Croatia trở thành thành viên thứ 20 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu
Các bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/7 đã nhất trí đồng ý để Croatia gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào ngày 1/1/2023. Việc Croatia trở thành thành viên Eurozone mang lại lợi ích cho cả hai phía, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Dấu mốc lịch sử trong tiến trình hội nhập Liên minh châu Âu của Croatia
Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Séc - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Zbynek Stanjura nêu rõ: "Tôi xin chúc mừng người đồng cấp Zdravko Maric và toàn bộ đất nước Croatia trở thành nước thứ 20 gia nhập Eurozone".
Như vậy, từ ngày 1/1/2023, người dân Croatia sẽ chuyển từ sử dụng đồng Kuna sang đồng Euro. Đây sẽ là một dấu mốc lịch sử trong hành trình hội nhập EU của Croatia. Các bộ trưởng tài chính EU đã nhất trí ấn định tỉ giá chính thức là 7,53450 kuna/1 euro.
Để được gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Croatia phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ, như duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức tương tự như các nước khác trong EU, chi tiêu công hợp lý...
Được thành lập vào ngày 1/1/2002 với 12 nước thành viên ban đầu, hiện nay Eurozone có 19 thành viên gồm: Áo, Bỉ, Síp, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italy, Latvia, Litva, Malta, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha.
Đến ngày 1/1/2023 , Eurozone sẽ có 20 thành viên với sự có mặt của Croatia.
Tiếp theo sẽ là Bulgaria khi nước này thông báo sẵn sàng phê chuẩn sử dụng đồng euro vào ngày 1/1/2024.
Bù lại, việc gia nhập sẽ mang lại cho Croatia những lợi ích kinh tế. Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis, nói: "Sử dụng đồng Euro sẽ khiến nước này thu hút thêm đầu tư nước ngoài, giảm rào chắn đối với các doanh nghiệp và dỡ bỏ được phí trao đổi tiền tệ".
Theo ý kiến của đa số người dân, lợi ích hàng đầu của đồng euro đó là công dân có thể dễ dàng giao dịch qua biên giới, làm việc, học tập và thậm chí là cả dự trữ.
Việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế, thương mại và đặc biệt là du lịch của Croatia sẽ trở nên thuận tiện hơn. Một số chuyên gia cho rằng việc đồng euro được sử dụng chính thức ở Croatia có ảnh hưởng tích cực và thu hút sự quan tâm của du khách châu Âu đối với đất nước này bởi khách du lịch chủ động hơn trong việc mua sắm, chi tiêu cho các nhu cầu khi đến Croatia.
Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đã hoan nghênh quyết định của Hội đồng Các vấn đề Kinh tế và Tài chính của Liên minh châu Âu (ECOFIN) về việc kết nạp Croatia vào Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào ngày 1/1/2023.
Thủ tướng Plenkovic nhấn mạnh: "Trong thời gian dài, chúng tôi đã nỗ lực theo đuổi kế hoạch này do chúng tôi tin chắc rằng việc gia nhập Eurozone là vì lợi ích quốc gia của Croatia". Thủ tướng Plenkovic cho rằng đồng Euro sẽ làm cho nền kinh tế Croatia có thêm động lực và sẽ cải thiện mức sống của người dân nước này.
Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Croatia Boris Vujcic nhấn mạnh việc sử dụng đồng euro sẽ giúp Croatia trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và an toàn hơn trong thời kỳ khủng hoảng, do đó mang lại lợi ích cụ thể, trực tiếp và lâu dài cho người dân cũng như doanh nhân Croatia.
Tuy nhiên, Thống đốc Boris Vujcic cũng cho rằng, trong thời gian tới Croatia sẽ có rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trước hết đó là việc phải thúc đẩy quá trình tích hợp hoàn toàn vào hệ thống đồng Euro cho ngân hàng quốc gia Croatia. Tiếp đó, các ngân hàng cần phải triển khai việc chuyển đổi sang đồng euro, trong đó bao gồm việc hoạt động của các máy ATM trong giai đoạn chuyển đổi.
Với EU, việc kết nạp thêm Croatia được coi là một bước đi quan trọng. Sự kiện khẳng định sự thống nhất chung của EU và Eurozone khi tiếp tục được mở rộng thêm về quy mô, đặc biệt trong bối cảnh sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ EU đang bị đe dọa.
Croatia - hòn ngọc châu Âu
Là quốc gia vùng Balkan, nằm giữa Trung Nam Âu và Trung Âu, bên bờ Địa Trung Hải, Croatia có hơn 4 triệu dân. Đất nước được xếp vào hàng những quốc gia xinh đẹp nhất châu Âu này còn được biết đến với tên gọi là "Hòn ngọc châu Âu".
Croatia giáp biên giới với Slovenia và Hungary ở phía bắc, Bosnia và Herzegovina ở phía đông nam và Serbia và Montenegro ở phía đông. Croatia là một quốc gia có thu nhập cao, là một thành viên của Liên hợp quốc, Hội đồng châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Vào năm 1991, Croatia là một trong các quốc gia được tách ra từ Liên bang Nam Tư trước đây. Năm 2013, Croatia chính thức trở thành thành viên thứ 28 của EU và là quốc gia thứ hai, sau Slovenia (năm 2004) thuộc Liên bang Nam Tư trước đây gia nhập liên minh này.
Để trở thành thành viên của EU, Croatia đã phải đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn EU đề ra đúng thời hạn, thực hiện yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC) về đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tái phục hồi thị trường lao động, kiểm soát tham nhũng, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và hợp tác với Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google