COP27, các nước đang phát triển và lá chắn toàn cầu chống lại nguy cơ khí hậu

Trần Hà
06:00 - 11/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) hiện đang họp tại Sham el Sheik, Ai Cập. Lại một lần nữa, thế giới lại hướng sự chú ý của mình vào cam kết mới của lãnh đạo các nước nhằm chống lại hiện tượng trái đất ấm dần lên, nguyên nhân của nhiều hiện tượng tự nhiên.

Hy vọng COP27 cam kết mạnh hơn COP26

COP27, các nước đang phát triển và lá chắn toàn cầu chống lại nguy cơ khí hậu - Ảnh 1.

COP27 đang họp tại Sham el Sheik, Ai Cập.

Chúng ta hy vọng rằng tại hội nghị lần này, các nước sẽ có cam kết mạnh hơn COP26 để có thể giữ mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C như vẫn mong đợi.

Tại hội nghị COP26, các nước đã có những cam kết: 

(1) Giảm dần sử dụng than đá và trợ cấp sử dụng nhiên liệu hoá thạch, có những cam kết lớn hơn vào cuôic năm 2022.

(2) Hơn 130 nước, đặc biệt là Brazil cam kết sẽ chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. 

(3) Hơn 100 nước ký cam kết giảm khí methane và thoả thuận giảm 30% khí methane vào năm 2030; 23 nước cam kết giúp đỡ các nước đang phát triển như Ấn Độ, Nam Phi chuyển không dùng than. 

(4) hơn 30 nước và một số công ty sản xuất xe thảo thuận cho đến năm 2040 xe con 4 chỗ và xe nhiều chỗ hơn bán ra sẽ phát thải băng không. 

(5) Các nước thoả thuận thiết lập cơ chế giúp các nước đang phát triển đang bị "mất mát và thiệt hại" vì biến đổi khí hậu đồng thời kêu gọi các nước phát triển tăng gấp đôi giúp đỡ tài chính cho các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thế giới đã chứng kiến đại dịch COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, kinh tế thế giới bước vào thời kỳ giảm tăng trưởng, nhiều nước vướng vào suy thoái và đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine, gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện những cam kết đã nêu ra.

Năm qua thế giới cũng chứng kiến hiện tượng thời tiết cực đoan ở nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Ở Pakistan, lụt xảy ra ở 1/3 đất nước, tác động đến 33 triệu dân. Ước tình ban đầu mất mát và thiệt hại lên đến 40 tỷ đô la. Nigeria cung bị lụt hoành hành làm 1,4 triệu người vô gia cư, làm 600 người chết, huỷ hoại 440.000 hec-ta hoa mầu. Có vẻ như các nước đang phát triển đang đứng mũi chịu sào trong biến đổi khí hậu tuy các nước này chỉ đóng góp phần rất nhỏ vào khối lượng khí nhà kính phát thải. Pakistan chỉ tạo ra 0,4% khi nhà kính toàn cầu trong khi Mỹ thải ra 14% tổng lượng khí nhà kính phát thải toàn thế giới. Đây là điều không công bằng.

COP27 sẽ phải giải quyết bất bình đẳng

Nhận thấy điều này, Tổng thống Mỹ Joe Biden năm 2021 đã cam kết tăng gấp đôi tài trợ cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu lên mức 11,4 tỷ USD mỗi năm vào năm 2024. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có lời hứa tương tự. 

Tuy nhiên, cho đến nay chưa lời hứa nào được thực hiện. Quốc hội Mỹ chưa chuẩn chi thêm vốn đối phó với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển và Trung Quốc không thấy có hào hứng gì trong việc thúc đẩy năng lượng xanh cho các nước nghèo. 

Trên thực tế, chính phủ các nước, đặc biệt là các nước giầu có cũng như các thể chế kinh tế quốc tế, đã không đạt được mục tiêu là cung cấp 100 tỷ USD cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu của nước nghèo.

Mặt khác, chi phí cho cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga đã thu hút nguồn lực đáng ra phải để giải quyết biến đổi khí hậu. Mỹ đã cam kết 17,5 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Chỉ cần 2/3 số đó đã đủ cho Mỹ thực hiện cam kết tài chính đối phó với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.

COP27 đang họp tại Ai Cập sẽ phải giải quyết bất bình đẳng này. Hội nghị phải kêu gọi các nước phát triển, cả chính phủ và các công ty tư nhân, đóng góp nhiều hơn để giải quyết vấn đề, chí ít cũng phải đóng góp phù hợp với những gì đã hứa.

Đây là lý do tại sao mục "mất mát và tổn thất" liên quan đến tài trợ các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu đã trở thành một mục trong chương trình nghị sự của COP27. 

Một lý do nữa dễ hiểu là COP27 đang được chủ trì bởi Ai Cập, một nước đang phát triển. Trên thực tế, một nhóm có tên gọi là V20 gồm 20 nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu đã thiết lập Lá chắn toàn cầu chống lại nguy cơ khí hậu giúp các nước này đối phó với thảm hoạ khí hậu. Đó là cách đề cập vấn đề công bằng và chính nghĩa. Cách đề cập này cũng phù hợp với tập quán quốc tế là "người gây ô nhiễm phải trả tiền" đã được quy định tại Hiệp định bảo vệ sông Ranh khỏi ô nhiễm ký năm 1963.

Thế giới đang cần những biện pháp triệt để để tránh những thảm hoạ có thể sẽ xảy ra. Để làm như vậy, cần có những cải cách sâu và rộng tập hợp được các chính phủ, công ty tư nhân và thể chế tài chính quốc tế với mục tiêu là phát trỉển kinh tế toàn diện, phát thải bằng không, thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt chú ý đến các nước đang phát triển.