Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cho học sinh cần lưu ý gì?

Ly Hương
21:06 - 21/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Giáo viên và học sinh lưu ý những điểm mới của Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cho học sinh cần lưu ý gì?- Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/05/2024. Theo đó, giáo viên và học sinh cần lưu ý một số nội dung chính của Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT như sau:

Thứ nhất, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM); nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục.

Về nội dung này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng cho biết, giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh đã được triển khai thực hiện từ năm 2006 ở một số địa phương.

Giáo dục STEM trong các trường trung học đã góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của học sinh góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Như vậy, việc giáo viên hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật là phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Thứ hai, nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.

Giáo viên hướng dẫn cần lưu ý học sinh chọn những đề tài phù hợp với năng lực bản thân các em, tránh những dự án "đao to búa lớn". Điều này sẽ giúp học sinh triển khai nội dung đề tài hiệu quả, làm cơ sở cho việc nghiên cứu khoa học ở bậc đại học sau này.

Thứ ba, báo cáo kết quả thực hiện dự án dự thi bao gồm các nội dung cơ bản sau: câu hỏi nghiên cứu (đối với dự án khoa học) hoặc vấn đề nghiên cứu (đối với dự án kỹ thuật); thiết kế và phương pháp nghiên cứu; thực hiện thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu (đối với dự án khoa học) hoặc chế tạo và kiểm tra (đối với dự án kỹ thuật).

Giáo viên, học sinh cần biết, Phụ lục 2 Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chí đánh giá dự án như sau: Câu hỏi nghiên cứu/Vấn đề nghiên cứu (10 điểm); Thiết kế và phương pháp (15 điểm); Thực hiện: thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu/ Thực hiện: chế tạo và kiểm tra (20 điểm); Tính sáng tạo 20 điểm; Trình bày (35 điểm), trong đó: áp phích (Poster) (10 điểm) và Phỏng vấn (25 điểm).

Thứ tư, bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hoặc trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là kết quả nghiên cứu của mình.

Nội dung này đề cao sự liêm chính khoa học của dự án. Giáo viên hướng dẫn và học sinh không được vi phạm các hành vi như đạo văn, tự đạo văn, bịa đặt, ngụy tạo…

Cần biết thêm, những năm qua hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông để lại không ít "lời ong tiếng ve". Có năm, phụ huynh "tố" các đề tài được trao giải là chưa xứng đáng vì trùng lắp nội dung, kết quả các đề tài khác, phản ánh tình trạng mua bán đề tài khoa học các cuộc thi này. Chưa kể, nhiều đề tài đoạt giải không phải do học sinh hoàn toàn tự làm, mà có sự "hỗ trợ" rất lớn từ các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học…

Thứ năm, đối với các đơn vị dự thi là Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi đơn vị dự thi được đăng ký tối đa 03 (ba) dự án dự thi. Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng ký tối đa 06 (sáu) dự án dự thi;

Mỗi dự án dự thi có ít nhất 01 (một) người hướng dẫn nghiên cứu là giáo viên, nhân viên có chuyên môn phù hợp với dự án dự thi đang làm việc tại cơ sở giáo dục nơi thí sinh đang học.

Mỗi người hướng dẫn nghiên cứu chỉ được hướng dẫn 01 (một) dự án dự thi trong 01 (một) lần tổ chức Cuộc thi.

Đây là những điểm mới của Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT so với Thông tư Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.