Nắng nóng và hạn hán: Nguy cơ trước mắt và lâu dài

Trần Hà
06:24 - 28/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Kinh tế Thế giới cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan đang đứng đầu nguy cơ trong năm và đứng thứ hai về trung hạn.

Nắng nóng và hạn hán: Nguy cơ trước mắt và lâu dài - Ảnh 1.

Nắng nóng tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. Ảnh: Xiaoxiang Morning News.

Hàng năm, Tổ chức Kinh tế Thế giới đóng tại Davos, Thuỵ Sĩ đều đưa ra báo cáo về nguy cơ đối với thế giới trong năm đó và triển vọng phát triển của những nguy cơ này trong tương lai ngắn hạn và trung hạn. Đây là báo cáo dựa trên ý kiến của hơn 2.000 nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới. Báo cáo năm 2022 cho thấy hiện tượng thời tiết cực đoan đang đứng đầu nguy cơ trong năm và đứng thứ hai về trung hạn.

Quả vậy, nắng nóng và hạn hán, hiện tượng thời tiết cực đoan, đang hoành hành dữ dội ở tất cả các châu lục trên thế giới. Nhiệt độ ở nhiều nơi ở châu Âu liên tục là trên 40 độ C. Hạn hán kéo dài đã làm cho sông hồ ở bắc Italia cạn nhiều. Đầu tháng Bẩy, chính phủ Italia đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở năm vùng phía bắc vì hạn hán, tác động đến 17 triệu người dân sinh sống ở khu vực này. Pháp cũng đang chịu cảnh hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1958. Chính phủ đã ra lệnh hạn chế dùng nước và Bộ Nông nghiệp ước tính vụ ngô năm nay sẽ mất 20% sản lượng. Bồ Đào Nha vừa chịu nắng nóng nhất kể từ khi bắt đầu có hồ sơ về nhiệt độ không khí và 99% diện tích cả nước đang bị hạn nặng.

Khoảng 75% diện tích nước Rumani bị hạn hán. Theo một ước tính thì vụ mùa năm nay nước này sẽ mất khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc. Nắng nóng và hạn hán ở châu Âu đã giảm 16% sản lượng ngô, 15% sản lượng đậu tương và 12% sản lượng hướng dương năm 2022 so với sản lượng hàng năm những năm trước.

Ở châu Phi, tình hình còn tệ hơn ở các châu lục khác. Ở vùng Sừng châu Phi, hạn hán đang ở mức tồi tệ nhất trong vòng 40 năm, hơn 18 triệu người ở Ethipia, Somalia và Kenya đang chịu nạn đói do hạn hán.

Khoảng hơn 43% diện tích nước Mỹ đang bị hạn. Hán hán tác động đến 130 triệu người Mỹ và 9 triệu hec-ta cây trồng.

Gần Việt Nam hơn, Trung Quốc cũng đang bị tác động mạnh bởi hạn hán. Nhà máy ở 19 trong 21 thành phố của tỉnh Tứ Xuyên phải tạm đóng cử vì thiếu điện do các nhà máy thuỷ điện ngừng sản xuẩt được do thiếu nước ở hồ chứa. Ở nhiều thành phố, điện thắp sáng công cộng đã giảm để tiết kiệm. Theo thông tin chính thức của Trung Quốc, nắng nóng và hạn hán đã tác động đến 900 triệu dân. Đã có những nhà nghiên cứu cho rằng hạn hán ở Trung Quốc sẽ là một thảm họa, lớn hơn nhiều so với dịch COVID-19.

Tần số và thời gian hạn hán trên toàn thế giới trong hai thập kỷ qua đã tăng khoảng 30%. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, khủng hoảng khí hậu đang gây ra hạn hán và khoảng 2,3 tỷ người trên thế giới đang trong cảnh thiếu nước. Mặc dù hạn hán chỉ chiếm 15% thảm hoạ thiên nhiên nhưng trong 20 năm qua hiện tượng thời tiết này đã lấy đi tính mạng của 650.000 người. Hơn 10 triệu người đã chết trong 100 năm qua do hạn hán.

Cũng theo báo cáo này thì đến năm 2050, hạn hán sẽ tác động đến hơn 75% số dân trên thế giới. Sẽ có đến 5,7 tỷ người dân sẽ sống ỏ khu vực ít nhất là thiếu nước một tháng trong năm và khoảng 215 triệu người sẽ bỏ quê hương minh đi sinh sống ở nơi khác do hạn hán cũng như các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu.

Loài người chúng ta phải làm gì để tránh được tình trạng này? Điều trước tiên phải làm là chấm dứt mọi hành động phá hoạt môi trường và hướng đến giải pháp. Đó là có giải pháp tiết kiệm trong tưới tiêu trong nông nghiệp (chiếm đến hơn 70% nước sử dụng trên toàn thế giới). Nigeria đã giảm được nguy cơ hạn khi áp dụng hệ thống nông lâm nghiệp mới trên 5 triệu héc ta đất trồng trọt. Campuchia, Indonesia cũng đã dùng biện pháp thuỷ canh, tiết kiệm được 43% nước sử dụng trong nông nghiệp và tăng năng xuất từ 8 đến 10%. Ngoài ra chúng ta còn có thể thực hiện các biện pháp khác như tạo giống cây trồng chịu hạn, lọc nước biển để sử dụng, thu giữ nước mưa, thu nước từ không khí, tái chế nước thải. Tất cả những biện pháp này cần nỗ lực của từng nước và của từng cá nhân chúng ta.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy một tương lai hạn hán nặng nề hơn và kéo dài hơn, thế giới sẽ bấp bênh hơn và các nước ngày càng ở tình thế khó khăn. Tác động của hạn hán không chỉ hạn chế ở những vùng khô hạn. Loài người chúng ta phải tích cực có những biện pháp để tránh thảm hoạ lớn hơn ngày càng đang cận kề vì hạn hán có thể gây ra nạn đói, di dân trên diện rộng và thậm chí cả chiến tranh.