Vì sao du lịch Bhutan luôn hấp dẫn đối với thế giới?
Bảo vệ môi trường, khẳng định tầm quan trọng của thiên nhiên đối với sức khỏe của người dân được xác định là 1 trong 4 trụ cột của triết lý tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) mà Bhutan theo đuổi.
Tính bền vững là tối thượng
Nằm giữa Ấn Độ và Tây Tạng, Vương quốc Bhutan nằm trên dãy núi Himalaya là nơi nhiều người ước ao được đặt chân đến. Đây là quốc gia vô cùng độc đáo bởi ngay khi cả thế giới nỗ lực thu hút khách du lịch thì đất nước này lại không mấy mặn mà đón khách thập phương.
Bhutan chỉ bắt đầu mở cửa cho khách du lịch vào năm 1974 với chính sách "giá trị cao, tác động thấp". Chính sách này có nghĩa là kiểm soát chặt chẽ về cách du khách du lịch ở Bhutan.
Đề cao triết lý của Phật giáo hơn là lợi nhuận kinh tế, Bhutan là quốc gia ưu tiên tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) hơn là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Và triết lý đó được xem là bộ lọc đối với du lịch. Vương quốc Phật giáo này có niềm tin vững chắc, từ lâu đời rằng, sự phát triển của quốc gia phải dựa trên hạnh phúc và thịnh vượng của người dân.
Bảo vệ môi trường, khẳng định tầm quan trọng của thiên nhiên đối với sức khỏe của người dân được xác định là 1 trong 4 trụ cột của triết lý GNH mà Bhutan theo đuổi.
Trong Hiến pháp của Bhutan quy định, phải bảo đảm ít nhất 60% đất của Bhutan luôn được rừng bao phủ. Hiện tại độ che phủ của rừng ở Bhutan đạt khoảng 70%. Hơn 50% đất nước được bảo vệ.
Nằm giữa những đỉnh núi cao và thung lũng rừng, núi, Bhutan đã tạo ra một mạng lưới các khu bảo tồn rộng tới 5 triệu mẫu Anh. Trong khu vực này, các loài động vật hoang dã bản địa như, hổ Bengal hoàng gia, báo tuyết và voi vẫn phát triển mạnh.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho biết: "Người dân của Vương quốc Phật giáo này được bảo đảm quyền cơ bản: sống trong một môi trường tự nhiên trong lành.
Con người là trái tim của Vương quốc
Triết lý GNH của Bhutan có vẻ xa lạ, lạc lõng khi đối mặt với nguyên tắc lợi nhuận kinh tế đang phổ biến trên khắp thế giới. Tuy nhiên, quốc gia nhỏ bé trên núi cao này vẫn duy trì sự độc đáo của mình trong quan niệm sống và phát triển.
Thay vì tập trung vào phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất, Vương quốc này chú trọng bảo vệ môi trường tự nhiên, tôn trọng cuộc sống hài hoà với thiên nhiên. Quan điểm đó được áp dụng cho cả ngành du lịch.
Một thí dụ điển hình là tuyến đường mòn Trans Bhutan sắp được khai trương vào tháng 9 năm nay - mô hình du lịch dựa vào cộng đồng. Đường mòn hành hương lịch sử xuyên quốc gia này được khôi phục không chỉ cho khách du lịch mà còn để kết nối lại các cộng đồng sống ở nông thôn, vùng hẻo lánh.
Tuyến đường đi bộ đường dài này được xây dựng nhằm mục đích thúc đẩy giao lưu văn hóa, đồng thời giúp các cộng đồng vùng sâu vùng xa gặt hái những lợi ích kinh tế từ du lịch.
Doanh nghiệp du lịch bền vững phi lợi nhuận đứng sau con đường mòn cũng đang hợp tác với các trường học địa phương, các nhóm hướng đạo và Dịch vụ Thanh niên quốc gia của Bhutan để cung cấp các cơ hội giáo dục về các lĩnh vực như động thực vật, đi bộ xuyên rừng, sơ cứu và lịch sử văn hóa, cho các cộng đồng dọc theo con đường.
Kiểm soát hạn ngạch du lịch
Mặc dù số lượng du khách hàng năm trước đại dịch đến Bhutan đang tăng lên, nhưng đất nước này chưa bao giờ có hơn 315.000 khách du lịch mỗi năm. So sánh điều này với nước láng giềng Nepal - một quốc gia tương tự về văn hóa và địa hình, đã đón hơn 1 triệu khách du lịch vào năm 2019.
Không chính thức đặt ra giới hạn về số lượng khách du lịch, nhưng Bhutan đã đặt mức phí du khách cao để đảm bảo rằng họ không bao giờ nhận được nhiều khách du lịch hơn số dân 700.000 người của Bhutan có thể xử lý.
Mức phí hàng ngày cố định này là 290 USD mỗi ngày cho một cá nhân vào mùa cao điểm (tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11), giảm xuống còn 250 USD một ngày cho mỗi người đối với nhóm ba người trở lên.
Mức phí trên bao gồm ba bữa ăn một ngày; một hướng dẫn viên Bhutan nói tiếng Anh được cấp phép; tất cả các phương tiện giao thông mặt đất bao gồm một người lái xe; phòng nghỉ tối thiểu 3 sao/đêm; phí vào cửa các điểm tham quan du lịch; thiết bị cắm trại và vận chuyển cho các chuyến đi bộ xuyên rừng; và một thẻ SIM địa phương miễn phí.
Việc đặt giá trên toàn quốc theo cách này sẽ giảm thiểu rò rỉ du lịch - thuật ngữ chỉ việc tiền được chuyển cho các công ty quốc tế và tài khoản ngân hàng. Nó đảm bảo việc làm cho người dân địa phương. Mức phí trên cũng bao gồm cả phí phát triển bền vững 65 USD, giúp Chính phủ cung cấp giáo dục, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tính cách là chìa khóa của văn hóa
Người Bhutan xem du lịch là một hoạt động giao lưu văn hóa. Thay vì phát triển ngành công nghiệp đại trà có nguy cơ làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc để đáp ứng thị hiếu của người nước ngoài, Bhutan đã cấu trúc sự phát triển du lịch của mình nhằm giới thiệu với người nước ngoài văn hóa và truyền thống của đất nước mình. Đây là cách suy nghĩ và ứng xử rất độc đáo của Bhutan.
Tự hào về lịch sử Phật giáo và các cộng đồng bộ tộc của mình, ngành du lịch Bhutan còn được thiết kế để mở ra một cánh cửa hấp dẫn đối với thế giới khi đến Bhutan. Du khách đến Bhutan tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương và được khuyến khích mặc trang phục truyền thống của Vương quốc...
Bhutan cũng là một đất nước có những nét rất độc đáo của riêng mình. Nhà vua của Bhutan đã đi bộ xuyên rừng và lên núi để giám sát các biện pháp phòng COVID trong đại dịch.
Cho đến nay, Bhutan là nước duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông và tất cả các nút giao thông đều chỉ do 1 cảnh sát điều khiển.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google