Chỉ 1/3 trẻ em sử dụng internet biết cách giữ an toàn trên không gian mạng

Vân Khánh
17:19 - 03/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thông tin được đưa ra tại Lễ công bố báo cáo quốc gia nghiên cứu "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng" tổ chức chiều 3/8/2022, tại Hà Nội.

Phần lớn trẻ em giấu việc bị bóc lột, xâm hại trên môi trường mạng

Báo cáo nghiên cứu "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng" do ECPAT, INTERPOL và Văn phòng Nghiên cứu UNICEF - Innocenti thực hiện.

Theo kết quả khảo sát, phần lớn những trẻ nói các em từng bị bóc lột và xâm  hại tình dục trên mạng đã không tiết lộ việc bị bóc lột và xâm hại với ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Rất ít trẻ cho biết các em đã kể với người chăm sóc và/hoặc một kênh chính thức, như công an hoặc đường dây trợ giúp. Nhiều khả năng là do trẻ có thể ngại nói cởi mở về chủ đề khá nhạy cảm này.

Chỉ 1/3 trẻ em sử dụng internet biết cách giữ an toàn trên không gian mạng - Ảnh 1.

Trẻ em cần được trang bị những kiến thức cần thiết để đảm bảo an toàn trên môi trường mạng. Ảnh: VnKid

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng ở Việt Nam. 23% trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát). Ngoài ra, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Báo cáo nghiên cứu cho thấy nhiều trẻ thiếu thông tin, nhận thức và kiến thức về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng, điều này càng làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương của các em.

Cũng theo nội dung của báo cáo, các nền tảng mạng xã hội đã được dùng để xác định, kết nối và tạo dựng lòng tin với nạn nhân tương lai. Các tìm kiếm ở cấp độ cơ bản nhất liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phổ biến trong giai đoạn báo cáo, gồm cả các tìm kiếm bằng tiếng Anh về nội dung mô tả hoạt động tình dục với và giữa thanh thiếu niên, với trẻ em và với trẻ sơ sinh.

Trẻ em chịu nhiều hình thức bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng

Báo cáo nghiên cứu cho thấy, trẻ em đã chịu nhiều hình thức bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng: 8% trẻ em độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet đã từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân khiến các em không thoải mái trong năm qua (12 tháng trước khảo sát). 43% không nói với ai rằng việc này đã xảy ra, chủ yếu vì trẻ cho rằng sẽ chẳng giải quyết được việc gì/chẳng làm được gì nếu các em kể lại vụ việc đó. Có đến 5% trẻ từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Gần một nửa trong số này đã không kể với ai vì không biết phải kể với ai. 2% trẻ đã được yêu cầu nói chuyện về tình dục khi trẻ không muốn.

Các nhà nghiên cứu tham gia Dự án nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam tin rằng những phát hiện này chỉ là một bức tranh nhanh cho thấy hiện trạng bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng ở Việt Nam. Do vậy, vấn đề này cần được ưu tiên. Chỉ 36% trẻ tham gia khảo sát đã được dạy về vai trò quan trọng của việc giữ an toàn trên mạng, điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề này ở trong nước.

Ngoài ra, cần tăng cường nguồn lực chuyên môn để quản lý các vụ việc. Hiện tại, số lượng cán bộ và trang thiết bị hiện có có thể không đủ để tiến hành điều tra các vụ bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng, vấn đề này phải được giải quyết. Phòng ngừa là chìa khóa để giải quyết bóc lột và xâm hại tình dục trực tuyến ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá, bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến là một hiểm họa không biên giới. Việc thu thập bằng chứng rõ rang, xây dựng cơ sở dữ liệu có chất lượng cần được coi là nhân tố  trung tâm trong việc hoạch định chiến lược để giải quyết nguy cơ cho trẻ em.

“Đối với những khuyến nghị từ báo cáo này, các bộ, ngành, đơn vị có liên quan sẽ có những nỗ lực, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và cùng hợp tác để giải quyết các mối đe dọa với trẻ em, đặc biệt là vai trò của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Nga nhấn mạnh.

Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Bình luận của bạn

Bình luận