Hơn 600 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, sẽ có vaccine hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2

Quỳnh Giang
18:10 - 20/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà nghiên cứu y học ở Australia đang nỗ lực phát triển loại vaccine tăng cường phòng COVID-19 có hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới không ngừng gia tăng.

Hơn 600 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, sẽ có vaccine hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Trên thế giới hiện đã có hơn 600 triệu ca mắc COVID-19. Ảnh: news.sky.com

Thế giới có hơn 600 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê COVID-19 trực tuyến worldometers.info lúc 16h30 ngày 20/8 (giờ Hà Nội), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hiện nay là 600.069.634 trường hợp. Tổng số ca đã tử vong bởi COVID-19 là 6.470.055 trường hợp. Tổng số ca đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 là 574.069.646 ca.

Tổng số bệnh nhân đang được điều trị là 19.529.933 ca, trong đó, 99,8% (19.485.886 ca) số bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nhẹ và chỉ có 0,2% ca mắc COVID-19 ở trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch (44.047 ca).

Về tình hình điều trị, đã có 574.069.646 ca mắc COVID-19 hồi phục và xuất viện, chiếm 99% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại (16h30 ngày 20/8 (giờ Hà Nội) Nhật Bản tiếp tục là nước ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trên thế giới với 255.810 trường hợp, theo sau đó là Hàn Quốc với 129.350 trường hợp và Nga với 40.010 trường hợp.

Với số ca mắc mới liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, Nhật Bản hiện cũng là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất trên thế giới với 283 ca, theo sau đó là Australia với 91 ca và Hàn Quốc với 84 ca tử vong do COVID-19.

Cũng theo trang thống kê COVID-19 trực tuyến worldometers.info, Mỹ hiện vẫn là nước đứng đầu trên thế giới về tổng số ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, với 95.324.830 ca, đứng thứ 2 là Ấn Độ với 44.327.890 ca mắc COVID-19, xếp thứ 3 là Pháp với 34.319.922 ca mắc COVID-19 và Brazil xếp thứ 4 với 34.264.237 ca mắc COVID-19.

Trung Quốc lại mang cá, tôm, cua ra xét nghiệm COVID-19

Để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2, các thành phố ven biển của Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho cá, tôm và cua.

Cụ thể, các thành phố ven biển tại Trung Quốc bắt đầu tiến hành làm xét nghiệm COVID-19 cho các loài hải sản tươi sống trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron theo chính sách "zero COVID-19" của chính phủ nước này.

Hạ Môn, thành phố du lịch nổi tiếng nằm ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, đã yêu cầu làm xét nghiệm PCR đối với cả ngư dân và số hải sản mà họ đánh bắt được sau những chuyến đi biển. Đây là thông báo của cơ quan giám sát ngành thủy sản của thành phố Hạ Môn.

Hơn 600 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, sẽ có vaccine hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế Trung Quốc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho cá. Ảnh: Toutiao

Một quan chức thuộc Cục Phát triển Đại dương của thành phố Hạ Môn chia sẻ với tờ South China Morning Post hôm 18/8 rằng: Chúng tôi làm xét nghiệm cho cả người dân và những hải sản mà họ đánh bắt được. Hạ Môn không phải là khu vực đầu tiên làm như vậy. Chúng tôi học theo tỉnh Hải Nam, khu vực đang chứng kiến dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất. Nhiều khả năng dịch bệnh bùng phát là do sự tiếp xúc giữa các loài thủy sản ở ngoài biển với ngư dân.

Giới chức y tế Trung Quốc đã cho thi hành chính sách kiểm soát chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 và nhấn mạnh những ca nhập khẩu COVID-19 có liên quan tới thực phẩm và bưu phẩm được vận chuyển từ nước ngoài.

Trước đó, tháng 7/2022, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố nghiên cứu mới nhất cho thấy virus corona sẽ chết khi xuất hiện trên phần lớn các bề mặt trong vòng 1 ngày, và yêu cầu dừng làm xét nghiệm với số hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển ở nhiệt độ dưới 10 độ C.

Trước đây, hoạt động lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hải sản tươi sống cũng từng được thực hiện tại các khu chợ hải sản ở thành phố Thượng Hải hồi cuối tháng 3/2022, thời điểm dịch bệnh lây lan nghiêm trọng và khiến Thượng Hải phải tiến hành phong tỏa suốt 2 tháng.

Ngoài hải sản, xét nghiệm PCR còn được tiến hành với nhiều loài động vật bao gồm gà và mèo trên khắp lãnh thổ Trung Quốc trong gần 2 năm qua.

Australia nghiên cứu phát triển vaccine hiệu quả với mọi biến thể của SARS-CoV-2

Các nhà nghiên cứu y học ở Australia đang nỗ lực phát triển loại vaccine tăng cường phòng COVID-19 có hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2.

Ngày 19/8, phát biểu tại một hội thảo ở Viện Nghiên cứu khoa học Westmead (WIMR) để giải thích về loại vaccine tăng cường được coi là "bước đột phá tiềm năng" này, Giáo sư Sarah Palmer cho biết: Mục đích của nghiên cứu là tìm ra một loại vaccine có thể hướng tới những đặc điểm chung của tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Theo giáo sư Palmer, trong quá trình sao chép, SARS-CoV-2 cũng mắc lỗi và tạo ra những biến thể mới. Điều này đồng nghĩa rằng các loại vaccine được phát triển dựa trên virus bản gốc được phát hiện từ năm 2019 sẽ dần trở nên kém hiệu quả theo thời gian khi virus đã biến đổi và tạo ra nhiều biến thể. Do đó, thay vì phát triển các loại vaccine "chạy theo" biến thể, nhóm nhà khoa học Australia muốn phát triển một loại vaccine có thể nhắm tới những phần không biến đổi trong quá trình sao chép, tồn tại trong mọi biến thể.

Hơn 600 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, sẽ có vaccine hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 - Ảnh 4.

Các nhà nghiên cứu y học ở Australia đang nỗ lực phát triển loại vaccine tăng cường phòng COVID-19

có hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2. Ảnh: Reuters

Nguyên lý dựa trên những nghiên cứu đã thực hiện với virus gây ra đại dịch trước đó

Nguyên lý phát triển công cụ mới để chiến đấu với virus dựa trên những nghiên cứu mà các nhà khoa học đã thực hiện với virus gây các đại dịch khác như virus HIV.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát các nhà nghiên cứu đã phát triển được một thuật toán máy tính cho phép xác định những vùng thiết yếu trong chuỗi protein của virus HIV mà mọi biến thể hoặc dòng phụ biến thể của virus đều có.

Giáo sư Palmer cho biết, đây đều là những vùng tối quan trọng mà nếu không có chuỗi protein của HIV sẽ tan rã.

Sau khi phát hiện được những vùng quan trọng này, các nhà khoa học muốn phát triển một loại vaccine mRNA có thể "huấn luyện và kích hoạt" một loại tế bào miễn dịch có tên gọi là tế bào T.

Tế bào này sẽ di chuyển trong toàn bộ cơ thể, loại bỏ những tế bào bị nhiễm mầm bệnh. Loại vaccine mRNA này sẽ huấn luyện tế bào T nhận diện và loại bỏ các tế bào nhiễm virus HIV. 

Xác định những protein giống nhau giữa các biến thể của virus SARS-CoV-2

Một chiến lược tương tự cũng được nhóm nghiên cứu áp dụng với việc phát triển vaccine phòng COVID-19 sử dụng các thuật toán máy tính để sàng lọc các dữ liệu về virus SARS-CoV-2 và xác định những protein giống nhau giữa các biến thể. Nhóm nghiên cứu đã tìm được 2 vùng như vậy, một là các protein gai và hai là các protein nucleocapsid cho phép virus sao chép nhanh chóng.

Tín hiệu rất lạc quan nhưng vẫn cần thêm thời gian

Giáo sư Palmer cho biết các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học Westmead đã phối hợp chặt chẽ với các nhóm đến từ các viện nghiên cứu khác ở Australia, trong đó có Đại học Monash.

Các chuyên gia y sinh học của Đại học Monassh được giao nhiệm vụ phát triển một loại vaccine mRNA có thể huấn luyện tế bào T nhắm đến những đặc điểm chung của các biến thể của virus SARS-CoV-2 và loại bỏ những tế bào nhiễm virus.

Dù cho biết phải mất thêm nhiều thời gian để phát triển thành công vaccine và đưa vào sử dụng nhưng các dấu hiệu ban đầu rất hứa hẹn. Các thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine có hiệu quả và vaccine sẽ được thử nghiệm giai đoạn tiếp theo trên chuột.

Việt Nam ghi nhận 11.379.554 ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch

Theo bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 19/8 của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.379.554 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.714 ca nhiễm).

Hơn 600 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, sẽ có vaccine hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 - Ảnh 6.

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tính đến ngày 19/8/2022. Ảnh: Bộ Y tế

Ngày 19/8, Việt Nam ghi nhận 2.983 ca mắc mới COVID-19, giảm 312 ca COVID-19 so với ngày trước đó 18/8 đã ghi nhận 3.295 ca.

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 19/8 là 6.975 ca; nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.056.190 ca

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 86 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ là 73 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 5 ca; thở máy không xâm lấn là 3 ca; thở máy xâm lấn: 5 ca; ECMO: 0 ca

Từ 17h30 ngày 18/8 đến 17h30 ngày 19/8, Việt Nam ghi nhận 0 ca tử vong do COVID-19.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.103 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong ở Việt Nam xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Hơn 253 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm

Trong ngày 18/9, trên cả nước có 630.381 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam hiện là 253.398.589 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 217.392.337 liều: Mũi 1 là 71.369.884 liều; Mũi 2 là 68.889.786 liều; Mũi bổ sung là 15.244.848 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 49.284.315 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 12.603.504 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 21.825.677 liều: Mũi 1 là 9.077.301 liều; Mũi 2 là 8.731.547 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 4.016.829 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 14.180.575 liều: Mũi 1 là 8.808.683 liều; Mũi 2 là 5.371.892 liều.