Dạy tích hợp hiệu quả, cần nâng cao vai trò của tổ trưởng chuyên môn
Các giáo viên kiêm nhiệm chức vụ tổ trưởng chuyên môn có một vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu, đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm trong việc xây dựng các kế hoạch dạy học cho tổ chuyên môn.
Khi ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trách nhiệm của tổ trưởng chuyên môn đi đầu khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, vì công việc áp lực, chế độ đãi ngộ kém khiến cho nhiều thầy cô giáo không mặn mà với công việc. Khi được bổ nhiệm, họ tìm cách thoái thác, từ chối vị trí này.
Tổ trưởng chuyên môn - áp lực gấp nhiều lần
Theo định mức giảng dạy của giáo viên phổ thông công lập hiện nay, giáo viên cấp tiểu học dạy 23 tiết; giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết; giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần. Giáo viên kiêm nhiệm chức vụ tổ trưởng chuyên môn được giảm 3 tiết/tuần và hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,2 lương cơ sở. Giáo viên kiêm nhiệm tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần, được hưởng phụ cấp chức vụ 0,15 lương cơ sở.
Thế nhưng, công việc của tổ trưởng chuyên môn rất nặng bởi họ thường xuyên phải họp hành và lên các kế hoạch cho tổ và thực hiện rất nhiều báo cáo, thống kê cho ban giám hiệu nhà trường, cùng vô vàn những công việc hành chính khác.
Các tổ trưởng chuyên môn vừa phải có mặt hầu hết các cuộc họp kế hoạch của nhà trường, vừa phải dự các cuộc họp triển khai nhiệm vụ tháng, năm, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, ngoại khóa hoặc khi chuẩn bị cho các buổi lễ của nhà trường... Chưa kể, mỗi tháng còn phải dự họp chuyên đề, họp hội đồng bộ môn ở các đơn vị bạn, họp giao ban trực tuyến với đơn vị cấp trên.
Các kế hoạch thì làm triền miên: đầu năm, các thầy cô phân công giảng dạy, làm các loại kế hoạch (chuyên môn; chuyên đề; kiểm tra; bồi dưỡng học sinh giỏi; phụ đạo học sinh yếu kém; sử dụng đồ dùng dạy học; tích hợp) và phân phối chương trình cho tất cả các môn, các khối học mà mình đang phụ trách.
Ngoài ra, còn có các kế hoạch dạy thay; tăng tiết; ôn tập học kỳ; lập danh sách thi giáo viên giỏi; viết sáng kiến kinh nghiệm; đăng ký thi đua của tổ; hiến máu tình nguyện; tham gia các phong trào…
Mỗi tháng, tổ trưởng chuyên môn phải lên lịch và chủ trì 2 cuộc họp tổ chuyên môn của mình; lên lịch và dự giờ giáo viên trong tổ; lên lịch và kiểm tra nội bộ, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra sổ đầu bài, kiểm tra việc vào điểm trên phần mềm đối với tất cả các giáo viên trong tổ.
Khi đánh giá giáo viên, phân công nhiệm vụ cho các giáo viên trong tổ chuyên môn như ra đề kiểm tra, thực hiện thao giảng tiết chuyên đề của tổ, trường, hội đồng bộ môn thì nhiều giáo viên tìm cách chối từ, nhất là thao giảng cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Tổ trưởng phải thuyết phục giáo viên trong tổ hoặc đứng ra thực hiện các tiết chuyên đề và chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng, lên ý tưởng cho tiết chuyên đề.
Vì vậy, nhiều thầy cô giáo chỉ làm tổ trưởng chuyên môn hết 1 nhiệm kỳ là họ xin ban giám hiệu không làm nữa. Một nghịch lý là những giáo viên đã làm tốt vị trí tổ trưởng chuyên môn, có ý thức xây dựng mối đoàn kết nội bộ thì chính là những người xin thôi chức vụ quyết liệt nhất.
Chung quy là họ cảm thấy đuối sức, hụt hơi trước những áp lực công việc mà mình được phân công.
Vai trò của tổ trưởng chuyên môn trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Hiện nay, ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc tập huấn, bồi dưỡng diễn ra liên miên. 2 năm qua, việc tập huấn online qua các module thì bao giờ cũng có phần thực hiện các bài tập sau mỗi module. Vì thế, tổ chuyên môn ở các trường đều phải chuẩn bị các bài tập được hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh phân công và tổ trưởng chuyên môn phải gánh công việc này.
Khi giảng dạy ở nhà trường, hàng loạt phát sinh xảy ra, nhất là cấp trung học cơ sở hiện nay phần nhiều là tổ ghép nên mỗi tổ chuyên môn thường có vài môn học. Những môn học tích hợp có ít nhất từ 3 môn học trở lên.
Đối với trường loại I thì tổ Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở hiện nay bắt buộc phải có: Lý, Hóa, Sinh và Công nghệ lớp 7, lớp 8 và lớp 9. Tổ Sử - Địa - Công dân thì có các môn Lịch sử; Địa lý và Giáo dục công dân. Tổ Ngữ văn thì có Ngữ văn, Nội dung giáo dục địa phương và Công nghệ 6…
Những trưởng loại II, loại III còn được ghép nhiều môn hơn. Tất nhiên, khi ghép nhiều môn vào 1 tổ thì trách nhiệm tổ trưởng chuyên môn càng nặng nề và vất vả hơn vì phải xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra, dự giờ tất cả các môn trong tổ.
Tổ trưởng chuyên môn là người chịu trách nhiệm chính và cũng là người gần gũi nhất với giáo viên và phải nắm và am hiểu các môn học mà mình đang quản lý để mỗi khi giáo viên trong tổ vướng mắc, khó khăn sẽ cùng nhau tìm cách tháo gỡ.
Vị trí tổ trưởng chuyên môn cần phải có năng lực, chuyên môn tốt mới đảm nhiệm được. Họ chính là những mắt xích quan trọng khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Những giáo viên kiêm nhiệm chức vụ tổ trưởng chuyên môn mà không có năng lực, yếu công nghệ thông tin thì rất khó đảm nhận công việc này bởi mỗi ngày có hàng chục email triển khai các công việc đòi hỏi tổ trưởng chuyên môn phải xử lý, truyền đạt đến các tổ viên trong tổ. Rồi họp hành trực tuyến, báo cáo qua các phần mềm…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google