Dạy và học tích hợp: Cần đánh giá khoa học về hiệu quả thực tế

Thành Phúc
05:51 - 14/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hiệu quả dạy và học tích hợp hiện không đạt được kỳ vọng ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào đạo cùng Ban phát triển chương trình các môn học đã đề ra.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sang năm thứ 2 thực hiện ở cấp Trung học cơ sở nhưng đến nay chưa định hình được rõ ràng các môn học tích hợp một cách rõ nét. Việc Bộ "tích hợp" môn học nhưng vì không có nhân sự giảng dạy, bắt buộc các trường vẫn phải chia theo phân môn để giảng dạy. 

Tình thế này tạo ra những phức tạp và khó khăn cho cả người dạy và người học. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không có những đánh giá khách quan và giải pháp căn cơ thì mục tiêu ban đầu của tích hợp môn họccũng sẽ khó đạt được.

Phần lớn giáo viên không thể "ôm" được cả môn tích hợp

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp Trung học có các môn học tích hợp sau: Khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học); Lịch sử và Địa lý (Lịch sử, Địa lý) Nghệ thuật (Mĩ thuật, Âm nhạc); Nội dung giáo dục địa phương (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân). Như vậy, các môn học độc lập ở các chương trình trước đây đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương xây dựng thành các môn học "tích hợp" trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước khi triển khai giảng dạy ở cấp cơ sở, gần như giáo viên dạy các môn học tích hợp chưa được bồi dưỡng kĩ lưỡng kiến thức về các môn học tích hợp. Ngay cả việc Bộ triển khai tập huấn online qua các module cũng gần như được thiết kế riêng lẻ theo từng phân môn. Trong đó, Nội dung giáo dục địa phương năm nay là năm triển khai thứ 2 ở cấp Trung học cơ sở nhưng giáo viên không hề được tập huấn một đơn vị kiến thức nào.

Trước thực tế như vậy, trong các Công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021-2022 và 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều hướng dẫn: "Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học".

Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy 2 môn tích hợp lớn là: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý theo hướng dẫn của Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT đến nay nhiều địa phương vẫn chưa triển khai được. Trớ trêu, ngay đầu mỗi Quyết định này nêu rõ: "Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý".

Chính vì giáo viên chưa được bồi dưỡng kiến thức, chưa thể "ôm" được các môn học tích hợp nên về cơ bản các trường đang phải chia ra theo phân môn. Môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên dạy (140 tiết); môn Lịch sử và Địa lý có 2 giáo viên dạy (105 tiết); môn Nghệ thuật có 2 giáo viên dạy (70 tiết); Nội dung giáo dục đại phương có 6 giáo viên dạy (35) tiết.

Nhìn vào số tiết, số giáo viên dạy, dễ dàng nhìn ra những bất cập. Chẳng hạn, trong môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 chỉ có 24 tiết dành cho phân môn Hóa học được bố trí giảng dạy ở học kỳ I, sau đó, học sinh học phân môn Sinh học và Vật lý. Sang lớp 7, học sinh mới trở lại học Hóa học. Trong khi, học sinh lớp 6 mới 12 tuổi đầu, học 24 tiết Hóa, bỏ đi cả gần năm trời mới học lại ở lớp 7, liệu học sinh có nhớ được những gì mà các em đã học từ đầu năm học trước đó?

Nội dung giáo dục địa phương, hiện nay gần như các tỉnh (thành) biên soạn, xuất bản sách giáo khoa rất chậm. Thậm chí hết năm vẫn không có sách giáo khoa. Giáo viên phải dạy trên file tài liệu PDF rất vất vả. Vì Sở gửi về một file cho cả 6 phân môn, giáo viên phải chuyển sang Word, in ấn tài liệu mới có thể soạn giáo án và dạy cho học trò. Một môn học có 35 tiết nhưng đang có tới 6 giáo viên dạy. Với cách phân công giáo viên như hiện nay, rất khó để cho ra một kết quả tốt cho học trò và mục tiêu mà chương trình 2018 đã đề ra.

Cần có đánh giá khách quan để đưa ra những giải pháp căn cơ

Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Ba (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: khả năng dạy học môn khoa học tự nhiên của giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học các trường Trung học cơ sở vùng Đông Nam bộ năm 2018 cho thấy, tỷ lệ giáo viên được đào tạo đơn môn là 58,4% và đa môn là 42,6%.

Nhưng đào tạo đa môn không phải là Lý - Hóa hay Hóa - Sinh, mà chủ yếu là Lý - Kỹ thuật công nghiệp, Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Toán - Lý... nên việc giảng dạy môn Khoa học tự nhiên sẽ khó đối với họ. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ giáo viên có khả năng dạy cả 3 phân môn Lý - Hóa - Sinh chỉ chiếm 1,3%, dạy 2 môn Lý - Hóa chiếm 7,8%, 2 môn Hóa - Sinh là 19,5%, còn lại dạy đơn môn Lý (33,8%), Hóa (14,3%) và Sinh (22,1%).

Một nghiên cứu khác về khả năng dạy học môn Lịch sử và Địa lý của giáo viên Lịch sử, Địa lý cấp Trung học cơ sở vùng Đông Nam bộ của Thạc sĩ Nguyễn Thị Phú (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy khả năng giáo viên dạy được cả 2 phân môn là 15,8%, còn lại là dạy Lịch sử (chiếm 47,4%), dạy Địa lý (36,8%). 

Như vậy, đến năm học 2018 - 2019, ở Đông Nam bộ, vùng có điều kiện phát triển giáo dục, chỉ có 1,3% giáo viên Lý, Hóa, Sinh đảm bảo dạy được cả 3 phân môn Khoa học tự nhiên và có 15,8% giáo viên Sử, Địa giảng dạy được cả 2 phân môn".

Từ những số liệu trên và thực tế thực hiện nhiệm vụ ở các nhà trường cho thấy, cấp Trung học cơ sở đang thực hiện khá khó khăn đối với những môn học tích hợp. Giáo viên dạy các môn này vất vả mà ngay cả Phó hiệu trưởng chuyên môn cũng vất vả theo vì liên tục phải tính toán, phân công và sắp xếp thời khóa biểu theo từng phân môn nên thời khóa biểu nhà trường thay đổi xoành xoạch theo tuần.

Thiết nghĩ, trước những khó khăn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một hội thảo để đánh giá khách quan, khoa học về tính hiệu quả của các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở để từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường. Nếu Bộ vẫn thực hiện các môn học tích hợp theo lộ trình cuốn chiếu cần có giải pháp thúc đẩy việc đưa giáo viên đơn môn đi tập huấn và có những chỉ đạo sâu sát với môn học.

Nếu như tính hiệu quả thấp, các trường vẫn phân công giáo viên dạy theo đơn môn thì cũng cần tính phương án có nên trả lại môn học độc lập như trước đây hay không. Năm nay là năm thứ 2 thực hiện chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở. Gần một nửa chặng đường ở cấp học này đã đi qua, Bộ có thể đưa ra những kết quả sơ bộ để đánh giá lại quá trình thực hiện, cũng như hiệu quả từ các môn học này.

Nếu không, hiệu quả giảng dạy không đạt được như kỳ vọng, không đạt được mục tiêu ban đầu mà Bộ và Ban phát triển chương trình các môn học đã đề ra thì đó là điều chúng ta sẽ có lỗi với học trò, với phụ huynh học sinh.

Bình luận của bạn

Bình luận