Chương trình giáo dục phổ thông mới: Kiểm tra cuối kỳ theo cách nào?
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đối với những lớp đang giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được thực hiện theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, học sinh có 2 loại bài kiểm tra, đó là: kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ. Bài kiểm tra thường xuyên có nhiều hình thức, đơn giản hơn nhưng bài kiểm tra định kỳ (giữa kỳ; cuối kỳ) phức tạp hơn. Nhất là đối với các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở vì phần lớn các trường học trên cả nước đang phải phân công giáo viên dạy theo từng phân môn. Trong khi, các môn học này đang có từ 2 đến 6 phân môn khác nhau.
Phức tạp trong kiểm tra cuối học kỳ môn tích hợp
Thời điểm này, các trường học bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1 đối với tất cả các môn học. Trong đó, cấp trung học cơ sở có một số môn học tích hợp như: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Nghệ thuật; Nội dung giáo dục địa phương.
Để chuẩn bị cho kiểm tra học kỳ, các tổ chuyên môn của trường phải xây dựng kế hoạch ôn tập, phân công người ra đề cương, đề kiểm tra học kỳ rất cụ thể vì các môn học tích hợp còn mới, cần thận trọng trong kiểm tra và đánh giá.
Mặc dù môn Lịch sử và Địa lý có 2 phân môn (Lịch sử, Địa lý); Khoa học tự nhiên có 3 phân môn (Vật lý, Sinh học, Hóa học); Nghệ thuật 2 phân môn (Âm nhạc, Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương 6 phân môn (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật) nhưng tỉ lệ số tiết đối với từng phân môn không đều nhau. Vì thế, khi ra đề kiểm tra phải phân chia theo tỉ lệ câu hỏi, điểm số.
Như vậy, dù là một môn học nhưng vì nó có nhiều phân môn khác nhau, nhiều giáo viên dạy khác nhau nên khi ra đề kiểm tra thì nhiều giáo viên cùng ra chung một đề và phải có một giáo viên chịu trách nhiệm "ráp đề" lại với nhau. Trong khi, việc ra đề kiểm tra học kỳ luôn yêu cầu phải thực hiện theo ma trận, bảng đặc tả kiến thức.
Các tổ trưởng chuyên môn phải làm công việc tính toán tỉ lệ, ráp đề kiểm tra, duyệt đề… Kiểu làm việc nhóm này khiến các giáo viên rất lúng túng khi tiếp cận.
Đối với những môn tích hợp cùng một tổ chuyên môn, việc ra đề kiểm tra có vẻ suôn sẻ hơn. Những môn học liên quan đến nhiều tổ chuyên môn thì vô cùng rối rắm và phức tạp vì để các tổ trưởng ngồi lại thống nhất với nhau về hình thức, tỉ lệ, ai chấm, ai vào điểm, ai nhận xét, ai ký học bạ mất nhiều thời gian mà chưa đi đến đồng thuận.
Khi tổ chức kiểm tra xong, khâu chấm bài lại buộc phải lặp lại quy trình này. Bài làm của học sinh có nội dung nhiều phân môn khác nhau và hình thức kiểm tra thì kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm khách quan nên gần như phần của giáo viên nào, người đó chấm. Thầy cô này chấm xong kiến thức phân môn của mình thì mới có thể đến thầy cô khác chấm tiếp.
Bên cạnh đó, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cả bằng điểm số và bằng nhận xét. Vì thế, sau khi hoàn thành phần chấm điểm kiểm tra, giáo viên phải chia nhau nhập điểm, nhận xét. Phần nhận xét giáo viên chủ yếu nhìn điểm số của học trò để làm cơ sở, vì họ chỉ dạy một phân môn, không thể nhận xét được cả môn học tích hợp một cách chính xác.
Phải nói rằng, các môn học tích hợp đang khiến cho các ban giám hiệu nhà trường, các tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên rất bối rối khi tính toán phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu, ra đề, kiểm tra. Sự chắp vá trong dạy và học dẫn tới nhiều chắp vá khác trong việc đánh giá, kiểm tra học sinh, dẫn tới thu hoạch kết quả dạy và học không chính xác. Khi các trường chưa có giáo viên cho môn tích hợp thì hiện tượng này sẽ còn diễn ra trong tương lai gần,
Môn tích hợp sẽ còn phức tạp nhiều hơn trong 2 năm học tới đây
Năm học 2022-2023 là năm thứ 2 cấp trung học cơ sở thực giảng giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6 và lớp 7. Hai năm học tiếp theo sẽ thêm lớp 8 và lớp 9 nên tính chất, mức độ phức tạp sẽ còn nhiều hơn hiện nay. Các chuyên gia của Vụ Giáo dục trung học cần có ngay định hướng cụ thể, rõ ràng về chuyên môn.
Đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học "giao quyền tự chủ cho nhà trường". Tuy nhiên, về phía các nhà trường, họ không "tự chủ" được nhân sự dạy môn tích hợp. Trong khi đó, các hướng dẫn của Bộ đều yêu cầu bài kiểm tra định kỳ phải thực hiện chung 1 đề đối với tất cả các phân môn.
Vì thế, chủ trương xây dựng và thực hiện giảng dạy các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Định hướng dạy học tích hợp chưa rõ nét dẫn đến các trường đang khá bị động dẫn tới chất lượng giáo dục rất khó đánh giá chính xác.
Hơn nữa, sách giáo khoa cũng chưa phải là sách tích hợp vì các tác giả viết các đơn vị kiến thức theo từng phân môn. Phần lớn các trường học chưa có giáo viên tích hợp nên cũng đang phân công giáo viên giảng dạy theo phân môn.
Vì thế, việc chắp vá, "phát huy tinh thần cũ cho tình hình mới" này khiến cho giáo viên và học sinh khá mệt mỏi. Có thời điểm, giáo viên phải dạy rất nhiều tiết vì đến đơn vị kiến thức của mình nhưng cũng có lúc lại rất rảnh rang vì phân môn của mình đã dạy xong.
Chính vì một môn học có nhiều giáo viên cùng giảng dạy nên về cơ bản giáo viên cũng chỉ dạy xong phân môn của mình là hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tính chất "tích hợp" gần như chưa được chú trọng, gây ra sự khó hiểu cho học trò.
Một môn học mà học sinh phải chuẩn bị nhiều quyển vở, học với nhiều thầy cô nhưng khi kiểm tra định kỳ lại thấy "gộp" chung vào một đề.
Nếu chỉ dừng lại ở việc "tích hợp" chung đề kiểm tra, chung cột điểm với nhau thì rõ ràng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 khó đạt được mục đích ban đầu đề ra. Hơn thế nữa, việc tổ chức dạy và học vướng mắc khiến cho giáo viên và nhà trường gặp nhiều vướng mắc.
Đến thời điểm này, nhìn từ thực tế các trường học, chúng ta dễ dàng nhìn thấy các môn tích hợp đang gây ra rất nhiều áp lực, khó khăn cho các nhà trường, giáo viên và học sinh. Cũng chừng ấy giáo viên dạy như chương trình cũ, nhân sự không mới nhưng lại tiếp nhận chương trình mới một cách chắp vá.
Học sinh khó học hơn và giáo viên vất vả hơn. Nhưng, khi lên cấp trung học phổ thông (những lớp chưa áp dụng chương trình giáp dục phổ thông mới) phần lớn các phân môn tích hợp lại trở thành môn học độc lập như trước đây.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google