COP27: Thúc đẩy sáng kiến biến sa mạc thành năng lượng tại châu Phi

PV
06:00 - 15/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã tổ chức sự kiện "Biến sa mạc thành năng lượng: Chuyển Sahel từ trạng thái mong manh sang khả năng phục hồi và thịnh vượng", trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27).

Nằm ở phía Nam sa mạc Sahara, khu vực Sahel của châu Phi trải rộng qua các vùng lãnh thổ miền Bắc Senegal, miền Nam Mauritania, miền Trung Mali, miền Nam Algeria và Niger, miền Trung Cộng hòa Chad, miền Nam Sudan, miền Bắc Nam Sudan và Eritrea.

COP27: Thúc đẩy sáng kiến biến sa mạc thành năng lượng tại châu Phi - Ảnh 1.

Khu vực Sahel, châu Phi thường xuyên phải hứng chịu các đợt hạn hán. Ảnh: CIFOR

Từ trước đến nay Sahel luôn nằm trong nhóm những khu vực chậm phát triển nhất thế giới. Nhiều thế hệ người dân bị mắc kẹt trong nghèo đói vì không có bất kỳ cơ hội kinh tế nào có thể đến được với họ. Trong khi đó, biến đổi khí hậu càng lúc càng khiến cho việc canh tác, chăn nuôi truyền thống của người dân vùng đất này trở nên bất khả thi. Các đợt hạn hán liên tục xảy ra tại Sahel trong thời gian qua. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều năm qua, hàng trăm nghìn người dân Sahel đã phải di cư đi nơi khác sinh sống.

Tạo ra 10.000 megawatt điện năng lượng mặt trời tại sa mạc châu Phi

Theo TTXVN, sáng kiến biến sa mạc thành năng lượng do AfDB phát động vào năm 2019, có trị giá 20 tỉ USD, nhằm tạo ra 10.000 megawatt điện năng lượng mặt trời. Sau khi được triển khai thành công, đây sẽ là khu vực sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới.

Sự kiện "Biến sa mạc thành năng lượng: Chuyển Sahel từ trạng thái mong manh sang khả năng phục hồi và thịnh vượng" là cơ hội để AfDB trình bày chi tiết về sáng kiến này cho các đối tác tiềm năng và tập hợp các nhà đầu tư để triển khai chương trình.

Tại sự kiện, Chủ tịch AfDB Akinwumi Adesina nhấn mạnh tầm quan trọng của điện trong việc đảm bảo an ninh và giảm nghèo.

Ông Adesina cho biết sáng kiến trên được triển khai theo nhiều hướng, bao gồm sản xuất điện mặt trời quy mô công nghiệp, các giải pháp năng lượng phi tập trung, truyền tải và phân phối, cải cách các dịch vụ công, cũng như một chính sách và môi trường pháp lý hiệu quả để bảo vệ các khoản đầu tư. Chương trình sẽ đóng góp đáng kể vào hành động vì khí hậu, tạo ra một bức tường xanh chống lại sa mạc hóa và các tác động biến đổi khí hậu khác ở châu Phi.

Sáng kiến này hướng đến mục tiêu cung cấp điện năng lượng mặt trời cho 250 triệu người dân ở khu vực Sahel, phục vụ các mục đích phát triển kinh tế-xã hội.

Dự kiến, sáng kiến "Biến sa mạc thành năng lượng" sẽ tạo ra tổng cộng 10 gigawatt điện năng lượng mặt trời vào năm 2030 ở 11 quốc gia, nơi 64% dân số sống không có điện với những hậu quả về giáo dục, y tế và kinh doanh.

Các quốc gia bao gồm Senegal, Nigeria, Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger, Chad, Sudan, Ethiopia, Djibouti và Eritrea sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến này.

Cũng trong khuôn khổ COP27, sáng kiến "Cuộc sống tốt đẹp tại châu Phi" đã được công bố trong phiên họp với chủ đề "Ngày nông nghiệp và thích ứng".

Sáng kiến "Cuộc sống tốt đẹp tại châu Phi" nhằm thu hút các khoản đầu tư quốc tế hướng tới những dự án xanh, thông minh tại các thị trấn và tiểu vùng ở châu Phi; đồng thời hỗ trợ châu Phi trong việc tăng khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trong điều kiện biến đổi khí hậu.


Nguồn: tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận