Việc gia nhập EU của Ukraine có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên

T.A (tổng hợp)
11:18 - 25/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

"Chúng ta phải trung thực với người dân Ukraine và với đồng bào của chúng ta. Nếu chúng ta nói rằng Ukraine sẽ gia nhập EU trong sáu tháng, một năm hoặc hai năm, điều này sẽ là không đúng, bởi vì EU đưa ra những yêu cầu nhất định đối với các ứng viên”.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, trong lần tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos ngày 23/5, nói sẽ cố gắng thuyết phục các nước Liên minh châu Âu (EU) cấp cho Ukraine tư cách thành viên ứng cử viên của Liên minh này. "Vấn đề cấp cho Ukraine tư cách thành viên ứng cử viên của EU sẽ là trọng tâm trong các cuộc trò chuyện hậu trường", Tổng thống Ba Lan nói tại một cuộc họp báo.

Kumoh - đại diện của ông Duda nhấn mạnh, vấn đề không phải là việc Ukraine gia nhập EU, mà chỉ là việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên. "Nó không tốn kém cho bất cứ ai", và, "Các nước giàu nhất châu Âu không có lý do gì để ngại Ukraine".

Liên quan đến vấn đề Ukraine gia nhập EU, ông Clement Bon, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu cho biết: Quá trình Ukraine gia nhập EU có thể mất hơn chục năm, với các yêu cầu áp dụng cho các nước ứng cử viên. Ông giải thích: "Chúng ta phải trung thực với người dân Ukraine và với đồng bào của chúng ta. Nếu chúng ta nói rằng Ukraine sẽ gia nhập EU trong sáu tháng, một năm hoặc hai năm, điều này sẽ không đúng, bởi vì EU đưa ra những yêu cầu nhất định đối với các ứng viên".

Việc gia nhập EU của Ukraine có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Clement Bon. Ảnh: EPA-EFE / STEPHANIE LECOCQ/ TASS

Clement Bon nói, sẽ là phù hợp nếu cung cấp một số đặc quyền cho Ukraine và các quốc gia khác muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với EU, đặc biệt là Moldova và Georgia. Để làm được điều này, cần phải tạo ra một Cộng đồng địa chính trị châu Âu, theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9-5 tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg. Chủ đề này đang được đưa ra để tham khảo ý kiến các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU và sẽ đưa vào chương trình nghị sự trong tháng 6 của Hội đồng châu Âu.

Theo ông Bon, trong khuôn khổ của Cộng đồng này, người Ukraine có thể "có quyền tự do đi lại khắp châu Âu, được tiếp cận một phần kinh phí từ các quỹ châu Âu để phục hồi đất nước và nền kinh tế của mình." Ông nói: "Đây là một dự án chính trị bổ sung cho EU, dành cho các quốc gia muốn xích lại gần chúng tôi hơn".

Trước đó, ông Macron nói rằng, Ukraine có cơ hội để có được vị thế của một thành viên ứng cử viên của EU một cách nhanh chóng, nhưng việc gia nhập EU sau đó có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập niên. Tại hội nghị Strasbourg về tương lai của châu Âu, ông đã đưa ra đề xuất thành lập một tổ chức mới ngoài EU - Cộng đồng địa chính trị châu Âu - bao gồm Ukraine và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, ý tưởng này khiến một số chính trị gia châu Âu lo ngại. Đặc biệt, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho rằng, đề xuất của Paris cho thấy sự "thiếu ý chí chính trị" trong việc giải quyết vấn đề Ukraine gia nhập EU.

Vào ngày 1/3/2022, EU đã chấp nhận đơn xin gia nhập tổ chức này của Ukraine do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi vào ngày 28/2, theo thủ tục đẩy nhanh. Ngày 8/4/2022, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, đã chuyển cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một bảng câu hỏi, việc hoàn thành bản câu hỏi đó sẽ cho phép Hội đồng EU bắt đầu thảo luận về việc Ukraine gia nhập EU. Chỉ sau đó 10 ngày, vào ngày 18 tháng 4, Tổng thống Ukraine đã gửi bản trả lời hoàn chỉnh cho người đứng đầu Phái đoàn EU tại Kiev.

Việc Hội đồng EU bắt đầu đàm phán về việc gia nhập Liên minh là bước chính thức đầu tiên để Ukraine gia nhập Liên minh này. Tiếp theo, Ukraine phải thỏa thuận với các nhà đàm phán châu Âu về một tập hợp các điều kiện hoặc "chương đàm phán" cần phải tuân thủ. Quá trình đàm phán có thể kéo dài từ vài năm đến một thời gian dài không xác định.

Phần Lan là nước đàm phán nhanh nhất để trở thành thành viên EU, nhưng cũng mất tới 3 năm, còn lâu nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đã khởi động các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU vào mùa thu năm 2005, nhưng cho đến nay, sau gần 17 năm, vẫn chưa đến đích./.