Khát vọng "xanh hóa" ngành hàng không của EU
Trong nỗ lực "xanh hóa" ngành hàng không của mình, châu Âu đã thành lập Liên minh hàng không không phát thải, thúc đẩy giấc mơ máy bay chạy bằng hydro và điện trở thành hiện thực. Nhưng thực tế, liên minh này là chưa đủ.
Mở ra trang mới cho ngành hàng không
Ngày 24/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra mắt Liên minh hàng không không phát thải, kêu gọi các thành viên của cộng đồng hàng không hợp lực chuẩn bị cho sự ra đời của máy bay không phát thải - loại máy bay "không còn góp phần làm Trái Đất nóng lên".
Liên minh hàng không không phát thải nhằm mục đích chuẩn bị hệ sinh thái hàng không để đưa máy bay chạy bằng năng lượng hydro và điện vào phục vụ đời sống.
Dự kiến, liên minh nói trên sẽ tập hợp đại diện của các nhà sản xuất máy bay, nhà cung cấp năng lượng, cơ quan tiêu chuẩn hóa và chứng nhận, đại diện hành khách và người bảo vệ môi trường, cũng như các cơ quan quản lý. Tất cả các nhân tố này sẽ cùng làm việc để xác định những trở ngại đối với việc vận hành thương mại các thiết bị, thiết lập các khuyến nghị và lộ trình để khắc phục trở ngại, thúc đẩy các dự án đầu tư và tạo ra sự hợp lực giữa các thành viên của nhóm.
Đặc biệt, các thành viên sẽ xem xét các vấn đề như yêu cầu về nhiên liệu và cơ sở hạ tầng của máy bay chạy bằng hydro và điện tại các sân bay, tiêu chuẩn hóa và chứng nhận cũng như các tác động đối với các nhà khai thác (các hãng hàng không) và quản lý không lưu.
Những chiếc máy bay thân thiện với môi trường được đánh giá có tiềm năng rất lớn và khả năng cạnh tranh cao trong tương lai ở tất cả các phân khúc thị trường. Dự kiến, trong hai thập kỷ tới, sẽ có hơn 44.000 máy bay thế hệ mới sẽ được tung ra thị trường. Khối lượng thị trường tiềm năng cho máy bay không phát thải ước tính là 26.000 chiếc vào năm 2050, với tổng giá trị lên đến 5 nghìn tỉ Euro.
Theo Ủy viên phụ trách các vấn đề cạnh tranh của EU - bà Margrethe Vestager, khả năng trung hòa carbon chính là giấy thông hành để hướng tới tăng trưởng và bảo vệ khí hậu toàn cầu, do đó Liên minh hàng không không khí thải sẽ giúp ngành hàng không châu Âu mở đường cho hàng không sạch và cạnh tranh.
Ủy viên châu Âu về Thị trường nội bộ Thierry Breton cũng nhận định: "Sự nhiệt tình các nhà sản xuất lớn đến các nhà cung cấp thiết bị, các công ty nhỏ và các công ty khởi nghiệp trong việc mở lối cho máy bay động cơ hydro và điện đều rất đáng khích lệ".
Cũng chia sẻ tại buổi làm việc, bà Mariya Gabriel, Ủy viên châu Âu về Đổi mới, Nghiên cứu, Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên cho biết, bản thân bà rất hoan nghênh việc ra mắt Liên minh Hàng không không phát thải. "Đây là một bước quan trọng để đảm bảo rằng chúng tôi có thể đưa các hoạt động nghiên cứu và đổi mới của châu Âu về hàng không sạch ra thị trường", bà Mariya chia sẻ.
Theo EC, cuộc họp đầu tiên của Liên minh hàng không không phát thải sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.
Chìa khóa cho ngành hàng không "xanh"
Việc khử carbon trong ngành hàng không - lĩnh vực đang "đóng góp" từ 2,5% - 3% lượng khí thải CO2 toàn cầu - là một trong những thách thức lớn đối với mục tiêu trung hòa carbon mà Liên minh châu Âu (EU) hướng tới vào năm 2050.
Ngành hàng không châu Âu cùng với các công ty châu Âu khác trong lĩnh vực hàng không đã cam kết đảm bảo vận tải hàng không ở châu lục này sẽ đáp ứng các mục tiêu khí hậu năm 2050 tại đây. Để hỗ trợ mục tiêu này, EC đã thông qua nhiều hành động cụ thể và tất cả đều nhắm đến hỗ trợ phát triển máy bay không phát thải dựa trên các công nghệ động cơ đẩy mới (ví dụ bằng điện, hay hydro).
Theo chương trình khung của EU về nghiên cứu và đổi mới tên Horizon Europe, EC cùng với ngành công nghiệp hàng không đang đầu tư 1,7 tỉ euro vào các hoạt động nghiên cứu và đổi mới cho ngành. Dựa trên quan hệ đối tác nghiên cứu và đổi mới của EU trước đây, Đối tác công tư Hàng không Sạch đặt mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng các công nghệ không phát thải vào năm 2027 - 2029 để sẵn sàng đưa máy bay không phát thải đi vào hoạt động vào năm 2035.
Thỏa thuận Xanh châu Âu là một tập hợp các sáng kiến chính sách do Ủy ban châu Âu đưa ra, với mục đích làm cho khí hậu châu Âu trở nên trung tính vào năm 2050
Dự kiến, các công nghệ mới đang được Đối tác Hàng không Sạch phát triển sẽ giúp cắt giảm 30 - 50% lượng khí thải nhà kính so với năm 2020. Do đó, công nghệ này rất quan trọng đối với việc thực hiện Thỏa thuận Xanh Châu Âu.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng sự ra đời của máy bay không phát thải với động cơ hydro, hoặc pin điện sẽ kéo theo những thay đổi rất lớn đối với hệ thống vận tải hàng không. Những công nghệ này sẽ không chỉ dẫn đến một thế hệ máy bay mới, mà còn đòi hỏi những thay đổi lớn đối với cơ sở hạ tầng sân bay, hãng hàng không, quản lý không lưu và mạng lưới năng lượng.
Vì vậy Liên minh hàng không không phát thải sẽ chỉ hoạt động tốt khi bổ sung thêm Liên minh công nghiệp hydro sạch và Chuỗi cung ứng nhiên liệu tái tạo và carbon thấp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google