Khai mạc Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27

N.Cường
17:25 - 06/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) khai mạc vào ngày 6/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập.

Khai mạc Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 - Ảnh 1.

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra từ ngày 6-18/11 với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác. Ảnh: news.trenddetail

Hội nghị COP27 diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 6-18/11 với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác. Hơn 3.000 nhà báo và các chuyên gia truyền thông từ khắp nơi trên thế giới đã có mặt tại thành phố Sharm El-Sheikh, ở Biển Đỏ, để đưa tin về hội nghị COP27.

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay. 

Hội nghị năm nay có chủ đề là "Together For Implementation" (Cùng nhau thực thi các cam kết). 

Các chủ đề chính tại hội nghị này là phát triển hydro xanh, an ninh nước, an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Các chủ đề này phản ánh một số ưu tiên của nước chủ nhà Ai Cập trong nỗ lực thúc đẩy lợi ích của các quốc gia đang phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu tài chính của họ để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Khai mạc Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 - Ảnh 2.

Hội nghị COP27 năm nay được tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Ảnh: baltics.news

Hội nghị COP27 sẽ hướng tới việc giảm lượng khí thải carbon gây biến đổi khí hậu và giải quyết các tác động khí hậu hiện nay.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ giải quyết sẽ những vấn đề then chốt, bao gồm cả việc đảm bảo nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước nghèo và nâng tham vọng hành động khí hậu nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.

Ngoài 2 ngày hội nghị cấp cao, Hội nghị COP27 sẽ có 10 ngày chuyên đề với các chủ đề khác nhau như tài chính, giải pháp, đa dạng sinh học, năng lượng, nông nghiệp.

Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu năm nay diễn ra trong bối cảnh tình trạng Trái Đất ấm lên đã gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Các hiện tượng thời tiết như nắng nóng gay gắt và mưa lớn bất thường đã xảy ra khắp nơi trên thế giới, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người bị mất nhà cửa do thiên tai từ đầu năm tới nay.

Khai mạc Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 - Ảnh 3.

Những người nông dân ở phía Bắc của Haiti đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xói mòn đất nông nghiệp của họ. Ảnh: UN

Khai mạc Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 - Ảnh 4.

Thế giới phải khẩn trương tăng cường hành động để có thể thực hiện tham vọng cắt giảm thêm 25% lượng khí thải vào năm 2030. Ảnh: UN

Ai Cập hy vọng hội nghị năm nay sẽ chú trọng tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như vấn đề cung cấp tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước đang phát triển.

Về tài chính khí hậu, hội nghị sẽ thúc đẩy các nước phát triển thực hiện cam kết cùng theo đuổi mục tiêu huy động tài chính 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển và kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước đó, ngày 3/11, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo thế giới đang hướng tới tình trạng "hỗn loạn khí hậu" không thể đảo ngược. Ông Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) sắp tới đưa thế giới trở lại đúng hướng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm khí thải, tiếp tục cam kết tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh tiến độ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, COP27 lần này phải là nơi xây dựng lại lòng tin và thiết lập lại tham vọng cần thiết để tránh đẩy Trái Đất vượt qua giới hạn không thể đảo ngược về khí hậu. Kết quả quan trọng nhất của hội nghị cần mang ý chí chính trị rõ ràng về giảm lượng khí thải với tốc độ nhanh hơn.

Để đạt được điều này, các nước phát triển giàu có và các nền kinh tế đang phát triển cần đạt được một thỏa thuận lịch sử, nếu không "thế giới sẽ bị diệt vong."

Khai mạc Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 - Ảnh 5.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Ảnh:
minurso.unmissions.org

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, hội nghị lần này cần phải đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo quốc gia quy tụ đủ ý chính trị thực hiện mục tiêu này. COP27 phải là hội nghị xóa bỏ khoảng cách về tham vọng, sự mất lòng tin và mất đoàn kết, đưa thế giới trở lại đúng hướng cắt giảm khí thải, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với khí hậu, thực hiện cam kết tài trợ cho khí hậu, giải quyết những thiệt hại, tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nêu rõ: "COP27 cần phải đặt nền tảng cho các hành động khí hậu một cách nhanh hơn, táo bạo hơn hiện nay và trong thập kỷ này khi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới sẽ là cuộc chiến một mất, một còn".

Trong thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị COP27, Giám đốc điều hành quỹ hòa bình xanh Ghiwa Nakat nhấn mạnh: "Các tác động của biến đổi khí hậu đối với thế giới là rất nhiều và nguy hiểm, nhưng chúng ta không thể làm chậm cũng như đảo ngược những viễn cảnh u ám này nếu không có sự phối hợp hành động chung của quốc tế nhằm giảm phát thải một cách nhanh chóng và nghiêm túc nhằm hướng tới độc lập về năng lượng. Vì tất cả những lý do này, Tổ chức hòa bình xanh kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP27 tạo ra một cơ chế tài chính nhằm bù đắp tổn thất và thiệt hại cho các cộng đồng dễ bị tổn thương bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, bên cạnh việc thực hiện cam kết giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Khai mạc Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 - Ảnh 6.

Các đại biểu ngồi trong phiên toàn thể chính tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Ảnh: UN

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Hội nghị là nơi họp mặt chính thức của các Bên tham gia UNFCCC (Hội nghị các bên, COP) để đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu, và bắt đầu vào giữa thập niên 90, đàm phán Nghị định thư Kyōto để xây dựng những nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý để các nước đã phát triển giảm lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia mình.

Kể từ năm 2005, Hội nghị cũng đồng thời là "Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto" (CMP); đồng thời thành viên của Công ước khung mà không phải thành viên của Nghị định thư cũng có thể tham gia vào các cuộc họp liên quan tới Nghị định thư trong vai trò là quan sát viên.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu đầu tiên được tổ chức vào năm 1995 tại Berlin, Đức.

Hội nghị COP26 diễn ra từ ngày 1-12/11/2021 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Tại COP26, lần đầu tiên từ sau Hiệp định Paris năm 2015, các nước phải đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải họ từng đặt ra. Hơn 100 quốc gia thành viên đã đề xuất mục tiêu mới, được gọi là mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC).

Hội nghị đã tập trung thảo luận các nội dung chính gồm: Giải pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5°C trong giai đoạn công nghiệp hóa; bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; đảm bảo quỹ tài chính về biến đổi khí hậu; lên kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu; thảo luận những khả năng hợp tác về đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: UN, Trenddetail, TTXVN