Chuyển hạng, xếp lương giáo viên theo vị trí thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục
Được đứng ở một vị trí phù hợp, trả lương theo sự cạnh tranh, đúng năng lực của từng giáo viên sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục. Những giáo viên ưu tú nhất cũng sẽ phát huy được năng lực của mình một cách tốt nhất cho đơn vị mà mình đang gắn bó, công tác.
Hiện nay, toàn ngành giáo dục nước ta có khoảng hơn 1 triệu giáo viên cấp phổ thông. Đây là một số lượng đông đảo nhất so với các ngành nghề còn lại đang làm việc và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Trong số này, có nhiều giáo viên đang rất tích cực, chịu đảm nhận những đầu việc khó của tổ chuyên môn, nhà trường. Họ đầu tư cho nghề nghiệp của mình và họ cũng đem lại nhiều thành tích cho nhà trường, cho ngành giáo dục.
Chuyển hạng, xếp lương giáo viên theo năm công tác khiến ngành giáo dục không thể đột phá
Bên cạnh những giáo viên năng động, tích cực ở các nhà trường phổ thông hiện nay, có một bộ phận giáo viên "an phận" với công việc của mình đang có. Họ có thể làm tàng tàng, không cần phải phấn đấu, không tham gia các phong trào do nhà trường và ngành phát động và tìm cách né tránh những nhiệm vụ được phân công.
Khi được tổ chuyên môn, nhà trường phân công việc gì cũng tìm cách thoái thác để không phải thực hiện hoặc làm cầm chừng cho có và thường chậm trễ.
Nhiều đầu việc bắt buộc, đơn thuần của người giáo viên như soạn giáo án, soạn đề kiểm tra định kỳ… mà vẫn có những giáo viên không thể làm được, họ vẫn phải đi xin, vẫn phải nhờ đồng nghiệp làm thay, làm giúp. Khi giảng dạy trên lớp vẫn có tình trạng giáo viên vừa giảng dạy vừa nhìn giáo án để chép lên bảng, thậm chí ngồi đọc cho học sinh chép.
Thế nhưng, chế độ lương, phụ cấp của giáo viên trong các trường phổ thông công lập thì cơ bản đều như nhau. Người giỏi chuyên môn, tích cực trong công tác, tâm huyết với nghề, với đơn vị cũng giống như những người làm việc cầm chừng. Cứ 3 năm 1 bậc lương như nhau. Ai nhiều năm công tác thì người đó lương cao, ai ít năm công tác thì hệ số lương và tổng thu nhập hàng tháng thấp nên không tạo được động lực phấn đấu cho nhiều thầy cô giáo.
Tư tưởng phấn đấu cũng vậy, không phấn đấu cũng thế đã ngấm sâu vào suy nghĩ của một bộ phận nhà giáo trong những năm qua. Từ đó, dẫn đến những thua thiệt cho những thầy cô phải đương đầu với những công việc khó của tổ, của trường trong mỗi năm học. Tư tưởng "nhường" việc, "né việc" để đồng nghiệp làm không hiếm ở các trường phổ thông hiện nay.
Tuy nhiên, khi đánh giá viên chức, xét thi đua cuối năm thì ai cũng tự đánh giá mình hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giáo viên nào cũng muốn mình được xét danh hiệu thi đua cao nhất có thể. Nếu không được, họ bàn tán, làm mất đoàn kết nội bộ và đưa ra những lời bình phẩm vô căn cứ đối với những giáo viên tích cực, có nhiều thành tích.
Tấm huy chương nào cũng sẽ có mặt trái, mặt phải và chính sách nào cũng sẽ có những ưu điểm, hạn chế nhất định nên việc xếp hạng. Và tiến tới là trả lương theo vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập có thể sẽ những khó khăn nhất định, gặp những ý kiến trái chiều nhưng đó là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi, nó sẽ đem lại một luồng gió mới cho hàng triệu nhà giáo, làm thay đổi cách cào bằng các chính sách đãi ngộ nhà giáo đã tồn tại hàng mấy chục năm nay ở ngành giáo dục.
Chuyển hạng, xếp lương giáo viên sao cho công bằng, khách quan?
Một nhà giáo giỏi không chỉ là một người làm chuyên môn đơn thuần. Bên cạnh việc giảng dạy còn có nhiều đầu việc, mối quan hệ khác với đồng nghiệp, với học sinh, phụ huynh, những người xung quanh và những phong trào, hội thi khác nhau.
Người thầy giỏi phải là những người có nhiều thành tích trong giảng dạy. Họ không để lại những tai tiếng trong chuyên môn, trong ứng xử. Tất nhiên, họ cũng sẽ là nhân tố thúc đẩy giáo dục, làm động lực cho nhiều người trong đơn vị mình đang công tác.
Giáo viên không nên e ngại khi việc xếp hạng, trả lương theo vị trí việc làm đối với giáo viên có thể nảy sinh vấn đề phe phái, cục bộ trong nhà trường. Bởi, khi xếp một giáo viên ở hạng cao phải bao hàm nhiều yếu tố, nhiều thành tích mà nhà giáo đó đã đạt được. Bên cạnh đó, họ có lòng nhiệt huyết đối với nhà trường, với nghề nghiệp của mình đang gắn bó.
Nếu những nhà giáo có chuyên môn và đạo đức tốt, có nhiều thành tích, sống chan hòa với đồng nghiệp, luôn nỗ lực trong giảng dạy và thường xuyên làm những công việc chung của tổ, của trường thì không có hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn nào lại đề nghị giáo viên trong trường, trong tổ của mình ở hạng thấp hơn so với những người không để lại dấu ấn gì trong công tác.
Ngược lại những giáo viên không có thành tích, không có dấu ấn cụ thể nào cũng khó có thể được xếp ở hạng cao. Vì thế, việc xếp hạng giáo viên, trả lương theo vị trí việc làm trong tương lai sẽ có chế độ đãi ngộ tương xứng, công bằng. Từ đó, khích lệ những nhà giáo có khát khao cống hiến, làm việc có hiệu quả được xếp hạng và được trả lương tương xứng với công việc và cống hiến cho đơn vị.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google