Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT: Đã giải quyết hết bất cập về xếp lương, chuyển hạng giáo viên?

Thành Phúc
07:58 - 06/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT vẫn không xóa được bất cập hiện nay. Định mức công việc như nhau nhưng hạng, lương giáo viên rất khác nhau. Tính "cào bằng" khi xếp hạng, xếp lương vẫn tồn tại nên rất khó tạo ra những động lực cho giáo viên nỗ lực phấn đấu, cống hiến.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có tác động đến tất cả giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông. Đặc biệt, một bộ phận giáo viên đang hưởng lương bậc 4, bậc 5, bậc 6 - hệ số 3,33; 3,67, 3,99 của hạng II cũ mà được chuyển sang hạng II mới sẽ nhận mức lương bậc 1 - hệ số 4,0. Tương đương với 1-2 bậc lương và rút ngắn được thời gian từ 3-6 năm so với trước đây.

Tuy nhiên, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01-042021/TT-BGDĐT vẫn không xóa được bất cập hiện nay. 

Đó là định mức công việc như nhau nhưng hạng, lương giáo viên rất khác nhau. Tính "cào bằng" khi xếp hạng, xếp lương vẫn tồn tại nên rất khó tạo ra những động lực cho giáo viên nỗ lực phấn đấu, cống hiến.

Chuyển hạng, xếp lương mới của giáo viên theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có tác động như thế nào đối với đội ngũ nhà giáo?

Theo Luật giáo dục năm 2019, trình độ giáo viên phổ thông (từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông) đều có chuẩn trình độ là đại học. Trước khi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ra đời, đa phần giáo viên đang giữ hạng, lương theo hướng dẫn của chùm Thông tư liên tịch số 21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông. 

Đối với 3 cấp học này, giáo viên đang ở hạng II là nhiều nhất và họ đang được hưởng hệ số lương từ 2,34-4,98. Những giáo viên khi hết bậc lương thì được hưởng lương vượt khung.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT ban hành, hệ số lương của giáo viên hạng II cũ chuyển sang hạng II mới chỉ thay đổi nhiều đối với bậc 4, bậc 5 - hệ số 3,33; 3,67 được lên bậc 1 - hệ số 4,0. Còn lại chỉ thay đôi chút ít.

Chẳng hạn, giáo viên hạng II cũ, hưởng lương bậc 6 - hệ số 3,99. Khi được chuyển sang hạng II mới, hưởng lương bậc 1 - hệ số 4,0. Những  giáo viên đang hưởng lương bậc 7 - hệ số 4,32 của hạng II cũ được chuyển sang lương bậc 2 của hạng II mới với hệ số 4,33 (chênh lệch 0.02). Giáo viên đang hưởng lương bậc 8 của hạng II cũ, có hệ số 4,65 khi chuyển sang lương bậc 3 của hạng II mới sẽ có hệ số lương 4,68 (chênh lệch 0,03).

Như vậy, chỉ có những giáo viên đang hưởng hệ số lương 3,33; 3,67 được chuyển hạng, xếp lương sang hạng II mới với hệ số 4,0 có lợi thế vì được hưởng chênh lệch 1-2 bậc lương (tương đương hệ số 0,33-0,67) theo Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT

Còn lại, những thầy cô đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm hạng theo hạng cũ mỗi tháng chênh lệch vài chục ngàn đồng.

Tuy nhiên, để chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới thì giáo viên phải đáp ứng được chuẩn trình độ; số năm công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và nhiều tiêu chí khác nữa.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT vẫn đề cao giáo viên có thâm niên, chưa chú trọng hiệu quả công việc

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, một bộ phận giáo viên đang hưởng lương bậc 4, bậc 5 - hệ số 3,33; 3,67 được lên bậc 1 - hệ số 4,0 dĩ nhiên là họ sẽ rất mừng. Song, những giáo viên còn lại về cơ bản vẫn là cách chuyển hệ số lương theo… năm công tác. Có nghĩa những giáo viên nhiều năm công tác thì lương cao, giáo viên ít năm công tác thì lương sẽ thấp hơn.

Ví dụ, có giáo viên đang hưởng lương bậc 9, hệ số lương 4,98+10% vượt khung của hạng II cũ, khi xếp lương sang hạng II mới sẽ ở bậc 6, hệ số lương 5,70 (chênh lệch 0,22). Trong khi, những giáo viên đang hưởng lương bậc 6, hệ số 3,99 của hạng II cũ khi chuyển sang hạng II sẽ hưởng lương bậc I, hệ số 4,0 (chênh lệch 0,01). Vì thế, nếu tính cả phụ cấp thâm niên thì họ có thể chênh nhau rất lớn về tổng thu nhập hàng tháng.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT

Giáo viên có thâm niên nhiều và giáo viên có thâm niên ít hơn không đồng nghĩa là người nhiều năm công tác dạy hiệu quả hơn, giỏi hơn

Thực tế cho thấy một bộ phận giáo viên trên ngưỡng 50 tuổi (lương bậc 9+ vượt khung theo cách tính hiện hành) đã không còn nhiều động lực phấn đấu. 

Hiện nay, những giáo viên trên dưới 40 tuổi, đang hưởng lương bậc 4,5,6 lại là những người đóng vai trò nòng cốt ở các nhà trường khi họ đã và đang ở độ chín nhất của nghề nghiệp. Tuy nhiên lương của họ có khi lại chỉ bằng một nửa giáo viên có thâm niên.

Hơn nữa, với quy định hiện nay thì giáo viên hạng mấy, lương bậc mấy cũng có số lượng công việc như nhau. Giáo viên tiểu học dạy 23 tiết; giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết; giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần.

Định mức công việc như nhau, công việc được phân công nhiều khi vất vả hơn vì nhà trường thường phân công những việc khó, phức tạp cho người trẻ, có phân công cho giáo viên lớn tuổi thì cũng đa phần họ thoái thác với nhiều lý do khác nhau. 

Thế nhưng, xếp lương theo chùm Thông tư liên tịch số 21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây và hiện nay, hay Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT vẫn chưa hướng tới hiệu quả công việc mà vẫn đề cao người có thâm niên công tác.

Nếu những giáo viên có thâm niên công tác nhiều mà thực sự là cây cao bóng cả, những người thầy mẫu mực trong sư phạm thì không nói. Nhưng, một số giáo viên lớn tuổi đang làm làng nhàng để chờ hưu mà lương gấp đôi, gấp ba giáo viên trẻ năng động thì rõ ràng bất cập vẫn chưa được giải quyết.

Chỉ khi nào trả lương theo vị trí việc làm, trả lương theo hiệu quả công việc, tính phức tạp của công việc thì mới giải quyết được bất cập và chất lượng, hiệu quả công việc mới được nâng lên. Khi vẫn còn trả lương theo năm công tác thì ít nhiều có tác động đến động lực của nhiều giáo viên. Vì ai cũng như ai, không vi phạm là 3 năm tăng 1 bậc lương như nhau.

Điều này cũng trái với quy luật phát triển xã hội là nhân lực chất lượng cao, chuyên môn cao thì có thu nhập tốt hơn dựa trên sự phấn đấu học tập và nỗ lực của chính họ.