông hoa nến, cây nến trong bông hoa. Chỉ nhìn hình ảnh, có thể biết các cô đã dạy cháu bài học về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ như thế nào.

Đấy là bài học thực hành "Phát triển tình cảm và kĩ năng xã hội" do các cô giáo tự soạn kịch bản và phân vai cho các bé đóng, các bạn xung quanh theo dõi một cách thích thú. Ta có thể bắt gặp những lớp mầm non như thế ở trong ngõ nhỏ khu dân cư hay làng xóm ngoại thành, thị tứ nông thôn.

Tuổi mẫu giáo, mầm non là lứa tuổi quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Cha mẹ bận đi làm, suốt ngày các bé ở trường với cô và các bạn, nếu cô giáo có kiến thức và lòng yêu trẻ, sẽ dạy các cháu những điều hay, lẽ phải, cho các cháu vừa chơi vừa học những bài học làm người từ thủa ấu thơ, để sau này lớn lên, các cháu là những người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.

Hơn 5, 3 triệu trẻ em được chăm sóc tại cơ sở mầm non, mẫu giáo

Theo số liệu của ngành Giáo dục, cả nước hiện có gần 16.000 trường mầm non với hơn 202.000 phòng học, trong đó có gần 157.000 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ gần 78%. Về đội ngũ, cả nước có hơn 365.000 giáo viên mầm non, tăng gần 150.000 giáo viên so với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (2010) cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,82 giáo viên/lớp.

Đáng chú ý là tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng tăng. Cả nước hiện có hơn 5,3 triệu trẻ em được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có hơn 1,6 triệu trẻ em 5 tuổi, đạt 99,6% tổng số trẻ trong độ tuổi.

Điều đặc biệt là đã nhiều năm, ngành Giáo dục không đưa ra chương trình cải cách nào với bậc học mầm non như bậc học phổ thông.

"Dành những gì tốt nhất cho trẻ em" - Ảnh 2.

Cháu vui đón Tết Trung thu. Ảnh: Kidtalent

Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, mục tiêu của Chương trình giáo dục mầm non khá toàn diện. Những mục tiêu ấy là:

- Giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, bước đầu hình thành nhân cách và chuẩn bị cho trẻ vào lớp một.

- Hình thành và phát triển cho trẻ những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng.

- Rèn luyện những kĩ năng cần thiết phù hợp với từng lứa tuổi

- Khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng vốn có của trẻ, đặt nền tảng vững chắc cho việc học tập của trẻ ở những cấp bậc tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.

Đối với bậc học Mẫu giáo, mục tiêu chính được cụ thể hóa với những nội dung: Phát triển thể chất; Phát triển nhận thức; Phát triển ngôn ngữ; Phát triển tình cảm, thẩm mỹ và kỹ năng xã hội

Ngoài hệ thống trường mầm non công lập, cả nước hiện có hàng chục nghìn cơ sở mầm non dân lập, tư thục thành lập theo phương thức xã hội hoá. Đáng mừng là có rất nhiều người quản lý cơ sở mầm non được đào tạo cơ bản tại khoa Mầm non các trường đại học Sư phạm trong nước và nước ngoài. 

Họ đem tình yêu trẻ và kiến thức học được từ nhà trường xây dựng nên chương trình học tập, nuôi dưỡng trẻ một cách khoa học, bảo đảm cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và dần hình thành kĩ năng sống chuẩn mực, chuẩn bị cho trẻ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong những giai đoạn sau.

Cứ nhìn đứa trẻ khi cha mẹ đón về thì lưu luyến, chỉ muốn  "cho con chơi thêm một lát nữa", và buổi sáng khi đến trường thì háo hức, chạy vội vào với cô và các bạn đủ biết trường mầm non ấy tốt hay chưa.

Hiện nay, có những trường "tiêu chuẩn quốc tế" thu học phí cả chục triệu đồng mỗi tháng, có những trường bình dân hơn, học phí chỉ 3-4 triệu đồng, nhưng có lẽ chỉ hơn kém nhau ở cơ sở vật chất là chính, còn hiệu quả giáo dục phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, bước đầu hình thành nhân cách… chưa chắc đã hơn kém nhau.

"Dành những gì tốt nhất cho trẻ em" - Ảnh 3.

Dù còn khó khăn, cô trò mầm non vúng cao vẫn bảo đảm chương trình.. Ảnh: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Ở những vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn, thật đau lòng khi có những cơ sở mầm non hoạt động trong khó khăn, thiếu thốn. Buổi sáng cha mẹ dắt con đến lớp, mang theo suất ăn trưa cho con chỉ là ít cháo, cơm, mèn mén với ít thức mặn. 

Ở lớp, các cô nếu có nấu ăn cho cháu cũng chỉ là nồi canh lễnh loãng, hôm nào sang lắm thì có gói mì tôm thêm vào nồi canh . Thế nhưng cô trò vẫn cố gắng bảo đảm chương trình. Các con vẫn được học múa, học hát, học ứng xử với ông bà, cha mẹ. 

Dành những gì tốt nhất cho trẻ em

Nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều chương trình thiện nguyện với những cuộc vận động "Cơm có thịt", "Sữa học đường"… cho trẻ mầm non và phổ thông vùng sâu, vùng xa giúp cô trò vơi bớt khó khăn. Tiếng hát non nớt từ những cái miệng xinh xinh trên khuôn mặt ngây thơ, "Cô ơi cô…", "Cháu yêu bà…" gieo vào lòng người một niềm tin, hi vọng vào tương lai sáng sủa hơn.

Hoạt động của các cơ sở mầm non được ngành chức năng  và cha mẹ học sinh giám sát chặt chẽ. Đã từng xảy ra những chuyện đau lòng khi cô giáo bạo hành với trẻ, đặc biệt ở những nhóm trẻ tư nhân quy mô nhỏ tự phát thành lập.

Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ rất hiếm khi xảy ra ở những cơ sở mầm non tư thục, dân lập và công lập. Có lẽ vụ cô giáo bạo hành trẻ tại Trường Mầm non 30-4, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 4/2018 là trường hợp gần nhất được phản ánh trên báo chí.

"Trẻ em như búp trên cành", với phương châm"Dành tất cả những gi tốt nhất cho trẻ", Đảng, Nhà nước cùng với gia đình, nhà trường và cả xã hội đang quan tâm chăm lo cho những mầm non tương lai của đất nước.

Bình luận của bạn

Bình luận