EU đẩy mạnh phục hồi hệ sinh thái với quy định mới về giảm sử dụng thuốc trừ sâu

Anh Thư
04:06 - 25/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu phải giảm 50% lượng thuốc trừ sâu sử dụng, phục hồi chất lượng cho 20% diện tích đất vào năm 2030 và tất cả hệ sinh thái bị suy thoái vào năm 2050.


EU đẩy mạnh phục hồi hệ sinh thái với quy định mới về giảm sử dụng thuốc trừ sâu - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans, Cao uỷ EU về y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides, Uỷ viên châu Âu phụ trách môi trường Virginijus Sinkevicius tại buổi họp báo công bố dự luật về việc cắt giảm thuốc trừ sâu và khôi phục môi trường tự nhiên tại Brussels (Bỉ), ngày 22/06. Ảnh: Yves Herman/Reuters

Các hoạt động canh tác nông lâm nghiệp dày đặc đã và đang khiến cho môi trường tự nhiên tại nhiều nước châu Âu ngày càng suy giảm. Việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu không chỉ ảnh hưởng tới các loài sinh vật tự nhiên, mà còn gây hại cho sức khỏe của chính người dân. Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu đã đưa ra nhiều quy định mới, yêu cầu các quốc gia thành viên hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu nhằm đảo ngược những ảnh hưởng tiêu cực này .

Công tác bảo vệ các vùng sinh môi tự nhiên tại châu Âu hiện đang bị cho là yếu kém, nhiều quy tắc về việc sử dụng thuốc trừ sâu còn lỏng lẻo và không được áp dụng nhất quán trên toàn khu vực. 

Một nghiên cứu của Mạng lưới hành động thuốc trừ sâu châu Âu cho thấy, số lượng các loại sản phẩm trái cây bị nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu đã tăng tới hơn 50% trong khoảng 10 năm qua, tác động tiêu cực tới sức khỏe người tiêu dùng. Còn theo Ủy ban châu Âu, số lượng các loài vật thụ phấn, có ích cho mùa màng như ong, bướm đều đang suy giảm nhanh chóng, gây ảnh hưởng tới khả năng canh tác của châu lục này.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quy định mới nhằm giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu được phép sử dụng tại khu vực này để bảo vệ sức khỏe và phục hồi số lượng động vật hoang dã đang suy giảm mạnh trong khu vực, đồng thời hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp bền vững hơn. Cụ thể, các loại thuốc trừ sâu chỉ được sử dụng khi không còn lựa chọn nào khác, và bị cấm sử dụng tại những khu vực được bảo vệ và tại không gian xanh trong các đô thị như công viên hay các khu vườn nội đô. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải giảm 50% lượng thuốc trừ sâu sử dụng, phục hồi chất lượng cho 20% diện tích đất vào năm 2030 và tất cả hệ sinh thái bị suy thoái vào năm 2050. Các nước cũng phải báo cáo thường xuyên về tiến độ thực hiện những mục tiêu này.

Ông Frans Timmermans, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Lần đầu tiên chúng tôi đưa ra một đạo luật yêu cầu tất cả các nước thành viên của EU phải phục hồi tự nhiên. Chúng ta cần khôi phục tới 80% thiên nhiên đang bị ảnh hưởng nặng nề, đưa thiên nhiên ở những thành phố, thị trấn nơi chúng ta đang sống, trong các khu rừng, trên biển, sông, hồ về đúng hiện trạng của nó. Tất cả không chỉ là vì sức khỏe về mặt thể chất, mà còn có vai trò quan trọng với sức khỏe tinh thần của chúng ta nữa. Bạn biết đấy, làm được điều này sẽ giúp chúng ta vững tin vào khả năng thế giới có thể hình thành được một môi trường tự nhiên bền vững".

EU đẩy mạnh phục hồi hệ sinh thái với quy định mới về giảm sử dụng thuốc trừ sâu - Ảnh 2.

Cắt giảm sử dụng thuốc trừ sâu sẽ giúp tạo điều kiện để thiên nhiên và các loài động thực vật tồn tại, phát triển mạnh mẽ, như tại cánh đồng hoa dại Auvergne, Pháp. Ảnh: Micheal David Murphy/Alarmy

Bên cạnh đó, quy định mới cũng hướng đến ngăn chặn tình trạng suy giảm số lượng ong và các loài thụ phấn tại 27 nước thành viên vào cuối thập kỷ này, đồng thời tăng quần thể chim ở đất nông nghiệp, và khôi phục 25 nghìn km sông trong khu vực vào năm 2030.

Tuy nhiên, hiện các quy định này đang vấp phải sự phản đối từ các bên tham gia trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm mạnh sử dụng thuốc trừ sâu sẽ khiến sản lượng vụ mùa giảm, chất lượng và hình thức các sản phẩm cũng giảm, trong khi giá lương thực tăng. 

Về vấn đề này, bà Stella Kyriakides, Cao ủy châu Âu về y tế và an toàn thực phẩm, khẳng định: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân về mặt tài chính từng bước một trong năm năm tới để bù đắp chi phí phát sinh do quy định mới. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với họ trong quá trình chuyển đổi này bằng cách tăng nhiều loại chất sinh học có thể thay thế thuốc trừ sâu và gây ra nguy cơ thấp hơn thông qua tiếp tục nghiên cứu và cải tiến công nghệ mới. Cho đến nay, chúng tôi đã phê duyệt tới 20 loại hóa chất thay thế thuốc trừ sâu với nguy cơ rủi ro thấp hơn, và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình này".

Trong một động thái khác, Ủy ban châu Âu cho biết sẽ đàm phán với các quốc gia liên quan để cấm sử dụng thuốc trừ sâu neonicotinoids (một loại thuốc trừ sâu tác động lên hệ thần kinh trung ương của côn trùng) trong các sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu. Neonicotinoids dẫn tới "sự suy giảm của các loài thụ phấn và sự tích tụ trong môi trường các chất khó phân hủy, tích lũy sinh học và chất độc hại".

Cao ủy châu Âu về y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành các cuộc thảo luận với các quốc gia thành viên và các nước thứ ba để hàng nhập khẩu vào châu Âu không có neonicotinoids". Bà Stella Kyriakides cũng nhấn mạnh: "Như đã thông báo trong chiến lược "từ nông trại đến bàn ăn", chúng tôi muốn các vấn đề môi trường toàn cầu được xem xét khi thiết lập giới hạn dư lượng tối đa đối với thuốc trừ sâu để giảm chúng về không".