Hình phạt nào cho kẻ bắt cóc bé sơ sinh ở BVĐK huyện Chương Mỹ, Hà Nội?
Công an huyện Chương Mỹ đã tạm giữ hình sự đối tượng giả danh nhân viên y tế thực hiện hành vi bắt cóc bé sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội để điều tra về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi". Vậy hình phạt nào sẽ dành cho đối tượng này?
Tạm giữ hình sự kẻ đóng giả nhân viên y tế để bắt cóc bé sơ sinh
Trả lời báo giới, theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, Hà Nội: Nghi phạm bắt cóc trẻ sơ sinh tên Nguyễn Thị Tuyến, sinh năm 1989 ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Công an huyện Chương Mỹ đã tạm giữ hình sự đối tượng này để điều tra về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi". Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.
Theo VTC, tối 20/8, trả lời phóng viên, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội xác nhận, tại bệnh viện vừa xảy ra vụ giả nhân viên y tế để bắt cóc trẻ sơ sinh.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, chị N.T.H., sinh năm 1983, ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nhập viện và sinh mổ một bé trai.
Khoảng 20h ngày 19/8, một phụ nữ mặc áo blouse trắng đi thăm khám các trẻ sơ sinh tại khoa. Người này nói con trai chị H. bị vàng da, cần đưa đi điều trị và bế cháu bé đi. Bà nội cháu bé thấy nhiều dấu hiệu bất thường nên nghi ngờ đi theo.
Khi vừa đi được một đoạn, bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Phó khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ - người trực tiếp phẫu thuật sinh mổ cho sản phụ H. bắt gặp kẻ này. Thấy người lạ mặt, không mặc áo blouse in logo bệnh viện, bác sĩ Thành liền chặn lại hỏi và giành lại cháu bé từ tay kẻ bắt cóc.
Người phụ nữ kia sợ hãi vội bỏ chạy nhưng lực lượng bảo vệ đã bắt giữ và bàn giao công an.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ cho biết thêm: Cán bộ bệnh viện thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình cháu bé, đồng thời báo cáo vụ việc lên Sở Y tế Hà Nội. Sắp tới lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ sẽ có hình thức tuyên dương, khen thưởng cán bộ y tế phát hiện kịp thời, ngăn chặn vụ bắt cóc.
Còn nhớ trước đó vào tháng 8/2020, tại Bắc Ninh cũng đã xảy ra vụ bắt cóc bé trai 2 tuổi - Nguyễn Cao Gia Bảo, sinh năm 2018 – con của anh Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1983, ở Khúc Toại, Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh gây xôn xao dư luận.
Đối tượng bắt cóc bé Gia Bảo là Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1988, quê quán ở Tổ 5, phường Hợp Giang, Thành phố Cao bằng, tỉnh Cao Bằng. Theo lời khai, đối tượng Thu đã có ý định bắt cóc cháu bé từ 1 ngày trước. Trong khoảng thời gian này, đối tượng đã 2 lần "lượn lờ" ở khu vực Công viên Nguyễn Văn Cừ, phường Đại Phúc, Thành phố Bắc Ninh - nơi bắt cóc cháu Gia Bảo, để tìm mục tiêu.
Theo đó, vào chiều 21/8/2020, anh Hưng đón con trai 2 tuổi (cháu Gia Bảo) đi học về, sau đó đưa con ra công viên Nguyễn Văn Cừ chơi và để lạc mất con.
Nhận được thông tin, Công an thành phố Bắc Ninh đã khẩn trương huy động các lực lượng truy tìm, đồng thời tăng cường chó nghiệp vụ lùng sục khắp nơi từ công viên đến bệnh viện, bãi rác, nhà bóng, khu vui chơi, ao, hồ... đồng thời trích xuất các camera an ninh quanh khu vực để tìm manh mối cháu bé.
Đến tối 22/8/2020, cơ quan chức năng đã tìm thấy cháu Gia Bảo tại nhà đối tượng Nguyễn Thị Thu. Thu quê ở Cao Bằng nhưng đang ở cùng người yêu tại xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Thủ đoạn bắt cóc trẻ em ngày càng tinh vi, xảo trá và khó lường
Theo thông tin được chia sẻ trên VTV, trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho biết: Tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để tống tiền cha mẹ hiện nay đang diễn biến hết sức nguy hiểm và khó lường tại Việt Nam, với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, cùng thủ đoạn gây án tinh vi, tính chất ngày càng táo tợn, liều lĩnh.
Bọn tội phạm có thể sử dụng những "chiêu thức" như: phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, hay đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn (chạy lăng xăng), đối tượng tìm cách tiếp cận, bắt quen rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ em đi theo chúng; Giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở… để đưa đi.
Đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại các bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh. Có trường hợp chúng giả danh thân nhân sản phụ, ngang nhiên đón trẻ sơ sinh từ tay y tá rồi bế đi.
Lợi dụng quan hệ quen biết hoặc lòng tốt của người dân, đối tượng tạo hoàn cảnh khó khăn để xin ngủ nhờ, rồi nhân lúc người nhà đang say giấc, chúng ra tay bắt cóc hoặc cướp luôn đứa trẻ rồi tẩu thoát. Tấn công vào các gia đình, giết bố mẹ, người lớn… để bắt cóc trẻ em (ở các khu vực biên giới).
Theo dõi những phụ nữ chở con nhỏ đi trên đường, không đeo đai an toàn, đối tượng chủ động va quệt xe vào họ gây tai nạn. Trong lúc bà mẹ đang nằm ra đường, đồng bọn của chúng vờ là người đi đường tốt bụng bế đứa trẻ lên rồi phóng đi.
Bắt cóc chính con, em, cháu ruột của mình để tống tiền người thân; Trẻ em bị lạc bố mẹ, lạc đường về nhà đứng khóc tại vỉa hè, đường sá, đối tượng đến dỗ dành, tỏ ra đáng tin cậy rồi lừa đưa các cháu đi.
Lợi dụng tình trạng khó khăn của trẻ em đường phố (đi ăn xin, bán báo, đánh giày…) để dụ dỗ, lừa gạt hoặc dùng vũ lực bắt đi.
Cướp giật trẻ nhỏ trên tay người mẹ tại các nơi công cộng như chợ, siêu thị, đường sá. Đối tượng lợi dụng quen biết với gia đình, với trẻ, đón lõng các cháu trên đường đi học về, rủ đi chơi, xin đi nhờ…rồi bắt cóc tống tiền hoặc cướp tài sản.
Bắt cóc trẻ em tại khu vực biên giới để đưa sang nước ngoài, yêu cầu người mẹ mang tiền chuộc con, bắt nốt mẹ đem bán vào các động mại dâm hoặc bán làm vợ cho người nước ngoài.
Kết bạn với trẻ qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… rồi rủ rê đi chơi, tham quan, xem phim với chúng để bắt cóc, chiếm đoạt.
Có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào
Đối tượng gây ra những vụ bắt cóc trẻ em có thể là bất kỳ ai, kể cả bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm con.
Đặc biệt là đối tượng lưu manh hình sự, tù tha, nghiện hút ma túy, không có công ăn việc làm, thua nợ bóng đá, lô đề, cờ bạc.
Các đối tượng phạm tội chuyên nghiệp thường hoạt động theo băng nhóm, có từ 2 tên trở lên. Với những vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản có dự mưu từ trước.
Trước khi gây án, chúng luôn xác định mục tiêu, thường là nhằm vào các gia đình giàu có, khá giá. Sau đó, chúng tiến hành nghiên cứu, thăm dò quy luật sinh hoạt của các thành viên trong gia đình nạn nhân, nhận mặt đứa trẻ muốn bắt, theo dõi hành trình di chuyển của bé, khảo sát địa hình và tình hình ở nơi gửi trẻ, trường học của trẻ, nắm tình hình kinh tế trong gia đình, dò hỏi số điện thoại của cha mẹ đứa trẻ. Sau đó, các đối tượng lên kịch bản, phương án tiếp cận để dụ dỗ, lừa gạt hay khống chế bắt cóc đứa trẻ và phân công nhiệm vụ cho từng tên trong ổ nhóm.
Khi bắt cóc, chiếm đoạt được đứa trẻ, chúng bố trí nơi giam giữ, tổ chức canh gác con tin rồi tính toán biện pháp liên lạc về gia đình nạn nhân để đưa yêu sách về tiền, tài sản. Phân công kẻ giao dịch với gia đình nạn nhân, nhận tiền. Với những vụ phạm tội có tính chất cơ hội, nhất thời bột phát, kẻ phạm tội thấy điều kiện thuận lợi như trẻ em đi một mình ngoài đường, không có người lớn trông nom, chúng tiếp cận dụ dỗ lừa gạt hoặc dùng vũ lực khống chế rồi chở đi.
Đến nơi giam giữ chúng mới truy hỏi nạn nhân về gia đình, lấy số điện thoại của cha mẹ đứa trẻ để gọi tống tiền. Trong những vụ án loại này, thủ phạm có thể chỉ là 1 tên. Để đảm bảo không bị gia đình nạn nhân tố cáo, trình báo với cơ quan Công an, bọn chúng thường gây áp lực tinh thần với cha mẹ đứa trẻ, bằng cách đe dọa nếu báo Công an sẽ giết hại hoặc cắt chân, tay… nạn nhân.
Bắt cóc trẻ em để bán
Với những vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để bán lại cho các đường dây buôn người, các đối tượng thường móc nối, liên hệ trước với bọn này, bắt cóc trẻ em theo "đơn đặt hàng". Khi bắt được, chúng tổ chức giao "hàng" qua các khâu trung gian.
Bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để đòi nợ
Trong trường hợp này, kẻ phạm tội sẽ đưa yêu sách trả tiền thì trả người, nếu báo Công an thì con, cháu của họ sẽ chết. Tâm lý kẻ phạm tội sau khi thực hiện hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất sợ bị phát hiện, bắt giữ. Chính nỗi sợ bên trong thúc đẩy chúng có sự cảnh giác, thận trọng cao độ khi giao dịch với gia đình nạn nhân. Chúng thường sử dụng sim rác trong giao dịch, liên tục thay đổi địa điểm giao tiền. Thường chúng yêu cầu để tiền tại các địa điểm công cộng chứ không bao giờ trực tiếp gặp gia đình nạn nhân để nhận tiền, vì sợ bị bắt.
Ngoài ra, nếu phát hiện sự việc đã được trình báo với Công an, chúng sẽ có những hành động trả thù như làm hại tính mạng của con tin rồi bỏ trốn. Sau khi bắt cóc được con tin, nếu đứa trẻ khóc lóc, giãy giụa, la lối làm cho chúng cảm thấy có nguy cơ bị lộ, đã xảy ra nhiều vụ bọn bắt cóc giết chết con tin, đem xác đi giấu, nhưng vẫn gọi điện tống tiền gia đình nạn nhân. Với những vụ bắt cóc trẻ em đem bán, chúng thường cho trẻ em uống thuốc ngủ, thuốc mê để dễ vận chuyển trên các phương tiện giao thông thoát xa địa điểm gây án;
Hình phạt nào cho kẻ bắt cóc trẻ em?
5 năm tù giam cho kẻ bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh
Ngày 30/10/2020, Toà án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1988, trú tại tổ 5, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng về hành vi "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015.
Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo đã bất chấp và muốn chiếm đoạt cháu Nguyễn Cao Gia Bảo. Hành vi phạm tội của bị báo cũng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, gây bức xúc cho dư luận và quần chúng nhân dân.
Theo Hội đồng xét xử, cần phải xét xử nghiêm khắc bị cáo với mức án tương xứng với hành vi phạm tội. Về nhân thân của bị cáo, mặc dù chưa có tiền án, tiền sự nhưng bị cáo Thu có nhân thân xấu, đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần. Quá trình điều tra, bị cáo đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
Theo Hội đồng xét xử, trước và trong phiên tòa gia đình bị hại không có yêu cầu bồi thường, khắc phục tổn hại nên không xem xét. Những vật chứng của vụ án như quần áo, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em... không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy. Còn chiếc điện thoại di động của bị cáo cần được tịch thu, sung vào công quỹ nhà nước. Đối với chiếc xe máy, điện thoại di động của anh Bằng cần trả lại cho anh Bằng.
"Vì những lẽ trên, tòa quyết định tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Thu phạm tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, xử phạt bị cáo 5 năm tù. Thời hạn tù tính từ thời điểm tạm giam, tức ngày 23/8/2020" - Hội đồng xét xử tuyên án.
Phạt tù 15 năm, thậm chí tù chung thân nếu bắt cóc trẻ em nhằm mục đích mua bán
Quyền con người, quyền công dân, quyền tự do, dân chủ, quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe là một trong những quyền cơ bản của con người và được pháp luật bảo vệ.
Quay trở lại vụ việc bắt cóc bé sơ sinh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Để có căn cứ xử lý đối tượng Nguyễn Thị Tuyến, sinh năm 1989 ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội về hành vi "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi", cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ, mục đích bắt cháu bé của đối tượng này để xử lý tương ứng về hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, kẻ bắt cóc trẻ em dưới 16 tuổi có thể bị phạt mức án cao nhất 15 năm tù.
Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 7 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 2 người đến 5 người;
đ) Phạm tội 2 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 6 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu hành vi bắt cóc trẻ em nhằm mục đích mua bán thì sẽ bị xử lý về Tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google