Những dấu ấn đậm nét của cựu Thủ tướng Abe Shinzo trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

13:57 - 09/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đối với nhân dân Việt Nam, ông Abe Shinzo là người bạn thân thiết, là người nhiệt tình thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Với hai lần đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo được ghi nhận là vị Thủ tướng có số ngày tại vị liên tiếp dài nhất trong lịch sử đất nước với 2.799 ngày, đồng thời cũng có tổng thời gian làm Thủ tướng lâu nhất. 

Hai lần từ chức khi nhiệm kỳ còn dang dở, ông Abe Shinzo đều xin lỗi người dân "từ tận đáy lòng" bởi sức khỏe không thể đáp ứng đủ để làm những điều tốt nhất cho đất nước. Nhưng người dân Nhật Bản trân trọng và hiểu rằng, trong suốt thời gian tại nhiệm, ông Abe Shinzo đã hết mình cống hiến, đem lại những thành quả tích cực cho sự nghiệp phát triển quốc gia. Ông cũng để lại dấu ấn như một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực và trên toàn cầu.

Đối với nhân dân Việt Nam, ông Abe Shinzo luôn là người bạn thân thiết, nhiệt tình thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Dưới thời ông Abe Shinzo, quan hệ hai nước được đánh giá đã có những bước phát triển vượt bậc với những dấu ấn đậm nét.

Những dấu ấn đậm nét của cựu Thủ tướng Abe Shinzo  trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 1.

Thủ tướng Abe Shinzo chủ trì lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến 18/9/2015. Ảnh: TTXVN

Dành tình cảm quý mến đặc biệt cho đất nước và nhân dân Việt Nam

Tháng 9/2006, ông Abe Shino được bầu làm Chủ tịch Đảng LDP và trở thành vị thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản vào ngày 26/9 năm đó. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. 

Trên cương vị này, ông đã tới thăm Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Hà Nội vào tháng 11/2006.

Trong chuyến thăm đó, hai nước đã ra Tuyên bố chung về "Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á". Tuy nhiên, tháng 9/2007, ông Abe đã phải từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe.

5 năm sau, ngày 26/12/2012, ông Abe đã chính thức được bổ nhiệm làm Thủ tướng sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Ngay sau khi trở lại nắm quyền, ông Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng của mình vào tháng 1/2013.

Ông bày tỏ: "Trong ấn tượng của người Nhật Bản, dân tộc Việt Nam là dân tộc rất cần cù, thông minh, tính kiên nhẫn cao và đặc biệt tình cảm của người Việt Nam rất ấm áp". Có lẽ, những ấn tượng như vậy về Việt Nam là một trong những lý do để vị thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản mong muốn: "Tôi rất muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước".

Năm 2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á".

Những dấu ấn đậm nét của cựu Thủ tướng Abe Shinzo  trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm MInh Chính chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp Ngài Abe dành cho Việt Nam. Ảnh: VGP/VTV

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản tháng 11 cuối năm ngoái, trong buổi tiếp nguyên Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chân thành cảm ơn những tình cảm tốt đẹp ông Abe dành cho Việt Nam, đánh giá cao những đóng góp tích cực của ông Abe dù bất cứ cương vị nào cũng luôn ủng hộ thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật không ngừng đạt dấu mốc mới, đặc biệt là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược sâu rộng vào năm 2014.

Quan hệ giữa hai nước được đánh giá đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về phần mình, cựu Thủ tướng Abe Shinzo bày tỏ tình cảm quý mến đặc biệt dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế, sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam làm sâu đậm quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.

Ngày 28/8/2020, trả lời các câu hỏi về việc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tuyên bố từ chức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, ông Abe Shinzo đã được nhân dân Nhật Bản tín nhiệm nhiều năm ở cương vị Thủ tướng Nhật Bản, là nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ở khu vực và thế giới.

Việt Nam đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Thủ tướng Abe Shinzo đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực và quốc tế.

Quan hệ Việt Nam -  Nhật Bản có những bước phát triển vượt bậc

Những dấu ấn đậm nét của cựu Thủ tướng Abe Shinzo  trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 3.

Thủ tướng Abe Shinzo thăm chính thức Việt Nam năm 2017. Ảnh: Reuters/VOV

Nhìn lại những năm tháng tại vị của ông Abe, quan hệ Việt Nam -  Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhật Bản là quốc gia thuộc nhóm 7 nền kinh tế lớn trên thế giới (G7) đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2016 và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) với tư cách khách mời đặc biệt của nước chủ nhà vào năm 2019. Đây đều là những lần đầu tiên Việt Nam tham dự các diễn đàn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn như G7 và G20.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Không chỉ các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên thăm Nhật Bản, mà trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng, ông Abe đã đến Việt Nam 4 lần, trong đó có 2 lần thăm chính thức vào năm 2013 và 2017 và 2 lần nhân tham dự Hội nghị APEC 2006, 2017.

Đến nay, Nhật Bản là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Việt Nam và Nhật Bản dưới thời ông Abe đã phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt…

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước, dưới thời Thủ tướng Abe, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 ở Nhật Bản. Cho đến cuối năm 2019, có tổng cộng khoảng 412.000 người Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản, tăng gấp hơn 12 lần so với năm 2012 - thời điểm Thủ tướng Abe mới quay lại nắm quyền. Đó một phần là nhờ các chính sách tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam của chính phủ Nhật Bản giai đoạn này.

Sự kiện ông Abe Shinzo ra đi sau một vụ tấn công khủng khiếp đã gây chấn động thế giới và để lại cho nhiều người lòng tiếc thương vô hạn. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.

Trong điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, Nhân dân Nhật Bản và gia quyến Ngài Abe Shinzo; bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà cựu Thủ tướng Abe Shinzo dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

Trong suốt thời gian cầm quyền, di sản đối nội nổi bật của ông Abe là chính sách kinh tế Abenomics với 3 trọng tâm chính là: Gói kích thích tiền tệ; gia tăng chi tiêu chính phủ; và cải cách cơ cấu.

Mục tiêu hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản đã đạt được khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và tăng trưởng liên tục trong hơn 70 tháng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm. Dù còn một số tranh cãi và ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 khiến nền kinh tế Nhật Bản bị tổn thương, nhưng Abenomics vẫn là dấu ấn mà người ta nhớ về ông Abe.

Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo của ông Abe, liên minh cầm quyền giữa Đảng Dân chủ tự do và Đảng Công minh đã giành thắng lợi trong 6 cuộc bầu cử liên tiếp. Ông Abe cũng đóng góp rất lớn vào việc thay đổi cách diễn giải Hiến pháp Nhật Bản, cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia hoạt động phòng thủ tập thể nhằm bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh Nhật Bản thời hậu chiến.

Về đối ngoại, ông Abe được đánh giá đã nâng tầm vị thế của Nhật Bản trên thế giới với nhiều bước đi chiến lược. Đó là thúc đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ; đưa Nhật Bản tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ký kết Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Nhật Bản (JEFTA), tăng cường quan hệ với các nước lớn trong khu vực, chủ động hội nhập kinh tế…

 

Nguồn: PV (tổng hợp)