"Công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn" đạt giải Nhất cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024
Ngày 16/5, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao giải Sáng kiến Khoa học 2024. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ.
Vinh danh các sáng kiến, nhà khoa học trẻ tại cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024
Cuộc thi Sáng kiến khoa học là sự kiện được tổ chức thường niên với mục tiêu tạo sân chơi cho những người yêu khoa học công nghệ, thu hút các nhà khoa học chuyên và không chuyên tham gia sáng tạo giải pháp và sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024 chính thức khởi động từ ngày 2/12/2023, gồm những lĩnh vực có tính ứng dụng rộng bao gồm: y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới. Đặc biệt, cuộc thi năm nay có thêm một hạng mục mới là vật liệu vi mạch bán dẫn.
Năm nay, Cuộc thi nhận được 135 hồ sơ gửi về với 124 bài thi hợp lệ, 30 bài thi vào vòng Chung kết.
Tại vòng Chung kết, các tác giả/nhóm tác giả đã có buổi thuyết trình dự án trước Hội đồng giám khảo. Kết quả đánh giá dựa trên điểm của Hội đồng Ban giám khảo (80%) và điểm bình chọn của độc giả (20%).
Cơ cấu tổng giải thưởng của cuộc thi lên tới 300 triệu đồng, trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải Nhất 70 triệu đồng, giải Nhì 50 triệu đồng, giải Ba 30 triệu đồng và 3 giải Khuyến khích 10 triệu đồng mỗi giải. Ngoài ra, cuộc thi có hạng mục sáng kiến vinh danh sản phẩm, sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa với giá trị 30 triệu đồng.
Ban tổ chức đánh giá, các giải pháp/sản phẩm đoạt giải có khả năng ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tối ưu hóa các nguồn lực hiện có giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hơn, góp phần hình thành các mô hình phát triển kinh tế mới.
7 giải thưởng của cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024
Giải Nhất được trao cho giải pháp "Công nghệ chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn" của Nhóm Biomass Lab, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm nghiên cứu Biomass Lab đã chuyển hóa bùn giấy thành cellulose vi khuẩn (một dạng cellulose có hình thái nano cấu trúc 3D) bằng phương pháp hóa sinh kết hợp.
Sản phẩm cellulose vi khuẩn là một nguyên liệu sinh học giá trị, tiềm năng có thể được tạo ra với số lượng lớn từ nguồn phế thải khổng lồ của ngành công nghiệp giấy, được ứng dụng đa dạng trong lĩnh vực nhựa sinh học, dệt may, màng lọc nano, da/gỗ nhân tạo, áo giáp chống đạn và sản xuất giấy.
Giải pháp này hữu ích với doanh nghiệp sản xuất giấy, giúp nhà máy giải quyết một phần gánh nặng xử lý chất thải, góp phần vào nền kinh tế tuần hoàn.
Giải Nhì được trao cho sản phẩm "Air Boots - Robot gieo hạt, phun thuốc, bón phân sử dụng đa chong chóng đẩy" của Nhóm Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh.
Giải Ba được trao cho giải pháp "Bê tông “xanh” truyền sáng chế tạo từ thủy tinh, tro, xỉ, bùn thải, không sử dụng xi măng" của Nhóm Bê tông "Xanh", Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Giải Khuyến khích được trao cho: Sản phẩm "Bảng viết theo độ tuổi cho học sinh vùng khó khăn" của tác giả Phạm Thu Trang; Giải pháp "Chẩn đoán, tiên lượng và dự đoán điều trị ung thư gan dựa vào gene F12" của nhóm MedVNU Oncology và sản phẩm "Ô cửa học tập thông minh cho học sinh Mầm non miền núi" của nhóm Mầm non Hoa sen Tuyên Quang.
Giải Sáng kiến được trao cho giải pháp "Bếp nước ấm vùng cao" của nhóm Thuỷ Sơn Năng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google